Phát triển năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị

Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong phát triển năng lượng, là chìa khóa cho tư nhân đầu tư vào dự án năng lượng, điện.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 55 có nhiều chính sách đột phá phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Nghị quyết 55 khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.

Nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với tư cách là bộ quản lý nhà nước về năng lượng, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu và chỉ đạo thực hiện những cơ chế chính sách đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện VIII, đồng thời rà soát bổ sung cho Quy hoạch điện VII điều chỉnh làm sao cho “trúng” và bám sát các định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55. Đặc biệt trong những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành điện, nguồn điện, và đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện.

Khi triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, khảo sát, đánh giá và bàn bạc với các địa phương để thống nhất tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư và quy mô đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng điện để đảm bảo năng lượng tái tạo công suất lớn hơn, đặc biệt là khu vực có nhiều tiềm năng như miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nam Bộ.

Việc rà soát lại trong các quy hoạch nhất là Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế tại các khu vực phát triển điện tái tạo để sớm bổ sung vào quy hoạch những dự án nguồn điện quan trọng, các dự án truyền tải điện đảm bảo hài hòa cho các khu vực là biện pháp đầu tiên mà Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo thực hiện.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được tiếp thu và hoàn thiện

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 29 tháng 5 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại các Thông báo số 91/TB-VPCP ngày 03 tháng 5 năm 2021, Thông báo số 189/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2021 tại các cuộc họp về Quy hoạch điện VIII giao Bộ Công Thương rà soát và hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với quan điểm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.

Quán triệt nghiêm các quan điểm chỉ đạo, Bộ Công Thương đã khẩn trương rà soát, phân tích và hoàn thiện toàn bộ nội dung của Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Nhiều nội dung rà soát đã có những thay đổi so với nội dung được nêu tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3 năm 2021. Mặc dù vậy, dự thảo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Phụ tải điện sau rà soát được giữ nguyên các kết quả dự báo như trong Tờ trình số 1682/TTr-BCT. Theo đó, tăng trưởng điện thương phẩm kịch bản phụ tải cơ sở giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 8,52%/năm và 9,36%/năm trong kịch bản phụ tải cao là đảm bảo có độ dự phòng cần thiết trong quá trình phát triển điện lực giai đoạn tới.

Trong lần rà soát lần này, cơ cấu nguồn điện đã có một số thay đổi. Tổng công suất đặt nguồn điện trong phương án phụ tải cơ sở đạt 130.371 MW giảm khoảng gần 7.700 MW so với Tờ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 năm 2021 và trong phương án phụ tải cao, con số này lần lượt là 143.839 MW và 6.000 MW. Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện đáp ứng các chỉ đạo đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Quy hoạch điện VIII hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tình khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII. Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000 MW.

Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường. Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.

Quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào đã được Bộ Công Thương tuân thủ nghiêm túc trong lần rà soát lần này. Chính vì vậy, một số nguồn điện có vai trò chạy nền đã được bổ sung thêm cho khu vực miền Bắc nhằm tăng cường khả năng cân bằng nội miền trong khi một số loại hình nguồn điện tại khu vực miền Trung và miền Nam đã được xem xét, đẩy lùi giai đoạn phát triển nhằm hạn chế tối đa việc truyền tải qua các lát cắt 500 kV từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc.

Để Chính phủ và Bộ Công Thương không bị động trong công tác điều hành phát triển điện lực trong thời gian tới, Quy hoạch điện VIII lần này đã kiến nghị Chính phủ ủy quyền và giao Bộ Công Thương thường xuyên rà soát 6 tháng một lần tình hình triển khai các công trình nguồn điện, được phép điều chỉnh tiến độ phát điện đối với nhiều nguồn điện chậm tiến độ quá 24 tháng và điều chỉnh thay thế các dự án chậm tiến độ bằng các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện và tránh gây lãng phí, thất thoát đầu tư và giảm hiệu quả đầu tư các dự án điện.

Ngày 30 tháng 8 năm 2021, Bộ Công Thương có Văn bản số 5321/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với Báo cáo Quy hoạch điện VIII sau khi đã rà soát.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt./.

  • 29/09/2021 09:10
  • Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương