Phụ nữ EVN luôn được tạo điều để phát huy năng lực

Vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ và Phong trào thi đua "giỏi việc nước - đảm việc nhà" giai đoạn 2011 – 2015.

Quyền bình đẳng của phụ nữ được đặt lên hàng đầu

Theo báo cáo từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Ban VSTBPN) của EVN, giai đoạn 2011-2015, EVN đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng cho sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân và có điện dự phòng. Công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến tích cực; chỉ số tiếp cận điện năng và các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện được cải thiện rõ rệt. Hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển nguồn và lưới điện... Trong thành công này có đóng góp đáng kể của chị em phụ nữ. Cùng với nhiều hoạt động khác, hoạt động VSTBPN &bình đẳng giới (BĐG) cũng được tổ chức rất sôi nổi. Điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chuyên môn và các đoàn thể đối với chị em, tạo nên môi trường làm việc văn hoá, khuyến khích tinh thần lao động nhiệt tình, hăng say, sáng tạo để chị em có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ ngày càng nhiều hơn cho đơn vị, gia đình và xã hội. Đội ngũ nữ CBCNV đạt các danh hiệu “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ngày càng tăng.

Hiện nay, toàn tập đoàn có 20.945 lao động nữ, chiếm 20,61% tổng số lao động toàn ngành. Lao động nữ được bố trí tất cả các lĩnh vực phù hợp với đặc điểm giới tính và công việc, không có lao động dôi dư. Thu nhập của lao động nam và nữ ở cùng vị trí công tác được hưởng bình đẳng như nhau, năm sau thường cao hơn năm trước 5-10%. Đặc biệt, nâng cao trình độ năng lực mọi mặt là một mục tiêu hết sức quan trọng trong điều kiện hội nhập. Đến nay, tập đoàn có 10.543 chị trình độ đại học, chiếm 49% tổng số lao động nữ và chiếm 26,73%  số lao động cùng cấp trình độ; 583 chị có trình độ sau đại học, chiếm 2,7% tổng số lao động nữ, tăng 0,9% so với kế hoạch. Kết quả này cho thấy trình độ lao động nữ trong ngành điện ngày càng tăng, chất lượng và năng lực đáp ứng công việc ngày càng cao. Tổng số đảng viên nữ là 4.502 chị, chiếm 18,02% tổng số đảng viên toàn tập đoàn.

Công tác tuyên truyền BĐG đã có những chuyển biến tích cực. Các đơn vị luôn đảm bảo tốt các chế độ, chính sách về lương, thưởng, bảo hiểm, bảo hộ lao động, điều kiện môi trường làm việc cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Các đơn vị cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm nhân ngày lễ của chị em như 8/3, 20/10 bằng nhiều hình thức phong phú như hội thi, nói chuyện chuyên đề, tham quan, xem phim…Ban VSTBPN phối hợp với công đoàn các cấp chỉ đạo và thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, tổ chức nhiều hoạt động cho con CNVCLĐ nhân các dịp ngày 1/6, trung thu, nghỉ hè... Các hoạt động về giới được lồng ghép trong các hoạt động chung của tập đoàn và các đơn vị. Nhiều chỉ tiêu hoạt động động VSTBPN đã đạt và vượt kế hoạch, trong đó mục tiêu về việc làm và thu nhập của lao động nữ luôn giữ được ổn định và nâng cao, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nữ CNVCLĐ được quan tâm, các phong trào trong nữ CNVCLĐ được tổ chức thường xuyên. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động, việc làm được đặt lên hàng đầu, góp phần khuyến khích chị em phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.  

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc – Phó TGĐ EVN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN, hiện nay 100% các đơn vị trong tập đoàn đã thành lập Ban VSTBPN; các chính sách chế độ đối với LĐ nữ đều được thực hiện tốt. Tính đến năm 2015, tập đoàn bố trí được 1272  cán bộ nữ quản lý ở các đơn vị. Trong đó, 877 cán bộ nữ quản lý ở đơn vị cấp 3 chiếm 12,89% so với tổng số cùng cấp quản lý; 58 chị quản lý ở đơn vị cấp 2; 12 chị quản lý ở cấp tập đoàn. Tuy nhiên, lãnh đạo nữ là cấp trưởng chỉ chiếm 5-7% tổng số lãnh đạo cấp trưởng.

Giai đoạn 2016 – 2020: Hướng hoạt động vào trọng tâm, trọng điểm

Xác định công tác BĐG là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, Ban VSTBPN EVN khẳng định: năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng cường phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị các ban ngành, đoàn thể trong đơn vị. Cụ thể: Năm 2016, 100% Trưởng ban VSTBPN các đơn vị cấp 3 phải là thủ trưởng đơn vị; Nâng cao chất lượng lao động nói chung và nữ nói riêng thông qua việc đào tạo, học tập kinh nghiệm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và tổ chức, sắp xếp công việc phù hợp với thể chất và giới; Quan tâm quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các chức danh quản lý, lãnh đạo thông qua việc đánh giá hiệu quả thực hiện công việc; Tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên với các chủ đề cụ thể hướng vào trọng tâm công việc từng giai đoạn để  tạo động lực mạnh hơn cho lao động nữ. Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ EVN có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ chiến lược của tập đoàn; Nâng trình độ sau đại học từ 3% lên 5%, trình độ đại học từ 48% lên 52% trong tổng số lao động nữ.Chị em được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, xây dựng hình ảnh, vẻ đẹp của phụ nữ ngành điện“Năng động, sáng tạo, tự tin, trách nhiệm”, “Ân cần, chu đáo, lịch sự, hòa nhã và tận tâm”.

Nhân dịp này, 1 tập thể và 7 cá nhân thuộc Tập đoàn EVN và Công đoàn Điện lực Việt Nam đã được Ủy ban Quốc gia VSTBPN tặng bằng khen, 3 tập thể và 12 cá nhân  được nhận bằng khen của Bộ Công Thương; 24 đơn vị và 57 cá nhân được nhận bằng khen của EVN vì đã có thành tích cao trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2011-2015.

TGĐ EVN Đặng Hoàng An: phụ nữ EVN phải thích ứng với quá trình chuyển đổi của toàn tập đoàn, phấn đấu vì mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2020, EVN lọt vào  top 4 đơn vị điện lực hàng đầu khối Đông Nam Á. Lãnh đạo EVN cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nữ CBCNV được phát huy hết năng lực của mình, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của EVN.

  • 11/04/2016 08:03
  • Công đoàn EVN