Chuyện về những người nữ thợ điện vùng cao Sơn La

Nói về ngành điện, chúng ta thường nghĩ về một ngành kinh tế đặc thù, môi trường làm việc có tính khắc nghiệt tương đối cao, có thể gây nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, nơi có những người thợ đang miệt mài lao động cần mẫn do tính chất công việc đòi hỏi tâm huyết, yêu nghề….

Công ty Điện lực Sơn La (PC Sơn La) đang có hơn 900 CBCNV trong đó có 214 là nữ, khoảng 23,6%. Họ đang làm việc cùng với nam đồng nghiệp trong dây chuyền sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cung ứng điện của Công ty như: thu tiền điện, ghi chỉ số công tơ, quản lý vận hành lưới điện, quản lý dự án, quản lý tài chính, lập kết hoạch, quản trị doanh nghiệp…. 

Với đặc thù địa hình miền núi, Sơn La có diện tích đất tự nhiên trải rộng, thời tiết và giao thông đi lại khó khăn, nhưng những người nữ “chiến sỹ” thợ điện vùng cao Sơn La luôn vững vàng, vượt khó, phát huy tinh thần “Hai giỏi”, dù ở vị trí công tác nào, họ vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt vai trò, vị trí của người phụ nữ Việt Nam đảm đang, hiếu thảo.

Từ năm 2012, PC Sơn La triển khai quy chế điều động, luân chuyển cán bộ, công nhân giữa các đơn vị. Nhiều chị em phải xa nhà, xa tổ ấm của mình để đảm nhiệm những công việc “gian khó” hơn.

Chị Mè Thị Vân, Công nhân Điện lực Sông Mã chia sẻ: Trước đây tôi là Tổ trưởng tổ Ghi chỉ số của Điện lực Thành Phố Sơn La, được điều động vào công tác tại Điện lực Sông Mã cùng với 3 chị em nữa. Thời gian đầu chúng tôi cảm thấy rất buồn, xa nhà, điều kiện chăm sóc gia đình hạn chế, nhớ các con… nhưng chỉ sau một tháng nhóm chị em mới nhận nhiệm vụ tại đây dù trèo đèo, lội suối nhưng cũng đã được xua dần lo toan cuộc sống gia đình, nỗi nhớ nhà bởi những hình ảnh của người dân vùng sâu vùng xa, đặc biệt là bà con ở những bản đang mong ánh điện của Đảng về với bản làng.

Chị Hoàng Thị Sinh, Công nhân Điện lực Thành Phố Sơn La, là một trong năm nữ công nhân đầu tiên được điều động công tác tại Điện lực Sốp Cộp, từ tháng 05/2012 đến 10/2014 nói: “Khi công tác ở Điện lực vùng cao, biên giới chúng tôi có những kỷ niệm không thể nào quên, có lần tôi đến bản Nậm Pừn, xã Mường Lèo bà con ở đây đã giúp chúng tôi rất nhiều về chỗ ngủ, hỗ trợ đi lại giữa bản và trung tâm xã vì ngày đó đường vào bản dốc cao, lầy lội, chỉ có thể đi bộ hoặc nhờ ngựa, xe trâu.”

Chị Lò Thị Hoa, Công nhân Điện lực Thuận Châu: Ngoài chuyện bộn bề của cuộc sống gia đình, chị em đã phải thu xếp hợp lý để có thời gian về thăm và chăm sóc các con, bên cạnh đó chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Ban giám đốc, Ban thường vụ công đoàn, anh, chị em đồng nghiệp… quý nhất là tình cảm yêu quý của bà con nhân dân nơi chúng tôi đến công tác.

Dù ở cương vị công tác nào, các chị cũng luôn năng động, sáng tạo, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó các chị cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do Công ty và ngành phát động. Cùng với sự phát triển của Công ty, nhiều nữ CB-CNVCLĐ được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh Sơn La tỉnh, các Bộ, ngành.. và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Một mùa xuân mới đang tỏa nắng trên mọi nẻo đường vùng cao Sơn La, ước mong của các chị cũng giản đơn như biết bao người phụ nữ khác.

Chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân Nhà máy Thủy điện Chiềng Ngàm, người có hàng chục năm gắn bó với nhà máy: “…Chị em chúng ta cùng nhau phấn đấu, khắc phục khó khăn để cho dòng điện luôn sáng trên vùng cao này...”

Chị Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Điện lực Sông Mã: Chúng tôi mong muốn được cống hiến và phục vụ khách hàng sử dụng điện với chất lượng dịch vụ tốt nhất nhằm mang đến sự hài lòng của khách hàng.

Chị Hoàng Thị Sinh, Công nhân Điện lực Thành Phố Sơn La: Nếu không có sự thông cảm, ủng hộ, chia sẻ của gia đình và đồng nghiệp thì chúng tôi khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Mong rằng gia đình và anh, chị em đồng nghiệp tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian tới.

  • 10/03/2016 10:19
  • Nguồn " Công đoàn Điện lực Việt Nam"