Thác Mơ - Câu chuyện thủy điện và điện mặt trời

Chúng tôi đến Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước vào một ngày cuối năm trong tiết trời se lạnh. Trước thềm mùa xuân thứ 24 này, không khí làm việc của lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên nơi đây diễn ra hối hả, khẩn trương, nhằm vận hành công việc ổn định và đảm bảo kế hoạch.

 

Khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng
Khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng

Thành công từ thủy điện…

Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP), tiền thân là Nhà máy Thủy điện Thác Mơ, được thành lập năm 1994. Đây là công trình thủy điện lớn đầu tiên do tư vấn Việt Nam chủ trì lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật; thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Là công trình thủy điện đầu tiên trên cả nước khởi đầu thành công cho việc ngành điện tự lo nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy và được xây dựng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách về cung cấp điện cho phát triển kinh tế của đất nước và khu vực phía Nam. Thủy điện Thác Mơ đã biến Phước Long từ vùng núi rừng hiểm trở, dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn trở thành thị xã - một trong ba trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Phước.
Nhận thức được tầm quan trọng của điện năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, trong suốt 24 năm qua, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Công ty luôn kề vai sát cánh, vượt qua những khó khăn trở ngại để xây dựng nên thương hiệu TMP hôm nay. Ông Lê Minh Tuấn - Tổng giám đốc TMP cho biết, sau hơn 20 năm đi vào vận hành, TMP đã đóng góp cho đất nước khoảng 18 tỷ kWh điện. Đặc biệt, từ khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, TMP đã hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển. Công ty đã cung cấp sản lượng điện ổn định, chất lượng cho hệ thống; tham gia thị trường điện có hiệu quả; đảm bảo việc làm, thu nhập, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên. Đội ngũ cán bộ công nhân viên ngày càng trưởng thành, từng bước làm chủ thiết bị, kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào dây chuyền sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Công ty còn mở rộng các dịch vụ khác để khai thác tiềm năng và thế mạnh sẵn có. 
Những mốc son có thể nhắc đến: năm 2010, Công ty thành lập Trung tâm dịch vụ và sửa chữa cơ điện (MSC), với đội ngũ cán bộ công nhân có chuyên môn, được đào tạo bài bản, có tinh thần trách nhiệm, kết hợp với Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005 (VILAS) một cách hiệu quả, hiện đại. Vì thế, không chỉ thực hiện công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên tại Công ty đảm bảo chất lượng, tiến độ và tiết kiệm chi phí, công tác dịch vụ và sửa chữa thiết bị cơ điện của MSC cũng được các khách hàng đánh giá rất cao. Đến nay, MSC đã thu hút được rất nhiều khách hàng tiềm năng và mỗi năm lại thu hút thêm khách hàng tiềm năng mới.
Công ty cũng đã đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Đại Nga có công suất 10MW tại Bảo Lộc - Lâm Đồng, sản lượng điện cung cấp hàng năm 44,25 triệu kWh. Đồng thời, góp vốn xây dựng Thủy điện Đăkrơsa với tổng công suất 9,9MW; góp vốn thành lập Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW), hiện TBW đã xây dựng và đưa Dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc - giai đoạn 1 vào hoạt động từ tháng 9/2016 với công suất 24MW.
Không dừng lại ở đó, năm 2014 được sự đồng ý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, nâng công suất Nhà máy từ 150 MW lên 225 MW, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 52 triệu kWh mỗi năm. Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng là dự án quan trọng của tỉnh Bình Phước và của khu vực. Đây cũng là dự án thủy điện hạn chế tối thiểu các tác động về môi trường, đất đai và xã hội từ các hoạt động thi công đến vận hành. Đặc biệt, Dự án còn là một giải pháp kinh tế quan trọng, đóng góp một sản lượng điện rất lớn cho miền Nam từ cuối tháng 7/2017 khi Dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty cũng luôn thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Chính vì nhận thức được nước là tài nguyên vô giá nhưng không phải là vô tận, nên việc dự báo khi mưa lũ, dự báo lượng nước về, xả đập… luôn được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy trình. Theo đó, bản thân TMP cũng luôn chú trọng tập trung vào việc chăm sóc, bảo dưỡng đập, tránh sự cố xảy ra và giữ kiểm soát nước trong mùa mưa lũ, xả nước đủ chuẩn. Chính vì thế, vai trò quan trọng của Thủy điện Thác Mơ không chỉ cung cấp điện năng cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp rất lớn cho việc ngăn lũ, điều tiết nước đảm bảo cho tưới tiêu, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của vùng hạ du. Bên cạnh đó, TMP còn đóng góp cho ngân sách tỉnh Bình Phước hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Đây là sự đóng góp khá lớn, tạo điều kiện cho địa phương có nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và giải quyết những vấn đề khác. Mặt khác, Công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, kết nghĩa đỡ đầu cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng cũng luôn được TMP coi trọng và thực hiện thường xuyên.

Bàn giao Trạm thủy điện nhỏ cho Đồn biên phòng 781
Bàn giao Trạm thủy điện nhỏ cho Đồn biên phòng 781

Có thể nói, để có được thương hiệu TMP hôm nay, ngoài sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành địa phương, còn là sự đoàn kết, vươn lên không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ lãnh đạo và công nhân viên của TMP. Với tiêu chí “Kế thừa và Phát huy”, TMP đang ngày càng hoàn thiện thông qua việc thực hiện các chế độ chính sách tốt nhất để thu hút nguồn nhân lực, xây dựng Văn hóa doanh nghiệp TMP, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để mỗi cá nhân đều có thể an tâm hoàn thành nhiệm vụ và phát huy năng lực sáng tạo của mình. 

… Và hướng đến phát triển điện mặt trời 

Nắm bắt được xu thế và tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng tái tạo, cùng với việc tìm hiểu tiềm năng về phát triển điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam, Công ty đã phát triển các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điển hình là Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thác Mơ đã được Bộ công thương quyết định phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Bình Phước và được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận giao cho TMP làm chủ đầu tư dự án.
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thác Mơ có công suất 50MWp, thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập và phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Việc thực hiện Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thác Mơ đã thể hiện tầm nhìn của Ban lãnh đạo TMP. Sau khi đi vào vận hành, hàng năm Nhà máy Điện mặt trời Thác Mơ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 78 triệu kWh. Góp phần làm tăng thêm năng lượng điện vào hệ thống điện Quốc gia nói chung và khu vực tỉnh Bình Phước nói riêng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng tại khu vực, đảm bảo về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính dẫn đến giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Dự án còn góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Đồng thời, Dự án cũng giúp mở rộng sản xuất kinh doanh của Công ty, tăng công suất nguồn điện, tăng năng suất lao động, sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có, đầu tư dự án có hiệu quả đem lại lợi ích cho Công ty và cổ đông. Dự án Điện mặt trời Thác Mơ sử dụng công nghệ Pin quang điện, đây là lĩnh vực mới. Sau khi thực hiện Dự án, đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của Công ty sẽ có cơ hội được học hỏi và có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc lắp đặt và vận hành  một dự án Điện mặt trời.
Hiện Dự án đang được khẩn trương triển khai và dự kiến tháng 12 năm 2020 nhà máy sẽ đi vào vận hành thương mại. Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc Công ty, đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ đang nỗ lực để Dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Với những đóng góp to lớn, Thủy điện Thác Mơ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2002), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2010). Năm 2015, Thủy điện Thác Mơ vinh dự được được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho những cố gắng và đóng góp của mình.

  • 26/02/2019 04:29
  • Theo: Khoa học và Thời đại