Ngành Điện đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong 9 tháng năm 2019

Báo cáo 9 tháng của Bộ Công Thương cho biết, trong 9 tháng năm 2019, ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, về mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng 10,7% trong 9 tháng đầu năm 2019 (mục tiêu là 10,23%).

 
 
 

Toàn cảnh Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi.
 
Tình hình cung cấp điện 9 tháng đầu năm 2019 đảm bảo an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động chính trị, văn hoá xã hội, sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; các hoạt động văn hoá xã hội tại các địa phương; đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ 30/4-1/5, 2/9 và các đợt nắng nóng diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
 
Công tác điều hành, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, khai thác tối ưu thủy điện - nhiệt điện, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp nước cho khu vực hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Tính chung 9 tháng, sản lượng điện sản xuất ước đạt 171.374,4 triệu kWh, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Điện thương phẩm ước đạt 158.011,3 triệu kWh, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
 
Ngành Điện đã hoàn thành một số công trình quan trọng đảm bảo cấp điện. Về nguồn điện, đã hòa lưới phát điện Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 MR (600MW), đã đưa vào vận hành 02 nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42,65MWp), Đa Mi (47,5 MWp); Về lưới điện, đã hoàn thành 122 công trình lưới điện 110-500kV. Trong đó đã đóng điện được ĐZ 500kV Vĩnh Tân rẽ – Sông Mây – Tân Uyên, ĐZ 500kV Sông Mây – Tân Uyên và TBA 500kV Tân Uyên, ĐZ 220kV Bình Long – Tây Ninh, ĐZ 220kV Nhánh rẽ Tây Hà Nội, ... Hiện đang tập trung đầu tư các công trình lưới điện quan trọng như: ĐD 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; Các công trình trọng điểm cấp điện miền Nam, TP Hà Nội và các phụ tải lớn; Các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện, đặc biệt các nguồn điện năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Bình Thuận.
 
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ Công Thương xác định đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao. 
 
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương theo Kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020 một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án, công trình công nghiệp, năng lượng trọng điểm nhằm tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, đóng góp vào giá trị gia tăng, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

  • 14/10/2019 07:38
  • Theo trang tin nghành Điện