Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện

Bộ Công Thương cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện (DATĐ) trên địa bàn cả nước về cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định hiện hành, các chủ đầu tư dự án thủy điện đã nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng các khu tái định cư cho bà con về nơi định cư mới để sớm ổn định đời sống và sản xuất

 
 
thuc hien tot cong tac boi thuong ho tro di dan tai dinh cu cac du an thuy dien
Phần lớn các khu, điểm tái định cư, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã và đang được tập trung xây dựng hoàn thành, tương đối đồng bộ và tốt hơn nơi ở cũ

Đảm bảo lợi ích cho cả chủ đầu tư và người dân
 
Báo cáo trình Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội Khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương nhấn mạnh, công tác di dân, tái định cư có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình thủy điện và có tính quyết định đến sự thành bại việc thực hiện các dự án này.
 
Do tầm quan trọng của công tác di dân, tái định cư, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân tái định cư và góp phần quan trọng vào việc xây dựng hoàn thành các công trình thủy lợi, thủy điện đúng tiến độ.
 
Theo báo cáo tổng kết của Bộ NN&PTNT, đến nay phần lớn các khu, điểm tái định cư, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã và đang được tập trung xây dựng hoàn thành, tương đối đồng bộ và tốt hơn nơi ở cũ, hình thành các điểm dân cư mới khang trang gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
Cùng đó, công tác hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất được quan tâm, sản xuất từng bước ổn định và phát triển, người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản ngày một nhiều hơn và tốt hơn đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trình độ dân trí của người dân. Đời sống, sinh hoạt người dân tái định cư từng bước ổn định, đang dần được cải thiện.
 
Thu nhập bình quân đầu người ở các khu, điểm tái định cư tăng lên hàng năm, năm 2018 đạt 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ tái định cư nghèo bình quân chiếm 36%, tuy còn cao nhưng đã giảm nhiều so với trước khi di chuyển.
 
Về nhà ở của các hộ tái định cư, các hộ dân tái định cư được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đúng chính sách quy định. Điển hình như ở các khu, điểm tái định cư thủy điện Bản Vẽ tỉnh Nghệ An, năm 2018, tỷ lệ nhà ở kiên cố của các hộ dân tái định cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 84%, tỷ lệ nhà ở bán kiên cố là 16%.
 
Về nước sinh hoạt, các điểm tái định cư đã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân khi chuyển đến nơi ở mới. Năm 2018, tỷ lệ người dân tái định cư các công trình thủy điện được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84%, số người dân chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 16%.
 
Cùng đó, việc cấp điện sinh hoạt cho các hộ gia đình tái định cư cũng đạt khá, năm 2018 có 92% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia, chỉ còn 8% số hộ tái định cư chưa có điện do đặc thù ở xen ghép, di vén tại các bản có địa hình hiểm trở, phức tạp, a điểm đấu điện, suất đầu tư quá lớn và các hộ tách hộ chưa có điều kiện kéo đường điện riêng đến nhà.
 
Tại các khu tái định cư, nhiều công trình cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ đời sống văn hoá và tinh thần và giáo dục được đầu tư, xây dựng tương đối đồng bộ. Đến hết năm 2018, tỷ lệ trẻ em tại các khu, điểm tái định cư đến tuổi đi học được đến trường đạt 98%; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt 95%, THCS đạt 92%; điều kiện chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
 
Quan tâm tạo sinh kế cho người dân
 
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay có 12.238 người dân tái định cư được đào tạo việc làm và số lao động sau đào tạo có việc làm là 7.769 người, chiếm 63%. Ngoài ra, các địa phương còn mở nhiều lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến công với tổng số khoảng 30.000 lao động tham gia.
 
Các chủ đầu tư và các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân tái định cư theo quy định. Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển sản xuất tại các khu, điểm tái định cư, một số địa phương đã lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn để xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được tăng cường, giúp người dân tái định cư bước đầu ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
 
Tại các khu, điểm tái định cư người dân đã tích cực tham gia trồng, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Các hộ tái định cư được hưởng kinh phí hỗ trợ từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của các dự án thủy điện, trung bình đạt 1-2 triệu đồng/hộ/năm, có hộ đạt 5-7 triệu đồng/năm như ở thủy điện Lai Châu.
 
Đặc biệt, nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện đã bước đầu hình thành và phát triển, đến nay đã có hàng ngàn hộ dân vùng tái định cư tham gia nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản trong lòng hồ thủy điện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tái định cư.
 
Trong khi đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại khu, điểm tái định cư chưa phát triển, chủ yếu mới hình thành một số cơ sở nhỏ lẻ, mang tính tự phát của các hộ gia đình, chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp như xay xát, sản xuất công cụ cầm tay, mây tre đan, dệt thổ cẩm, tăm tre... chủ yếu là phục vụ nhu cầu thiết yếu tại chỗ của người dân. Du lịch, dịch vụ thương mại đang hình thành và phát triển theo hướng gắn phát triển du lịch sinh thái với cảnh quan vùng hồ thủy điện, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc và các di tích lịch sử văn hóa vùng tái định cư…
 
Tuy nhiên, công tác di dân, tái định cư vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục sớm khắc phục, như: Công tác lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, còn phải điều chỉnh lại nhiều lần. Nhiều điểm tái định cư quy hoạch điểm dân cư chưa gắn với khu sản xuất, đất vườn quá nhỏ, không có đất ở dự phòng phát triển, diện tích đất sản xuất thực tế thiếu so với diện tích quy hoạch, chất lượng đất kém, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

  • 11/10/2019 11:48
  • Theo: Báo Công Thương