Đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Dịch vụ điện cấp độ 4 đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng từ khâu đăng ký, nhận kết quả đến thanh toán 100% thông qua trực tuyến.

Khoảng 3 năm nay, gia đình bà Giang Thùy Trang, phường Quán Thánh, quận Ba Đình không phải bận tâm đến việc có thể bị cắt điện do thường xuyên vắng nhà khi quá thời hạn nộp tiền điện theo quy định. Giờ đây, gia đình bà có thể dễ dàng nộp tiền điện tại các điểm giao dịch của ngân hàng, siêu thị… hay chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là có thể thanh toán trực tiếp tiền điện qua tài khoản ngân hàng. Việc đa dạng hình thức thu tiền điện giúp bà Trang tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng.

Theo lãnh đạo EVN: Hiện, đơn vị này đang quản lý hơn 27 triệu khách hàng. Nhằm tăng tính tiện ích cho khách hàng và nâng cao năng suất lao động, từ năm 2005, EVN đã triển khai việc thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2012-2015, sau khi có chính sách triển khai hóa đơn điện tử, EVN là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện. Theo đó, từ năm 2016, để nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng, chỉ tiêu thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian được đưa vào thành chỉ tiêu định lượng để điều hành hằng năm của tập đoàn. Tới năm 2017, với sự hợp tác của 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian, EVN không còn nhân viên của điện lực đến từng nhà khách hàng thu tiền. Tính tới nay, tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm: Từ 14,88% số khách hàng (năm 2015) lên tới 49,45% số khách hàng (năm 2018). Trong đó, các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt, như: Trích nợ tự động, ATM, ngân hàng trực tuyến… đạt hơn 21,74% khách hàng của EVN (đến hết tháng 8-2019 tỷ lệ này là 31%).

Đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng cho biết: "Để đạt mục tiêu trong năm 2019, nâng tỷ lệ khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt lên hơn 43%, các đơn vị thành viên của EVN đang tích cực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, như: Trích nợ tự động, mobile banking, internet banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên website của điện lực… Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, để các khách hàng biết và sử dụng. “Việc áp dụng phương thức điện tử trong cung cấp dịch vụ điện là những nỗ lực rất lớn của EVN nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển thương mại điện tử. Qua đó, tăng cường sự minh bạch, thuận tiện trong giao dịch dịch vụ điện và đa dạng hóa phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngành điện”, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và nhiệm vụ được Chính phủ giao cho EVN tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 về các nội dung liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt cũng như cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4. Hiện nay, 100% đơn vị của ngành điện đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng và kho bạc Nhà nước trong dịch vụ thu tiền điện, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán, như: Công ty Cổ phần (CTCP) Giải pháp thanh toán điện lực và viễn thông (ECPay), CTCP Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (Payoo), CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (Momo), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost)… Các tổ chức trung gian này đều là những tổ chức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian (bằng tiền mặt/qua ví điện tử). Khi thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng có thể lựa chọn hình thức phù hợp, như: Thanh toán trích nợ tự động tài khoản; thanh toán qua internet banking/mobile banking/ví điện tử của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán; ủy nhiệm cho ngân hàng thanh toán; thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng (tiền mặt hoặc chuyển khoản)...