EVN giảm khoảng 12.300 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng

Trong đó: Đợt 1 đã giảm giá điện cho tất cả khách hàng sử dụng điện và miễn, giảm tiền điện cho các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch với tổng số tiền là 9.321 tỷ đồng; Đợt 2 cũng giảm giá điện cho khách hàng sinh hoạt, các cơ sở lưu trú du lịch, kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông; Miễn, giảm tiền điện cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch với tổng số tiền gần 3.000 tỷ đồng.

 Ảnh minh họa.
 
Trong năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, đồng thời tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến bất thường; trong đó tình hình khô hạn trong các tháng đầu năm và bão lũ liên tiếp trong các tháng cuối năm 2020 ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện.
 
Mặc dù vậy, nhằm chia sẻ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt với khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, đồng thời giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). 
 
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Tập đoàn diễn ra ngày 12/1, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, năm qua, công tác vận hành hệ thống điện gặp khó khăn. Cụ thể, thời điểm đầu năm phụ tải tăng trưởng cao trong khi nguồn cung cấp điện thiếu hụt nên huy động cao các nguồn điện dầu ngay từ tháng 1. Tuy nhiên đến cuối năm, với việc các nguồn điện mặt trời được đưa vào vận hành với khối lượng rất lớn, trong khi nhu cầu phụ tải giảm thấp dẫn đến tình trạng thừa nguồn cấp và thực hiện cắt giảm công suất phát các nguồn điện, kể cả các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT). 
 
Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị xây dựng và thực hiện tốt các kịch bản, các phương án đảm bảo các hoạt động trong tất các khâu sản xuất điện, truyền tải điện, kinh doanh phân phối điện và đặc biệt là điều hành hệ thống điện. Đồng thời chủ động phương án đảm bảo nhiên liệu, vật tư thiết bị cho sản xuất, cung ứng điện. Thiết lập các kênh liên lạc nóng với các đối tác, các nhà thầu đặc biệt là các đối tác nước ngoài trong quá trình triển khai đầu tư các dự án điện.
 
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019; trong đó tổng công suất các nguồn điện NLTT là 17.430MW, tăng 11.780MW so với năm 2019 và chiếm tỷ trọng 25,3%. Tổng công suất các nguồn nhiệt điện than đến cuối năm 2020 là 31,1%; thủy điện là 30%; tua bin khí 10,3%; nhiệt điện dầu 20%; nhập khẩu 0,8%; còn lại là các nguồn khác. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.
 
Cùng với đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so năm 2019.
 
Hết năm, điện sản xuất và mua của EVN là 239,12 tỷ kWh, bằng 95,03% kế hoạch và tăng 3,62% so năm 2019; trong đó, điện sản xuất của Công ty mẹ EVN là 50,1 tỷ kWh, bằng 99% kế hoạch, tăng 19,44%; Điện sản xuất của các Tổng công ty phát điện (GENCO) là 87,1 tỷ kWh, bằng 94,5% kế hoạch; Điện mua các nguồn ngoài là 101,9 tỷ kWh, bằng 93,7% kế hoạch.
 
Điện thương phẩm toàn Tập đoàn cũng đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 94,73% kế hoạch năm. Trong đó, EVNCPC và EVNHCMC giảm so với năm 2019, tương ứng -0,95% và -0,98%; EVNNPC tăng cao nhất 6,76%; EVNSPC tăng trưởng 3,81% và EVNHANOI tăng trưởng 2,63%. 
 
Đặc biệt, trong cơ cấu điện thương phẩm, điện cấp cho nông nghiệp tăng trưởng cao nhất là 12%, tiếp theo là điện cấp cho quản lý tiêu dùng có mức tăng trưởng 6,72%, điện cấp cho công nghiệp-xây dựng tăng trưởng 3,24%. Riêng điện cấp cho thương mại-khách sạn-nhà hàng là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 nên giảm 11,62% so năm 2019 và thành phần phụ tải khác giảm 5,51%.
 
Đánh giá của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tài Anh cho thấy, hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống. Các nhà máy thuỷ điện vừa đảm bảo phát điện vừa đáp ứng tốt nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và dân sinh. Tuy nhiên năm 2020 là một năm vận hành đầy biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phụ tải điện tăng trưởng thấp, thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và rất khó dự báo. 
 
Theo ông Tài Anh, tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng ”thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ/cuối tuần. Thị trường điện đảm bảo liên tục ổn định theo đúng quy định và đã chuyển đổi chu kỳ điều độ - chu kỳ giao dịch xuống 30 phút (từ ngày 01/9/2020), góp phần xử lý chính xác và kịp thời các biến động trong vận hành hệ thống.
 
Như vậy trong 5 năm qua (2016-2020), EVN thường xuyên cập nhật nhu cầu phụ tải điện để tính toán cân đối cung cầu điện trung hạn - dài hạn và đề xuất các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, EVN cũng liên tục tính toán cập nhật phương thức vận hành hàng tháng, hàng tuần để khai thác hợp lý các loại hình nguồn điện nhằm mục tiêu tối ưu hóa chi phí sản xuất và mua điện. Vì vậy, hệ thống điện được vận hành an toàn, ổn định, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tiêu dùng của nhân dân.
 
Tốc độ tăng trưởng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống bình quân trong 5 năm 2016-2020 là 8,41%/năm. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 5 năm đạt 8,59%/năm; trong đó, năm 2016 tăng trưởng cao nhất 11,21% và năm 2020 thấp nhất là 3,42% do ảnh hưởng COVID-19.
 
Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người cũng tăng 1,41 lần, từ 1.566 kWh/người (năm 2015) lên 2.219 kWh/người (năm 2020).
 

  • 14/01/2021 08:25
  • Theo trang tin nghành Điện