Tình người trên công trường Thủy điện Sông Bung 2

Hoàn lưu cơn bão số 4 dẫn tới mưa lớn và lũ kéo dài trên khu vực hồ chứa dự án Thuỷ điện Sông Bung 2, làm cho nước hồ lên nhanh, lưu lượng của đỉnh lũ vào trưa ngày 13-9-2016 lên tới 560m3/s.



Công nhân Điện lực Nam Giang (Công ty Điện lực Quảng Nam) giúp các hộ dân vùng ảnh hưởng sự cố hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 vệ sinh, dọn dẹp mặt bằng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Sự cố bục cửa van số 2 xảy ra khi Nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 cùng Ban Quản lý dự án (QLDA) và các đơn vị tư vấn đang tổ chức đắp đê quai hạ lưu và bơm thoát nước để đổ bê tông nút hầm dẫn dòng. Hai công nhân vận hành máy đào của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 bị mất tích. Nguyên nhân sự cố đang còn chờ các cơ quan chức năng kiểm tra và kết luận. Ngay sau khi sự cố xảy ra, những gì chúng tôi được chứng kiến là tình người đối xử với nhau trong cơn hoạn nạn.
 
Chúng tôi có mặt trên công trường Sông Bung 2 khi cơn lũ từ sự cố hầm dẫn dòng đã qua thời khắc nguy hiểm. Anh A Lăng Đhép- Phó Chủ tịch UBND xã Palan, huyện Saval kể lại, lúc bấy giờ vào khoảng 4 giờ chiều, anh em đang chơi thể thao thì Chủ tịch xã gọi điện báo “vỡ đập rồi, báo mọi người sơ tán”, vừa dứt điện thoại, anh báo ngay cho hai hộ liền kề nằm phía bờ sông. May mắn là cả ba gia đình đều đưa trẻ em lên nơi an toàn. Không có thiệt hại về người nhưng tài sản thì trôi hết. Nước đến ào ạt, dâng nhanh như Thủy Tinh nổi giận, chỉ trong chốc lát là rút ngay. Bởi vì núi cao, nước đầu nguồn đổ về, nhanh như chớp, dòng sông không đủ sức nên nước dâng lên. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngay sau khi được chính quyền xã Palan báo về thiệt hại của dân, lãnh đạo Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO 2) và Ban QLDA thuỷ điện Sông Bung 2 đã  thăm hỏi và động viên, hỗ trợ ban đầu thực phẩm và tiền cho 03 gia đình chịu ảnh hưởng của sự cố, tiến hành kiểm kê, đánh giá khẩn trương đền bù để sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.
 
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Điện lực Nam Giang (thuộc Công ty Điện lực Quảng Nam- Tổng Công ty Điện lực miền Trung) tăng cường lực lượng hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do sự cố, thu dọn mặt bằng, dọn vệ sinh đường sá và kiểm tra tình hình cung cấp điện tại vùng bị ảnh hưởng.
 
Trên công trường, từ lãnh đạo “Bên A” đến người công nhân “Bên B”, không phân biệt thứ bậc, tất cả tập trung cho nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích. Những gì chúng tôi cảm nhận được là trong cơn hoạn nạn, những bon chen, tính toán thiệt hơn bỗng đâu tan biến. Người với người chia sẻ với nhau mọi thứ có thể: một câu nói, một hớp nước sôi, một gói mì tôm...
 

Trên bờ, những vật dụng cùng nghi lễ ma chay được lo toàn chu tất. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

 
Sự cố bục van số 2 xảy ra do thiên tai hay do chủ quan của một bên nào đó thì chưa rõ, tất cả còn đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Nếu vì một lý do chủ quan nào đó thì nhất định sẽ có người bị kỷ luật hoặc cao hơn thế, nhưng chúng tôi không cảm nhận được sự lo toan cho cá nhân mình của bất kỳ một cán bộ nào, họ đang dốc tâm dốc sức vào công tác tìm kiếm đồng đội của mình. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Lãnh đạo GENCO 2, Ban Quản lý Dự án thủy điện Sông Bung 2, Nhà thầu thi công và địa phương... chia thành từng nhóm, lật từng tảng đá, từng đám dều trên sông,... trong sự quên ăn, quên ngủ, quên cả nỗi mệt nhọc để tìm kiếm người mất tích. Sang ngày thứ 3, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy thi thể công nhân lái máy đào Đặng Văn Tuyền. Tất cả đã thấm mệt. Mệt bởi họ đã gắng sức suốt mấy ngày, mệt bởi ăn uống, ngủ nghỉ có phần hạn chế. Phần nữa, cũng bởi nước mưa, nắng oi sau bão. Tuy vậy, nhìn gương mặt mọi người đều có phần bớt căng thẳng hơn. 
 

Sau hơn 4 giờ đồng hồ ngâm mình trong dòng nước đục ngầu đầy bùn rác, lực lượng cứu hộ mới đưa được thi thể công nhân Đặng Văn Tuyền vào bờ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngày thứ 4, thứ 5 và có lẽ còn nhiều ngày nữa, họ tiếp tục tìm kiếm công nhân mất tích còn lại trong cơn mưa rừng và nắng gắt của miền biên Việt-Lào. Chứng kiến cuộc tìm kiếm đồng đội tai nạn sau sự cố của Sông Bung 2, chúng tôi mới cảm nhận thấm đẫm hai chữ “đồng bào” của người Việt Nam. Có lẽ trên thế giới chỉ có đất nước Việt Nam mới có hai chữ “đồng bào” để nói về nhân dân từ truyền thuyết bọc trứng của mẹ Âu Cơ: 50 đứa con lên rừng, 50 đứa con xuống biển. Biển và rừng cùng chung nhịp đập của trái tim lớn, cùng chung huyết mạch của cội nguồn “đồng bào”.

  • 20/09/2016 08:43
  • http://icon.com.vn