Thêm xanh Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Bài 1

Vườn quốc gia Bù Gia Mập ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước trên 2 địa bàn xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; phía Đông giáp tỉnh Đắk Nông, phía Tây Bắc là biên giới Việt Nam - Campuchia. Vườn có tổng diện tích 25.601,18 ha, trong đó 25.505,68 ha rừng tự nhiên. Vùng đệm có diện tích 18.036 ha. Trước đây, vườn là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng như săn bắt động vật hoang dã. Tuy nhiên, những năm gần đây, Ban quản lý vườn đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện “Dự án di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập”, đồng thời thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các đơn vị và cộng đồng. Các dự án này không những ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân mà còn nâng cao trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển bền vững đối với vườn quốc gia.

DỰ ÁN HỢP LÒNG DÂN

Ngày 30-10-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3070 phê duyệt đầu tư “Dự án di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập”. Đây là dự án quan trọng với mục tiêu phân định rõ ràng ranh giới giữa vườn quốc gia và khu đất sản xuất của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; ổn định đất sản xuất cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhờ làm tốt việc xây dựng dự án, triển khai chính sách và tuyên truyền thấu tình đạt lý, đến nay dự án do Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập thực hiện đã đạt kết quả tích cực.

Ổn định đời sống nhân dân

Giữa trưa nắng gắt nhưng anh Điểu Như (1969), dân tộc S’tiêng, ngụ thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập vẫn chạy xe máy từ nhà ra rẫy lượm điều trong tâm thế phấn khởi vì năm nay năng suất điều khả quan hơn. Vườn điều 8 năm tuổi thuộc Tiểu khu 28 được gia đình anh chăm sóc tốt nên sinh trưởng mạnh. Đã 2 ngày chưa lượm nên những trái điều vàng rụng ngổn ngang trên mặt đất héo teo lộ ra những hạt to, mẩy. Anh Như vừa nhanh tay lượm điều bỏ vào giỏ vừa vui vẻ trò chuyện: “Gia đình có 8 sào điều trồng từ năm 2011. Đây là đất do Vườn quốc gia Bù Gia Mập bố trí, hoán đổi với diện tích trước đây mình làm trong vùng lõi. Gia đình mình may mắn bốc thăm được miếng đất bằng phẳng dễ canh tác, đất tốt nên cây điều mau lớn. Năm ngoái điều mất mùa, nhưng năm nay có thể sẽ được hơn 1 tấn”. Nhớ về thời điểm xâm canh trong vùng lõi của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, anh Như kể: “Từ năm 1986, vườn là Khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập. Lúc ấy, trong thôn nhà nào cũng khó khăn, không có đất canh tác nên rủ nhau phát rừng làm rẫy. Ban đầu chỉ tỉa lúa và đậu bắp, sau này mới trồng điều. Cuộc sống luôn thấp thỏm bởi ngày nào kiểm lâm và chính quyền xã cũng đến vận động tuyên truyền ra khỏi rừng, nếu không sẽ cưỡng chế. Đến khi có chủ trương của tỉnh và lãnh đạo vườn quốc gia bố trí đất canh tác ra ngoài này, chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm làm ăn, không còn tư tưởng phát rừng làm rẫy nữa”.

Toàn bộ diện tích trước đây bị xâm canh nay đã được Vườn quốc gia Bù Gia Mập trồng rừng xanh tốt

Sát bên rẫy của anh Như có ranh giới là hàng rào kẽm gai, vợ chồng anh Điểu Theo cũng vừa chở nhau đến lượm điều. Tranh thủ thời gian xỏ ủng, bao tay, anh Theo cho biết: “Chỗ này của tôi có 1,2 ha được ông già để lại. Xung quanh đều là bà con thân quen, lối xóm nên không có mâu thuẫn, tranh chấp hay mất trộm. Từ khi được bố trí đất sản xuất tại đây, nhà nào cũng bám rẫy đầu tư chăm sóc, đời sống ổn định hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng đầu tư làm ăn”.

1 đổi 1

“Dự án di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập” có 233 hộ thụ hưởng, chủ yếu là đồng bào dân tộc S’tiêng và Mơnông, với tổng diện tích 299,03 ha tại Tiểu khu 28. Trong đó, 132 hộ phải di dời ra khỏi vùng lõi với diện tích 156,03 ha và 101 hộ ổn định tại chỗ có diện tích 143 ha. Ông Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Để thực hiện thành công dự án, chúng tôi đã triển khai công tác chuẩn bị rất kỹ từ việc quy hoạch, lập dự án bố trí đất. Khi có quyết định của UBND tỉnh thì tổ chức họp dân tuyên truyền, phổ biến chính sách, tinh thần là 1 đổi 1 (lấy diện tích xâm canh đổi bằng diện tích của dự án). Để đảm bảo công bằng, chúng tôi cho bà con bốc thăm, ai trúng vị trí nào thì được vị trí ấy, sau đó ban đất, cày ủi, phân chia ranh giới. Quá trình thực hiện dự án nhân dân rất phấn khởi, không có khiếu kiện. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, song nhờ tuyên truyền tạo được sự đồng thuận nên dự án đã thành công”.

Anh Điểu Như ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập phấn khởi vì được bố trí đất sản xuất giúp cuộc sống ngày càng ổn định

Thực hiện “Dự án di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập” đến nay đã giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy, qua đó chúng tôi tiếp tục trồng, phục hồi rừng. Hiện đa số hộ thuộc dự án đều được bố trí vào các cộng đồng nhận khoán vừa có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa gắn trách nhiệm cùng cơ quan chức năng thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn.

Ông Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết.

Cũng theo ông Vương Đức Hòa, sau khi bố trí đất, Ban quản lý vườn tiếp tục cung cấp giống điều cho các hộ trồng, chăm sóc. Trong khi đó, điều trong lâm phần vẫn tạo điều kiện cho bà con thu hoạch tới ngày 30-4-2018 (khi diện tích mới có thu). Từ ngày 15-5-2018, tất cả các hộ tiến hành thủ tục trả đất cho vườn quốc gia. Diện tích của nhà nào thì nhà đó tự giác đến chặt điều chở về bán hoặc làm củi. Hiện tất cả diện tích xâm canh đã được người dân trả lại theo tinh thần ký kết. Ban quản lý vườn quốc gia tiếp tục thực hiện Quyết định số 2390/QĐ-UBND ngày 25-9-2017 của UBND tỉnh về “Phê duyệt thiết kế và dự toán công trình lâm sinh trồng rừng tại các tiểu khu 21, 25, 26, 28, 29 trên diện tích 145,39 ha, giai đoạn II năm 2018-2021”. Hiện trên 80.700 ngàn cây gõ đỏ, giáng hương, cẩm lai, trôm, ươi... đã trồng và phát triển tốt.

Ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết: Đối với diện tích đất cấp đổi cho người dân theo tinh thần của dự án, hiện có 322 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ). Hiện 309 hồ sơ đã làm thủ tục đăng ký. Đến ngày 5-3-2019, huyện đã cấp 113 sổ cho người dân. Trong số 196 hồ sơ còn lại chưa cấp được là do: 96 hồ sơ chưa hoàn chỉnh thông tin, cần phải bổ sung; 100 hồ sơ do công ty đo đạc chưa in sổ. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã và các hộ còn lại tiếp tục bổ sung thông tin, hoàn thiện hồ sơ, đồng thời đôn đốc công ty đo đạc in để cấp sổ cho người dân theo đúng quy định.

  • 14/03/2019 08:40
  • Theo: Báo Bình Phước