Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Cần sự chung tay của cộng đồng

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng ngành lao động - thương binh và xã hội đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, công tác này vẫn còn không ít khó khăn, rất cần sự chung tay của cộng đồng, cả hệ thống chính trị để mọi trẻ em được phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ, tinh thần và sống trong một môi trường xã hội lành mạnh.

Trẻ em khó khăn, khuyết tật được quan tâm kịp thời

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em không đơn thuần là tình thương mà còn là trách nhiệm được pháp luật quy định cụ thể. Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện nhiều hoạt động trọng tâm, đạt hiệu quả cao, như: Triển khai truyền thông, phổ biến Luật Trẻ em năm 2016; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em...

Đoàn thanh niên các đơn vị trong Cụm thi đua số 3 của Tỉnh đoàn tặng học bổng cho học sinh nghèo Trường tiểu học Tiến Thành (Đồng Xoài)

Ông Võ Văn Mãng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em nhiều năm trở lại đây được quan tâm thực hiện tốt. Hiện trên 98% trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em. Đặc biệt, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành với các bệnh viện chuyên môn ở TP. Hồ Chí Minh và vận động các tổ chức từ thiện nhân đạo, nhà hảo tâm hỗ trợ, năm 2018 có 20 trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim được phẫu thuật miễn phí và thành công 100%”.

Để trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố, tết Nguyên đán và Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) vừa qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức thăm, tặng 900 phần quà, trị giá 210 triệu đồng cho trẻ em nghèo, không nơi nương tựa. Ngành còn phối hợp Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (Viethcalth) tổ chức hội thảo khởi động dự án tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật; tổ chức tập huấn cho 66 cán bộ cộng đồng về sử dụng bộ công cụ sàng lọc mô hình phát hiện, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.

còn nhiều trăn trở

Để tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước mở chuyên mục “Vì trẻ em”; đăng tin, bài trên Báo Bình Phước; phối hợp UBMTTQVN tỉnh tuyên truyền Luật Trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố... Tuy nhiên, công tác truyền thông trực quan vẫn còn mang tính bề nổi, theo sự vụ gắn với các ngày kỷ niệm mà chưa thường xuyên và đi vào chiều sâu.

Mặt khác, căn cứ 15 tiêu chí chương trình xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được triển khai từ năm 2011 theo Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg, ngày 22-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ, hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận phù hợp với trẻ em. Nhưng hiện chỉ có khoảng 70% xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ, tạo môi trường sống vui khỏe, an toàn; đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí, phúc lợi xã hội cùng các quyền của trẻ em được đảm bảo, nhưng chỉ ở mức tối thiểu và khu vực vùng sâu, xa, khó khăn vẫn “khát” khu vui chơi, giải trí.

Ông Võ Văn Mãng cho biết thêm: “Đặc thù của tỉnh có tỷ lệ di dân cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trẻ em thậm chí phải lao động sớm để tự kiếm sống và giúp đỡ cha mẹ trong sinh hoạt hằng ngày nên không có điều kiện để vui chơi, giải trí. Vì thế, rất mong được Trung ương hỗ trợ theo định mức trẻ em cùng sự quan tâm hơn của các cấp ủy đảng, chính quyền và hội, đoàn thể ở cơ sở đối với trẻ em. Nhất là trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế, góp phần đẩy lùi hạn chế quyền vui chơi của trẻ em”.

Ngoài ra, các xã, phường trước đây đều có cán bộ chuyên trách làm công tác dân số - gia đình và trẻ em, nay do áp lực sáp nhập nên hầu hết đều kiêm nhiệm dẫn đến hàng loạt khó khăn trong quản lý. Đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng thường xuyên biến động, một phần do phụ cấp thấp, địa bàn quản lý rộng, đối tượng nhiều nên gặp khó khăn trong vận động tuyên truyền, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch dẫn đến ít người gắn bó lâu dài, tâm huyết với công việc. Trong khi, việc trợ giúp trẻ hoàn cảnh đặc biệt thường dựa vào nguồn vận động và chỉ tập trung khám, điều trị bệnh nên các dịch vụ trợ giúp khác với trẻ còn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, trẻ em khu vực nông thôn có nguy cơ bị xâm hại cao, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

“Năm 2019, ngành đề ra mục tiêu 87% trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên để có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo và cả cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường tập huấn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở cấp xã, phường, thị trấn đến cộng tác viên thôn, ấp, khu phố” - ông Võ Văn Mãng chia sẻ.

Hy vọng, với những giải pháp đồng bộ của ngành cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của cộng đồng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

  • 04/03/2019 10:41
  • Theo: Báo Bình Phước