Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): “Điểm sáng” trong phong trào thi đua yêu nước

Trong 5 năm qua (từ năm 2016 - 2020), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát động và duy trì nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực.

 
 
Hoàn thành Dự án đưa điện lưới quốc gia lên xã miền núi Ch’Ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam.
 
Các phong trào thi đua yêu nước của EVN gắn liền với những nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao, đã huy động được sức mạnh đoàn kết của trên 100.000 cán bộ, công nhân viên giúp Tập đoàn vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
 
Phong phú, đa dạng về hình thức
 
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát động đợt thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, EVN đã phát động và phối hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi với các hình thức phong phú, đa dạng.
 
Trong đó, phải kể tới những phong trào thi đua nổi bật, gắn liền với chủ đề năm như “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, “Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu”, “Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện”, “Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn”, “Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử”… trong khối các Tổng công ty Điện lực. Hay phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu”, “Cải tạo và nâng cấp lưới truyền tải”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất” tại khối các Công ty Truyền tải điện; các phong trào thi đua “Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả trong đại tu, sửa chữa”... tại các Tổng công ty Phát điện...
 
Đặc biệt, phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh trong Tập đoàn và các đơn vị thời gian qua được đánh giá là những điểm sáng mới, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một số nghiên cứu khoa học tiêu biểu đã được áp dụng rộng rãi mang lại hiệu quả kinh tế lớn tại nhiều đơn vị như nghiên cứu thiết kế cửa nhận nước ở Nhà máy thủy điện Sơn La; vệ sinh cách điện lưới phân phối (22-35-10 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao; chương trình huấn luyện công nghệ thi công sửa chữa, bảo trì trên lưới đang mang điện cấp điện áp 15, 22 kV có trung tính nối đất trực tiếp; nghiên cứu về thiết bị điện trở hạn chế dòng ngắn mạch; ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ MBA 220-500kV; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500 kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện... Những nghiên cứu này đã tiết kiệm cho Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng.
 
Giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm
 
Hưởng ứng Chỉ thị phát động thi đua của Tập đoàn, các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn còn tổ chức, phát động nhiều phong trào thi đua theo chuyên đề. Đặc biệt, các phong trào thi đua nước rút, liên kết trên các công trình trọng điểm. Trong đó, có thể kể tới Công trình Thủy điện Lai Châu đóng điện 3 tổ máy và tổ chức khánh thành sớm hơn so với tiến độ được phê duyệt 1 năm; phong trào thi đua liên kết xây dựng đường dây 500 kV mạch 3; phong trào thi đua trên công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; phong trào thi đua trên công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 3 mở rộng; phong trào “Thi đua nước rút các tổ máy số 1, số 2 thuộc Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 và Nhà máy Thủy điện Trung Sơn phát điện vượt tiến độ, an toàn, chất lượng”...
 
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầu tư lưới điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua các dự án vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế trên địa bàn hơn 50 tỉnh và từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp điện cho các hộ dân chưa có điện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, các Tổng công ty Điện lực đã chủ động thu xếp nguồn vốn để đầu tư cấp điện cho hơn 19.700 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Nam... Đặc biệt tháng 7.2018, Tập đoàn đã đưa điện lưới đến 2 xã cuối cùng chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (xã Ch’Ơm và Tr’Hy, huyện Tây Giang).
 
Kết quả công tác đầu tư đã góp phần cấp điện lưới cho hơn 300 xã và gần 350.000 hộ dân nông thôn chưa có điện; cải thiện chất lượng lưới điện trung, hạ thế nông thôn cho gần 2 triệu hộ dân. Cùng với đó, Chương trình hỗ trợ của Tập đoàn tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu đã mang lại hiệu quả trực tiếp đến người dân, góp phần vào thành công chung của công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Tập đoàn cũng đã hỗ trợ xây dựng 8 công trình trường học, trung tâm giáo dục ở các tỉnh Thái Bình, Sơn La, Kon Tum với kinh phí 115 tỷ đồng; xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá lớn C (Trường Sa), công trình phòng tránh thiên tai miền Trung; hỗ trợ trang bị mới thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho bà con nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...
 
Với những thành tích xuất sắc đạt được, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, EVN đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
 
 
 

  • 16/09/2020 08:06
  • Theo: Đại biểu nhân dân