Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 7/9/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.


Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030.
 
Chủ trì và chỉ đạo phiên giải trình là ông Phùng Quốc Hiển - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. 
 
Đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy
 
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, điện lực là một lĩnh vực quan trọng đối với đất nước, có ảnh hưởng tới tất cả các mặt, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển lĩnh vực điện lực. Nhờ đó ngành điện đã có sức phát triển nhanh chóng, cả nguồn và lưới điện, chất lượng điện, an toàn đã được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
 
Với nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, trong khi nhiều dự án điện trong quy hoạch điện VII bị chậm tiến độ, nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện gặp khó khăn thì việc cung cấp điện sẽ gặp khó khăn thách thức trong việc cung cấp điện giai đoạn tới. Do đó cần nhìn nhận, đánh giá lại để đưa ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới. Đây cũng là mục đích của phiên giải trình này, để làm rõ hơn các nhóm vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề thể chế.
 
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã nêu 6 kết quả của ngành điện Việt Nam. Cụ thể, trong 10 năm, ngành điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân. Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư bài bản phát huy hiệu quả. Tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng gần 54.880 MW. Hệ thống lưới truyền tải được đầu tư với khối lượng lớn, đáp ứng tốt yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống.
 
Về lưới điện, nhờ những nỗ lực đầu tư, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496 km tăng 2,2 lần so với năm 2010, chiều dài đường dây 220-110 kV tăng 1,9 lần so với năm 2010. Các công trình lưới điện đưa vào vận hành đã nâng cao năng lực truyền tải, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và cải thiện chất lượng điện năng.
 
Bên cạnh đó, công tác giảm tổn thất, tiết kiệm điện năng đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Qua đó đã giúp giảm từ mức 12,23% năm 2003 xuống còn 10,15% vào năm 2010 và đến năm 2019 giảm còn 6,49%, vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.
 
Thị trường điện cạnh tranh đảm bảo đúng lộ trình, có chuyển biến tích cực. Tính đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) hoàn chỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện, giúp hệ thống điện và thị trường điện được vận hành an toàn, ổn định và tin cậy. Đến cuối năm 2019, 94 nhà máy điện với tổng công suất 26.126 MW (chiếm 47,5% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện.
 
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) đã được vận hành thử nghiệm từ 2017-2018 và vận hành chính thức từ 1/1/2019. Hiện Bộ Công Thương đang chủ động, tích cực triển khai đề án thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo 03 giai đoạn….
 
Không để bị động nguồn cung năng lượng
 

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời tại phiên giải trình.
 
Để phát triển ngành Điện trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh cho biết trước hết sẽ tập trung xây dựng Quy hoạch Điện VIII đáp ứng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Dự kiến Quy hoạch Điện VIII sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020 và phê duyệt trong năm nay.
 
Cùng với đó, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, truyền tải điện và bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường, đặc biệt thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
 
Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành điện.
 
Đồng thời, phát triển khoa học - công nghệ, thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện, giảm áp lực đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng điện và nâng cao nhận thức sử dụng điện của khách hàng.
 
Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành Điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án.
 
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân, đóng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Có được kết quả này, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, còn có vai trò, đóng góp của Bộ Công Thương.
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quy hoạch điện VII chưa đạt được mục tiêu do nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, vốn vay, công tác phối hợp giữa các bộ ngành, nhiều địa phương không ủng hộ nhiệt điện than (trước đây ủng hộ nhiệt điện than, gần đây ủng hộ điện khí, điện mặt trời); Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, quản lý nhà nước còn hạn chế…
 
Về cơ chế giá điện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch. Thị trường là động lực của phát triển. Theo nhiều ý kiến, giá điện thấp sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ lạc hậu, không đảm bảo môi trường vào Việt Nam, gây gánh nặng cho xã hội. Mặt khác không khuyến khích được nhà đầu tư vào ngành Điện.
 
Để đáp ứng yêu cầu về điện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Phải quán triệt năng lượng phải đi trước 1 bước, tạo “bánh mì” cho công nghiệp sản xuất. Cần đổi mới tư duy, theo cơ chế thị trường nhưng đảm bảo có sự điều tiết của Nhà nước. Không để lợi ích cục bộ của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối.
 
Trong giai đoạn tới, cần có cơ cấu nguồn hợp lý, trong đó có nhiệt điện than, không để bị động trong nguồn cung năng lượng. Đồng thời tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống truyền tải, để giải toả công suất nhà máy điện một cách kịp thời.

  • 08/09/2020 08:28
  • Kim Thái