Suốt đời một tình yêu với... điện

Năm 2015, tôi lên thủy điện Lai Châu nhiều lần mà không gặp ông. Nhiều anh em thủy điện, ít khi nói về họ nhưng lại cứ nói nhiều về ông.


Ông Bùi Thức Khiết trao đổi cùng các kỹ sư lắp máy tại Thủy điện Sơn La.
 
Theo họ nếu viết về con người thủy điện mà không biết tới chuyên gia cao cấp Hội đồng nghiệm thu nhà nước Bùi Thức Khiết thì thật tiếc. Rồi cuối năm 2016, khi dự Lễ khánh thành tổ máy số 3, tôi thấy trong đoàn kiểm tra của Nhà nước có một người tóc đã bạc như tuyết trắng, trán cao, rộng, vuông vức, đôi mắt còn rất tinh anh, dáng đi khá nhanh nhẹn. Tôi hỏi: Ai thế? Bác Khiết đấy - Giám đốc Nhà máy điện Sơn La - Lai Châu Hoàng Trọng Nam nói, rồi dẫn tôi tới làm quen.
 
Chúng tôi nói chuyện với nhau dăm lần, lúc trên mặt đập Lai Châu, khi bên những roto phát điện khổng lồ, lúc bên chén trà ở làng Ngọc Hà... Câu chuyện dài về 60 năm luôn luôn có từ “điện”. Hóa ra con người ấy có lịch sử gắn với dòng điện cách mạng suốt cả một đời người.
 
Thuở ban đầu đến với nghề điện
 
Bùi Thức Khiết sinh năm 1938 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1955, cậu học trò Bùi Thức Khiết tốt nghiệp lớp 7 ở khu 4. Cha cậu, ông Bùi Thức Liêm, theo cách mạng từ những năm 1930. Ông Bùi Thức Liêm từ Hà Nội đánh điện cho cậu con trai: “Ra ngay Hà Nội học kỹ nghệ”. Bức điện tín làm chàng trai trẻ giật mình, chữ “nghệ” từ hai từ “kỹ nghệ” làm cậu lầm tưởng một chuyên ngành nào đó thuộc về nghệ thuật. Tự hỏi, mình có biết gì về nghệ thuật đâu mà học? Nhưng việc đã quyết rồi. Mẹ bán một tấm Nái (loại vải xù xì làm từ lớp ngoài kén con tằm nên không mềm như lụa) ngang 30 phân lấy tiền mua vé xe khách cho cậu con trai ra Hà Nội.
 
Hóa ra, không phải cậu Khiết ra Hà Nội học làm nghệ sỹ, mà đi thi vào Trường Trung cấp kỹ thuật I 2F Quang Trung. Chân đất, đầu đội mũ cói, cậu Khiết vào đua tài với gần 2.000 thí sinh, vượt qua nhiều người, kể cả lứa Tú tài toàn phần Hà Nội, đứng vào lứa kỹ thuật đào tạo cơ bản đầu tiên thời ấy, chỉ chọn 150 người. Thực ra, đó nguyên là Trường Bách nghệ Đông Dương do người Pháp mở ra chuyên đào tạo thợ điện và cơ khí. Cách mạng về, Chính phủ quyết định vẫn duy trì trường và ông Khiết là lứa học viên đầu tiên thời đầu hòa bình. Cụ Phạm Văn Huân, kỹ sư về luyện kim, theo Bác Hồ từ Pháp trở về, làm hiệu trưởng. Giáo viên là lớp giáo sư đầu ngành của cách mạng từ chiến khu, là những chuyên gia từ thời Pháp, nên chương trình có gần hai năm nhưng kiến thức rất cơ bản, khá sâu, kỹ về máy móc, cơ khí và điện.
 
Ông Bùi Thức Khiết nói về giai đoạn chập chững của ông: Hòa bình lập lại sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Cách mạng tiếp quản miền Bắc, người Pháp để lại cho chúng ta chẳng có gì về công nghiệp, chỉ có 4 nhà máy nhiệt điện lạc hậu, công suất rất nhỏ, hoàn toàn không có hệ thống điện lưới, trừ Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng. Chủ trương thúc đẩy phát triển ngành năng lượng ngay từ năm ấy, sự xây dựng ban đầu trông cậy vào viện trợ của các nước XHCN. Ra trường, Khiết được điều về làm việc ở nhà máy nhiệt điện Locomobin (tàu hỏa), đặt trong nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Gọi là nhà máy song thực ra chỉ có 4 tổ máy công suất rất nhỏ.
 
Năm 1959, Ba Lan viện trợ 8 lò hơi, 6 lò 32 tấn/giờ, 2 lò 16 tấn/giờ. Khiết được cử ngay về Nam Định xây dựng hai máy phát điện từ hai lò hơi 16 tấn ấy. Đấy là những năm tháng ngành điện sơ khai nhất, nhưng nó đặt nền tảng cơ bản của ngành điện cách mạng, cũng là những tháng năm tận tụy hết sức mình, từ những kiến thức cơ bản học ở trường.
 
Giữ vững dòng điện trong bom đạn
 
Ông Bùi Thức Khiết trao đổi cùng các kỹ sư lắp máy tại Thủy điện Sơn La.
 
Bùi Thức Khiết về Phòng xây dựng cơ bản 2 năm rồi được tín nhiệm phụ trách Trưởng ca vận hành máy Nhà máy điện Nam Định, khi lứa cán bộ kỹ thuật cũ thiếu kinh nghiệm vận hành với quy mô lớn hơn trước.
 
Nói về giai đoạn này ông nhớ lại: “Chạy máy nhiệt điện khi ấy lạc hậu lắm. Khi tan ca, ai nấy đều đen nhẻm, mặt mũi quần áo đầy khói than, rũ ra một vốc bụi. Nhưng chúng tôi chưa một ngày để nhà máy ngừng cung cấp điện cho nhà máy dệt, cho Nam Định. Năm 1964, chiến tranh nổ ra, có đợt tuyển quân, tôi viết đơn tình nguyện, song nhà máy không cho đi. Máy bay địch đánh phá ác liệt, chúng ném bom cả ngày đêm, tất cả anh em vận hành không sơ tán mà liên tục ngày đêm bám máy. Chúng tôi đổ đất dày 2 mét lên nóc phân xưởng máy, đào cả tuyến hào từ nhà máy ra tận Quảng trường 1-5, nơi tổ tự vệ nhà máy đặt súng 12,7 ly. Sản xuất điện trong giai đoạn ấy thật ác liệt, gian khổ, nguy hiểm như người lính nơi chiến trường, ai cũng gắng sức vượt lên. Trong hoàn cảnh chiến tranh nghèo nàn thiếu thốn, để động viên anh chị em công nhân và kỹ thuật, nhiều khi chỉ là miếng vải đỏ, cắt như một đóa hoa, tặng mỗi cá nhân có thành tích trong sản xuất và chiến đấu mỗi tuần, cũng làm cho con người ta phấn chấn hẳn lên mà giữ cho nguồn điện sáng mãi... ”.
 
Chiến tranh, nhưng ngành điện vẫn có kế hoạch xây dựng những công trình lớn. Năm 1969, Bùi Thức Khiết được cử đi học tại Nhà máy thủy điện Ka-Khốp-Ka của Ukraina. Một năm rưỡi tại đó, nhờ vốn tiếng Nga tự học, ở Nam Định lại tiếp xúc nhiều với kỹ sư Ba Lan cũng nói tiếng Nga nên Khiết đã có vốn ngoại ngữ khá hơn nhiều cán bộ cùng đi, giúp việc tiếp thu kiến thức thuận lợi.
 
Về nước năm 1972, Bùi Thức Khiết tham gia ngay vào đội ngũ kỹ thuật quản lý Nhà máy điện Thác Bà đúng khi Thủy điện Thác Bà bắt đầu vận hành tổ máy số III. Mỹ đánh phá ác liệt, nhằm hủy diệt nhà máy thủy điện đầu tiên của ta. Nhớ lại quá khứ này, ông không che dấu niềm tự hào: “Khi đó tôi là kỹ thuật viên kiêm Bí thư chi bộ phân xưởng điện. Chúng tôi phấn đấu định ngày 19/5/1972 kết thúc, song tới tận ngày 22 mới xong ba tổ máy. Bấy giờ Thủy điện Thác Bà rất quan trọng, bởi những nhà máy như nhiệt điện Uông Bí, địch đã đánh hỏng hoàn toàn, nên chỉ có Thác Bà cung ứng điện cho Hà Nội và một số khu công nghiệp. Địch biết thế, nên nhiều lần bay trinh sát và sau đó ném thẳng bom vào nhà máy. Ngày 2/6/1972, địch rải cả ngàn trái bom bi, hỏng toàn bộ thiết bị trạm phân phối điện. Rất nhiều bom bi chưa nổ, chúng tôi gom lại ném xuống sông và khẩn trương sửa chữa cho điện tiếp tục hòa vào lưới điện. Tám ngày sau địch lại đánh. Bom lase, trúng nhà máy. Toàn bộ trần sập xuống, ba tổ máy ngừng hoạt động. 23 trái bom đã làm các thiết bị và ba tổ máy bị hỏng nặng. Đài BBC đưa tin, muốn khôi phục Thủy điện Thác Bà ít nhất phải hai năm. Chuyên gia Nga kiểm tra cũng xác định, phải mất ít nhất ba tháng dọn dẹp cho hết đống đổ nát mới tính chuyện khôi phục các tổ máy.
 
Nhưng những người làm ra điện không sợ. Chúng tôi, đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân lắp máy chỉ bằng dụng cụ thô sơ, xe goòng, cút kít, xẻng, cuốc, choòng và xà beng, rất ít máy cầm tay, dọn dẹp xong nhà máy chỉ vài tuần. Địch quần trên trời Thác Bà ngày đêm, ban đầu khi có báo động thì sơ tán, nhưng điện đang cần lắm, nên dù có máy bay gào rú trên đầu, vẫn tổ chức dọn dẹp. Vừa dọn vừa kiểm tra lại cả ba tổ máy. Tôi cùng anh em xác định quyết tâm khắc phục một tổ máy.
 
Thế là sau 63 ngày đêm, Thủy điện Thác Bà sống lại một tổ máy phát điện. Đó là việc mà cả người Mỹ lẫn chuyên gia Nga bất ngờ. Việc phát lại điện Thác Bà khi ấy có ý nghĩa lớn lao. Nó không chỉ chứng minh thuở ban đầu, chúng ta đã có một trình độ tay nghề cao, khi không có chuyên gia Nga, vẫn khắc phục một cỗ máy với hơn 2.000 điểm bị chấn thương. Nó còn chứng tỏ ý trí kiêu hãnh của Con người thủy điện, cũng là Nhân cách Việt Nam. Điện lại bừng sáng ở Hà Nội, chứng tỏ không có sức mạnh đen tối nào đè bẹp được con người Việt Nam.
 
Sự kiện đóng điện đúng vào ngày Hội nghị Paris nhóm họp lại. Nó như tiếng nói trong Hội nghị Paris, khẳng định tinh thần bất khuất của Việt Nam trên trường quốc tế, mà trong đó có tiếng nói của ngành điện, của Thủy điện Thác Bà, khi cả Hà Nội vẫn bừng sáng. Dòng điện ấy vẫn sáng mãi suốt cả cuộc chiến gian khổ, cho dù những thương tích mà bom đạn gây ra luôn tạo sự cố kỹ thuật, những con người thủy điện khi ấy đã làm trọn niềm tin của nhân dân, của nhà nước, của Đảng giao cho: Giữ mãi nguồn điện như lòng tin bất tận về chiến thắng của toàn dân tộc. Nhất là hôm nay toàn ngành đã bước sang giai đoạn mới với nhiều công trình lớn hiện đại, khác hẳn năm xưa, rất đáng tự hào”.
 
Giữ mãi một tình yêu
 
Với nhiều câu chuyện của người chuyên gia già Bùi Thức Khiết, triền miên trong vài lần gặp gỡ, tôi lần theo lịch sử của từng công trình, xem lại nhiều thước phim thời sự tài liệu mới và cũ, để lần theo dấu chân con người đã gắn bó cả đời với điện. Đó là dải lịch sử của một tâm hồn có trách nhiện cao luôn gắn bó với dòng điện.
 
Năm 1979, người cán bộ đứng tuổi Bùi Thức Khiết mang theo những kinh nghiệm quản lý và điều hành thủy điện từ Thác Bà sang Lào, giúp bạn làm Nhà máy điện Nậm Ngừm. Ba tháng tự học tiếng Lào để truyền đạt thẳng kiến thức cho bạn, ông đã giúp bạn xây dựng đội ngũ vận hành Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm do Nhật thiết kế và xây dựng.
 
Rồi từ năm 1982 tới 1994, ông giữ nhiều cương vị lãnh đạo xây dựng Thủy điện Hòa Bình cùng Anh hùng Thái Phụng Nê. Đó là những ngày dài suốt 12 năm, rồi lại được điều chuyển sang xây dựng đường dây 500 KV, một công trình quan trọng, gian nan từ khảo sát tới quản lý, vận hành, một công trình trọng điểm điều phối điện có tính quốc gia.
 
Ngành điện thống nhất quản lý, thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam, người lính điện lão thành Bùi Thức Khiết lại trở về cương vị Phó Tổng giám đốc. Bốn năm sau, đất nước xây dựng thêm ba nhà máy thủy điện, ông làm cố vấn, theo dõi việc xây dựng Thủy điện Ialy. Năm 2006, tới tuổi hưu, nhưng là người cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết nên Bùi Thức Khiết vẫn được nhà nước sử dụng với tư cách chuyên gia cao cấp Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho tới nay.
 
Nói về mình, ông Khiết khá kiệm lời và khó nói hết một quá trình 60 năm biết bao câu chuyện điện, gắn bó với cả  đời người. Trong khu vườn đầy tiếng chim hót, thay vì kể lại những công việc kỹ thuật, ông già hơn tám mươi tuổi gõ bàn, hát cho tôi nghe một bài hát về Thủy điện Hòa Bình, do chính ông viết lại lời từ bài hát Nga “Tổ quốc ơi ta mến yêu người”. Lời bài hát có câu sau: Bạn bè ơi ta còn nhớ những tháng năm ngăn sông Đà, lòng ta xao động. Bạn bè ơi, ta còn biết có tháng năm xa quê nhà lòng ta diết da. Bạn bè ơi, ta về đây chặn dòng sông, ta hiến dâng cho tổ quốc mình...
 
Câu hát da diết, tình cảm từ quá khứ làm khuôn mặt của ông như sáng bừng lên, làm tôi nhớ câu chuyện về ông trên Thủy điện Hòa Bình đấu tranh dai dẳng và khéo léo để đưa ra định mức đầu tiên về lắp máy thủy điện. Tôi cứ hình dung cả một thời kỳ cuối của Thủy điện Hòa Bình, khi những tổ máy cuối cùng đang dang dở thì xảy ra việc thất lạc ba nan hoa của roto phát điện, mỗi chiếc nặng 21 tấn.
 
Người Phó Ban A, ông Bùi Thức Khiết, lang thang bên trời Liên Xô đang tan rã. Tới cảng Odessa thuộc Ukraina bây giờ, nhìn hàng hóa ngút ngàn, ông đã linh cảm khối hàng ấy còn ở đâu đây. Và, dự đoán của ông đã đúng khi mạnh dạn bỏ một ngàn rúp tiền cá nhân của ông, thưởng cho ai tìm thấy, với chùm ảnh mô tả ba cái nan hoa khổng lồ mà ông mang theo. Chuyện như đùa ở một thời kỳ Liên Xô đang phức tạp nhưng quan trọng hơn cả là ba chiếc nan hoa đã về với Hòa Bình, để nhà máy lớn nhất bấy giờ hoàn thành việc lắp roto đúng tiến độ.
 
Tôi cũng hình dung thấy người cán bộ già lang thang đi tìm 40 kiện hàng trên bao nhiêu ga miền Bắc để gom lại đủ ba máy xúc EKG, mỗi gàu 4,5 tấn trong lô hàng của mỏ Apatit Lao Cai, kịp thời phục vụ tiến độ xây dựng Thủy điện Hòa Bình.
 
Kết thúc bài viết này tôi dẫn ý kiến thẳng thắn, chân thành của chính con người ấy, tự nói về mình: “Tôi là lứa đầu tiên đóng góp vào ngành điện nước nhà. Thực ra tôi học không cao. Nhưng luôn theo đuổi công việc được giao, lại rất chịu khó học từ các chuyên gia đầu ngành của Nga và anh em bạn bè nên tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm”.
 
Có lẽ, không chỉ như thế để tạo nên một con người như ông Bùi Thức Khiết, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng công việc đã trải qua. Nhà nước vinh danh ông nhiều lần với nhiều Huân chương Lao động và năm 1995 đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông.
 
Tính cho tới xuân này, Bùi Thức Khiết có cả cuộc tình 60 mùa xuân với ngành điện, là 60 tuổi Đảng cống hiến cho nhân dân, đất nước và ngành điện. Còn ở trong ông điều gì nữa nếu không phải là một tình yêu bất tận với... điện, khi ông tự xây cho mình một mô hình thủy điện trước ngôi nhà giản dị, để tự hào và hạnh phúc với nghề nghiệp.
 
Tôi trộm nghĩ đó là một điều ít người có được đối với một nghề nghiệp, để yêu, để sống, để mà cống hiến.

  • 08/02/2017 07:57
  • http://icon.com.vn