Hàng nghìn thợ điện hiến máu nhân đạo

Thợ điện Trần Tiến Trung (36 tuổi) từng hiến máu 30 lần, còn Trần Thanh Sơn (33 tuổi) đã gắn bó hơn 10 năm với câu lạc bộ nhóm máu hiếm.


Thợ điện Trần Thanh Sơn (33 tuổi, Điện lực Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) hiến máu nhân đạo.
 
Gần 5.000 đơn vị máu được cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiến tặng trong "Tuần lễ hồng" diễn ra từ ngày 13/12 đến ngày 17/12. Trong đó có 1.772 đơn vị thư được tại 21 tỉnh miền Bắc; 1.800 đơn vị từ 21 tỉnh thành phía Nam… Với tâm niệm “Món quà ý nghĩa cho cộng đồng”, công nhân viên EVN trên khắp cả nước vẫn đang tiếp tục hiến tặng cho "ngân hàng máu" ở địa phương.
 
Tham gia Tuần lễ hồng dịp này đánh dấu lần hiến máu thứ 30 của thợ điện Trần Tiến Trung (36 tuổi, Công ty Điện lực Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cơ duyên đến với hành trình thiện nguyện này bắt đầu vào năm 2001, sau khi anh Trung chứng kiến nhiều người lạ sẵn sàng hiến máu cứu sống một cháu bé không may bị tai nạn giao thông.
 
"Nếu một người bệnh có thể khỏe mạnh hơn khi những giọt máu của tôi được chảy trong huyết quản của họ, thì đây chắc chắn là việc nên làm. Tình người cao cả qua hành động hiến máu như vậy. Tôi rất mừng bởi từ nay sẽ có nhiều đồng nghiệp cùng tôi hiến máu cứu người, sẽ có thêm hàng nghìn bệnh nhân được cứu chữa kịp thời từ nguồn máu của những người làm điện", anh Trung nói.
 
Không riêng anh Trung, nhiều công nhân viên EVN cũng gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện từ lâu. Thợ điện Trần Thanh Sơn (33 tuổi, Điện lực Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) tham gia phong trào hiến máu tình nguyện của địa phương vào năm 2006. Lần đầu tiên hiến máu, anh thợ điện mới biết mình mang nhóm máu hiếm (O Rh-). Ở Việt Nam, cứ 10.000 người mới có khoảng 4-7 người mang nhóm máu này.
 
Hiện anh Sơn là thành viên tích cực trong câu lạc bộ máu hiếm miền Trung. 10 năm qua, anh Sơn không nhớ đã hiến máu cấp cứu cho bao nhiêu người bệnh. Năm 2011, một sản phụ (Quảng Bình) cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế do sốt xuất huyết và chuyển dạ trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng, nguy cơ tử vong cả sản phụ lẫn thai nhi cao. Bác sĩ quyết định sinh mổ, nhưng bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm (Rh-) và bệnh viện không có máu dự trữ. Trần Thanh Sơn chính là người đầu tiên vượt có mặt để hiến tiểu cầu, dù Phú Lộc cách Huế 40 cây số.
 
"Trước đây, tôi hiến máu tình nguyện bởi đó là tâm nguyện cá nhân. Còn giờ đây, được hiến máu trong màu áo vàng của thợ điện, là ngành nghề mà tôi sẽ gắn bó cả đời, thì niềm vui càng nhân lên gấp bội", anh Sơn chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, đây là lần thứ 2 trong năm tập đoàn kêu gọi cán bộ, công nhân viên tham gia hiến máu cứu người. Tuần lễ hồng lần thứ nhất tổ chức vào tháng 1/2016, đã đóng góp 4.586 đơn vị máu cứu chữa cho người bệnh. Hoạt động nhân văn này càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong dịp kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2016). Bản thân Phó tổng giám đốc EVN cũng tham gia hiến máu nhân đạo cùng các công nhân viên.
 
Ông Phạm Tuấn Dương - Phó viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đánh giá cao ý nghĩa của chương trình. Mỗi ngày, trên cả nước sử dụng tới hơn 3.000 đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân. Nhu cầu lớn song máu không bảo quản được dài ngày. Giáp Tết và dịp hè thường xảy ra tình trạng khan hiếm bởi số lượng người hiến tặng giảm đi. EVN phát động hiến máu vào thời điểm này không chỉ làm tăng nguồn máu dự phòng, mà còn vận động nhiều người sẽ hiến máu sau này.

  • 29/12/2016 08:46
  • http://icon.com.vn