Hà Nội: Chậm tiến độ dự án TBA 110kV Phú Xuyên vì một số hộ dân cản trở

Đã có không ít cuộc đối thoại với các hộ dân để cung cấp văn bản, thông tin nêu rõ tính pháp lý, sự cấp thiết của dự án; các đánh giá tác động về môi trường xung quanh vị trí xây dựng trạm biến áp (TBA) điện đều cho kết luận không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong khu vực...

Với nhu cầu điện cao như hiện nay, các trạm biến áp lân cận không thể đủ công suất để cung cấp cho huyện Phú Xuyên. 
 
Tuy nhiên, do một số hộ dân (không nằm trong diện thu hồi đất của dự án) cản trở khiến dự án TBA 110kV Phú Xuyên chậm được triển khai, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội của Phú Xuyên.
 
Dự án cần thiết và cấp thiết
 
Hiện nay, huyện Phú Xuyên chưa có TBA 110kV, phụ tải đang được cấp bởi các đường dây trung thế 35kV và 22kV đấu nối từ TBA 110kV Tía (thuộc huyện Thường Tín) hoặc một số nguồn hỗ trợ từ tỉnh Hà Nam. Các đường dây trung thế có chiều dài lớn, dẫn đến chất lượng điện năng kém. Mặc dù đang trong quá trình đô thị hóa mạnh và nằm trong quy hoạch xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ định hướng là khu đô thị vệ tinh, nhưng đó đang là thách thức mà huyện Phú Xuyên phải đối mặt.
 
Theo con số thống kê năm 2015 nhu cầu điện của Phú Xuyên là 55.000kW tương đương hơn 60.000kVA và dự báo đến năm 2020 là 86.429kW tương đương gần 100.000kVA. Với nhu cầu điện cao như vậy, các trạm biến áp lân cận không thể đủ công suất để cung cấp cho huyện Phú Xuyên. 
 
Không chủ động bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định đồng nghĩa với việc những dự án phát triển kinh tế xã hội của huyện, hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị đã, đang và sẽ triển khai giúp nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo của một huyện có nhiều tiềm năng như Phú Xuyên gặp không ít khó khăn. Đơn cử Khu đô thị và công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) được quy hoạch kết hợp gắn liền với khu đô thị dịch vụ phức hợp, là tổ hợp công nghiệp hỗ trợ, đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Tuy nhiên, với hiện trạng nguồn và lưới điện của khu vực như hiện nay trong tương lai gần sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu phụ tải.
 
Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp giúp bảo đảm chất lượng, sự ổn định và an toàn cho hệ thống, giảm tổn thất của lưới điện ở đây, trước mắt là xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên, không chỉ là yêu cầu cần thiết mà đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 
 
Theo thiết kế TBA có công suất 63MVA với 6 tủ xuất tuyến 35kV và 24 tủ xuất tuyến 22kV. Đường dây 110kV 2 mạch cấp điện cho trạm dài khoảng 10km được cấp nguồn từ TBA 110kV Tía. Trạm biến áp có diện tích khoảng 3.500m2. Dự kiến thu hồi đất canh tác của 7 hộ thuộc tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên.
 
Toàn bộ các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đã nhất trí phương án bồi thường và Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã sẵn sàng chi trả. Phần đường dây có diện tích cần GPMB khoảng 10.000m2 liên quan đến đất canh tác của khoảng 130 hộ thuộc thị trấn Phú Xuyên, các xã Phúc Tiến, Nam Phong (huyện Phú Xuyên) và các xã Minh Cường, Vạn Điểm, Tô Hiệu, Văn Tự (huyện Thường Tín).
 
Hiện công tác GPMB đang được triển khai theo quy định. Đại diện EVN HANOI cho biết, hiện Tổng công ty đã mua sắm xong toàn bộ vật tư, thiết bị và lựa chọn được nhà thầu xây lắp, sẵn sàng thi công lắp đặt.
 
Xây dựng trạm đúng vị trí, đúng quy hoạch 
 
Xung quanh ý kiến của một số hộ dân về quy hoạch cũng như vị trí đặt TBA, qua tìm hiểu được biết, dự án được triển khai bài bản, công khai, đúng quy định cũng như quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, có sự giám sát chặt chẽ. 
 
Cụ thể, ngày 9/6/2012, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 1559/UBND-CT chấp nhận đề xuất của liên Sở Công Thương, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng và các bên liên quan về việc cho phép xây dựng các trạm biến áp có quy mô phù hợp quy hoạch phát triển điện lực Thủ đô giai đoạn năm 2011 - 2015, có xét đến năm 2020, và có vị trí xây dựng phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Theo đó, EVN HANOI đã phối hợp, làm việc cùng chính quyền địa phương và thống nhất vị trí xây dựng trạm biến áp 110kV Phú Xuyên tại cánh đồng Thạng Nội, tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên. Sau đó đã được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thống nhất tại văn bản số 3438/QHKT-P7 ngày 9/11/2012 và được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại văn bản số 4750/VP-CT ngày 22/11/2014. Giấy phép quy hoạch, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của trạm biến áp được Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận theo giấy phép 5774/GPQH ngày 27/12/2014 và văn bản số 1069/QHKT-TMB-PAKT ngày 19/3/2015.
 
Vị trí đặt TBA 110kV Phú Xuyên.
 
Trên cơ sở các thỏa thuận đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, EVN HANOI đã tiến hành thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, toàn bộ các hộ dân trong diện thu hồi đất tại cánh đồng Thạng Nội đã nhất trí phương án bồi thường và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng. Tuy nhiên, công tác thực hiện chi trả tiền bồi thường đã không thực hiện được do xuất hiện một số hộ dân không thuộc diện thu hồi đất có ý kiến phản đối xây dựng trạm nên dự án bị tạm dừng.
 
Ngày 23/1/2017, UBND huyện Phú Xuyên có văn bản số 95/UBND gửi UBND TP và các Sở ngành liên quan đề nghị dịch chuyển vị trí xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên từ xứ đồng Thạng Nội sang vị trí cánh đồng chéo B. Tiếp đó, ngày 17/2/2017, Sở Quy hoạch kiến trúc đã chủ trì cuộc họp liên ngành và thống nhất dịch chuyển vị trí xây dựng trạm biến áp từ cánh đồng Thạng Nội sang vị trí cánh đồng chéo B.
 
Ngày 27/3/2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 1358/UBND-KT chấp thuận dịch chuyển vị trí xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên từ cánh đồng Thạng Nội sang vị trí cánh đồng chéo B.
 
Theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội tại văn bản số 2066/QHKT-HTKT ngày 12/4/2017, EVN HANOI phải tiến hành đo vẽ bản đồ hiện trạng khu vực trạm mới, xây dựng cấp chỉ giới đường đỏ, xin cấp giấy phép quy hoạch, thỏa thuận mặt bằng và phương án kiến trúc... điều chỉnh cho công trình.
 
Tuy nhiên, trong khi tiến hành các bước thực hiện theo đúng quy định, các đơn vị liên quan đã vấp phải sự phản đối của bộ phận người dân tiểu khu Mỹ Lâm.
Qua nhiều cuộc đối thoại, giải thích, tham vấn lấy ý kiến nhưng những hộ dân này vẫn không đồng thuận với trả lời của UBND Thành phố Hà Nội và tiếp tục kiến nghị xây dựng trạm sang khu vực khác.
 
Có hay không việc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân 
 
Những ý kiến lo ngại dự án TBA 110kV sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh cũng đã được các cơ quan chức năng nghiêm túc xem xét, đánh giá cụ thể. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án và lưới điện Hà Nội Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Trước khi đầu tư dự án, EVN HANOI đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường có tham vấn tại địa phương, được Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thẩm định, Sở Tài nguyên - Môi trường thống nhất nội dung và được UBND TP phê duyệt theo quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 25/6/2014. 
 
Ngoài ra, theo số liệu quan trắc thực tế, điện trường trong các TBA 110kV trên địa bàn Thủ đô trung bình chỉ khoảng 56V/m (thấp hơn rất nhiều so với 5000V/m theo quy định tại Điều 7 Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực). Với các số liệu quan trắc thực tế, cường độ điện trường của các thiết bị điện là hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi canh tác hoặc sinh hoạt xung quanh hàng rào trạm. Trong khi đó với thiết kế của TBA 110kV Phú Xuyên, có tường rào trạm cao 5,5m so với cốt hiện trạng đất canh tác xung quanh (cao hơn so với mức quy định 4m tại Điều 10 và Điều 15 Nghị định 14/2014) vì thế mọi hoạt động bên ngoài hàng rào là tuyệt đối an toàn”.
 
Về điều kiện vận hành, cũng theo ông Thanh, trạm biến áp 110kV Phú Xuyên sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo xử lý an toàn trong các tình huống sự cố. Ngoài hệ thống điều khiển bảo vệ thiết bị điện theo tiêu chuẩn ngành còn có hệ thống hố thu dầu và bể thu dầu máy biến áp, hệ thống báo cháy công nghệ tiên tiến và hệ thống chữa cháy tự động bao gồm dàn phun sương cùng các máy bơm áp lực cao và hệ thống điều khiển hiện đại cũng như các bình chữa cháy tại chỗ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, quy phạm an toàn. Riêng phần đảm bảo yêu cầu về Phòng cháy và chữa cháy của trạm đã được Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt về Phòng cháy và chữa cháy tại văn bản số 438/TD-PCCC ngày 20/7/2015.
 
Như vậy, trạm biến áp hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình chuẩn bị, thực hiện đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước và các quy định liên quan.
 
Có thể thấy dự án TBA 110kV không chỉ đảm bảo tính pháp lý, trình tự thủ tục, đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt mà những đánh giá tác động về môi trường cũng được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Việc một số công dân tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên không thuộc diện bị thu hồi đất có ý kiến phản đối xây dựng Trạm 110kV tại tiểu khu Mỹ Lâm đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chung của huyện mà trong quy hoạch tổng thể của Hà Nội là khu đô thị vệ tinh với hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị đã, đang và sẽ được xây dựng cũng như trực tiếp đến các hộ dân khác trên địa bàn.
 
Cùng với quá trình đô thị hóa, hiện nay, tại khu vực nội thành Hà Nội vẫn có nhiều TBA 110kV nằm giữa các khu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, với việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, quan tâm đến tác động môi trường nên ghi nhận chung cho thấy, xung quanh những TBA này, hoạt động sinh sống, làm việc của người dân diễn ra bình thường, từ hàng chục năm nay (thậm chí có nhiều nơi, nhà dân sống giáp ranh với hàng rào của TBA) như: Quận Đống Đa: Trạm 220kV như Thành Công, vận hành từ năm 1987. Trạm 110V Phương Liệt vận hành từ năm 1990. Quận Ba Đình: Trạm 110kV Yên Phụ vận hành từ năm 1985. Trạm 110kV Giám vận hành từ năm 1993. Quận Thanh Xuân: Trạm 110kV Thượng Đình vận hành từ năm 1978. Quận Hoàn Kiếm: Trạm 110kV Trần Hưng Đạo vận hành từ năm 1988. Trạm 110kV Bờ Hồ vận hành từ năm 1996). Quận Hai Bà Trưng: Trạm 110kV Thanh Nhàn vận hành từ năm 2002. Quận Hoàng Mai: Trạm 220kV Mai Động vận hành từ năm 1980. Quận Hà Đông, Trạm 220kV Hà Đông vận hành từ năm 1982. Quận Tây Hồ: Trạm 220kV Tây Hồ vận hành từ năm 2015.

  • 26/04/2018 07:35
  • http://icon.com.vn