Đảm bảo than cho điện tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh

Bộ Công thương vừa công bố Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.



Ảnh minh họa.
 
Nhiều quan điểm cho rằng, Quy hoạch than điều chỉnh lần này có tính khả thi hơn nhiều so với quy hoạch được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 (trước đây gọi là Quy hoạch 60). 
 
Mục tiêu phát triển tổng quát của Quy hoạch than điều chỉnh lần này là xây dựng ngành Than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện. 
 
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương - ông Nguyễn Khắc Thọ khẳng định, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của Bộ Tài nguyên Môi trường, tổng trữ lượng và tài nguyên than dự tính đến cuối năm 2015 vào khoảng 48,88 tỷ tấn, trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn, sẽ phát triển ngành Than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than; Đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; Đảm bảo việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng…  Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng đủ than cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Phát triển ngành than hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế. Quy hoạch cũng nhấn mạnh đến việc đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh than. Ông Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, vấn đề này liên quan đến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành than rất lớn, trung bình khoảng 18-20 nghìn tỷ đồng/năm. "Để đảm bảo được nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngành than thì cũng đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, trong đó có 1 điểm rất rõ là phương thức đầu tư kinh doanh than theo các hình thức PPP, BOT, BT, BO…Than là tài nguyên của quốc gia, cho nên trong quá trình cổ phần hóa cũng như đa dạng hóa các hình thức đầu tư thì chúng ta tập trung chủ yếu về các cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển ngành than. Đó là hệ thống vận chuyển, các cảng biển, các hệ thống vận chuyển than, còn việc khai thác than thì do Nhà nước quản lý. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị"- ông Thọ cho biết.
 
Theo ông Đỗ Hồng Nguyên - Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin (đại diện đơn vị trực tiếp nghiên cứu thiết kế Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam), Quy hoạch than điều chỉnh có tính khả thi cao hơn Quy hoạch than được ban hành năm 2012 (QH60). Bởi, nó khắc phục được những điểm khó khả thi của QH60, được sửa đổi lại cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Điểm khác biệt lớn nhất cũng là quan trọng nhất của QH than 403 so với QH than 60 là việc xác định lại nhu cầu tiêu thụ. Than là nguồn nguyên liệu đầu vào cho  một số ngành kinh tế chính, chủ yếu là sản xuất điện công nghiệp như xi măng, giấy... Cụ thể, đối với than cho sản xuất điện, QH than 60 phục vụ cấp than cho Quy hoạch Điện VI. Quy hoạch điện VII (đã được điều chỉnh) có thay đổi rất nhiều so với QH điện VI. Chính vì vậy, nhu cầu than cho điện thay đổi nên cũng phải phải lập lại cho phù hợp. Quy hoạch than điều chỉnh lần này cũng xét đến năng lực của các đơn vị khai thác than, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc (BQP). Theo ông Đỗ Hồng Nguyên, một điểm quan trọng nữa của quy hoạch chính là việc định hướng tiệm cận thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng, tự chủ nguồn than cho sản xuất trong nước. "Vốn không phải là vấn đề lớn, quan trọng nhất là việc tăng năng suất, sản lượng của ngành than để đáp ứng cho điện"- ông Nguyên cho biết.
 
Đáng lưu ý trong số các giải pháp thực hiện Quy hoạch than điều chỉnh đó là việc đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư khoa học công nghệ. Theo đó, sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than (đặc biệt là công nghệ khai thác than dưới mức -300m bể than Quảng Ninh và bể than Sông Hồng); Nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và kinh doanh than… Theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh - nguyên Trưởng ban KHCN và Chiến lược phát triển Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc đầu tư công nghệ không khó, vốn cũng không phải là quá khó, mà cái khó lớn nhất là khó có khả năng áp dụng công nghệ hiện đại vào các công đoạn khai thác và chế biến than ở rất nhiều mỏ than của ta. "Thực ra bây giờ việc mua công nghệ trên thế giới không khó. Cái khó của ngành than Việt Nam là than manh mún, điều kiện địa chất phức tạp, có công nghệ nhưng điều kiện để áp dụng công nghệ không có và không hiệu quả vì manh mún. Hợp lý nhất là điều kiện nào thì áp dụng công nghệ ấy và nơi nào có điều kiện cơ giới hóa thì cơ giới hóa tối đa"- ông Chỉnh cho biết.
 
Kế hoạch khai thác bể than ĐBSH cũng được đề cập khá cụ thể tại Quy hoạch than điều chỉnh lần này. Chính phủ đã giao cho TKV chương trình thăm dò, tìm hiểu, áp dụng công nghệ thử nghiệm. Năm 2015 TKV đã tiến hành thử nghiệm việc khoan thăm dò ở khu vực xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Việc có khả năng khai thác được hay không sẽ phụ thuộc vào Báo cáo của TKV sau khi tổng hợp đánh giá 5 mũi khoan thử nghiệm ở khu vực này..

  • 01/09/2016 08:28
  • http://icon.com.vn