Xác định tuyến hành lang thoát lũ trên sông vùng hạ du Vu Gia – Thu Bồn (thuộc TP Đà Nẵng) khi hệ thống công trình thủy điện ở thượng du đi vào vận hành trong bối cảnh biến đổi khí hậu

    TP. Đà Nẵng nằm ở vùng hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, một trong 9 con sông lớn của Việt Nam, có nguồn nước phong phú, rất thuận lợi cho phát triển KT–XH, văn hóa của vùng. Tuy nhiên bên cạnh đó thì tác động bất lợi của chế độ thủy văn Tài nguyên nước đến đời sống người dân ở đây cũng không nhỏ, như lũ lụt, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển… Để đảm bảo sự phát triển bền vững của TP trong tương lai dưới tác động tích lũy của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rất cần những giải pháp phòng ngừa, thích nghi chuyển hướng từ phòng chống lụt triệt để sang hướng thích ứng và sống chung với lũ thông qua việc quy hoạch không gian, nhằm tạo điều kiện thoát lũ tối ưu. Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài “Xác định hành lang thoát lũ trên sông vùng hạ du Vu Gia - Thu Bồn (thuộc thành phố Đà Nẵng) khi hệ thống công trình thủy điện ở thượng du đi vào vận hành trong bối cảnh biến đổi khí hậu” đã đề xuất xây dựng một hành lang thoát lũ đảm bảo tiêu thoát lũ hợp lý, phục vụ phát triển bền vững và đảm bảo an ninh quốc phòng thành phố Đà Nẵng. Đề tài do ThS. Hoàng Thái Bình và nhóm nghiên cứu thuộc Viện Địa lý thực hiện. Ngày 14/12/2017, Hội đồng nghiệm thu cấp VAST đã nghiệm thu và đánh giá đề tài thuộc loại xuất sắc.

    Các kết quả nghiên cứu chính của đề tài như sau:

  • Xác định được lũ và diện ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn thuộc TP Đà nẵng có độ tin cậy cao trên cơ sở sử dụng các mô hình toán liên kết gồm Mike Nam (mưa – dòng chảy) – HEC-Ressim (mô phỏng điều tiết hồ chứa) – Mike 11 – Mike Flood kết nối với hệ thông tin địa lý;
  • Trên quan điểm  đảm bảo kiểm soát và quản lý lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại cho cơ sở hạ tầng cũng như tính mạng người dân, đề tài đưa giải pháp xác định hành lang thoát lũ bao gồm: (i) mở rộng lòng sông đoạn co thắt và để hành lang bảo vệ nguồn nước 100m dọc 2 bên bờ sông (hình thức công viên cây xanh); (ii) tạo 5,9km kênh thoát nước đối với vùng đất nằm giữa các sông Yên – Cẩm Lệ - Quá Giáng – Vĩnh Điện và (iii) tạo ra 1.400ha đất nông nghiệp thuộc các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu và Hòa Phước là các không gian cho nước lũ trong thời gian tối đa 32 giờ nhằm đạt mục tiêu quản lý lũ có tần suất xuất hiện 5% theo quy hoạch phát triển của TP Đà Nẵng và lưu vực Vu Gia – Thu Bồn đến năm 2030.

Hình 1: Bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn theo kịch bản hiện trạng năm 2007

Hình 2: Bản đồ mốc chỉ giới thoát lũ hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn thuộc TP Đà Nẵng

    Trong quá trình thực hiện, đề tài đã hỗ trợ một thạc sỹ bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại trường Đại học Thủy lợi và công bố 01 bài báo trên Tạp chí chuyên ngành.

    Kết quả của đề tài góp phần xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho việc hoạch định các chính sách quản lý tài nguyên đất, nước, thiên tai, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hợp lý, hoạch định khu dân cư vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn thuộc TP. Đà Nẵng.

 

  • 21/08/2018 03:43
  • Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam