"Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong sử dụng điện năng

Thực hiện theo chủ đề năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Công ty Nhiệt điện Cần Thơ đã triển khai đến toàn thể CBCNV cũng như phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, tích cực tuyên truyền và thực hiện theo chủ đề năm.

Thời tiết khu vực các tỉnh, thành phía Nam bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô, nhiệt độ lên cao từ 36-37 độ C. Nắng nóng, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao, chủ yếu do gia tăng sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát, theo đó sản lượng điện sử dụng sẽ tăng kéo theo giá điện sinh hoạt bậc thang tăng nhiều so với các tháng trước. Nhằm tiết giảm chi phí sử dụng điện năng, Công ty Nhiệt điện Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong mùa nắng nóng, cụ thể như sau:


1.  Lựa chọn thiết bị điện:
Đối với sử dụng trong gia đình nên chọn mua các thiết bị điện có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Lựa chọn các sản phẩm uy tín có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một trong những giải pháp quan trọng để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Bộ Công Thương khuyến cáo là sử dụng các sản phẩm, thiết bị có dán nhãn năng lượng, đặc biệt là nhãn năng lượng hiệu suất cao nhất.

 
https://media.tietkiemnangluong.com.vn/Images/Upload/User/toquyen/2022/10/nhan_3.png

Ba loại nhãn năng lượng trên thị trường hiện nay: Nhãn năng lượng nhận biết, nhãn năng lượng so sánh và nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất (từ trái qua phải) nguồn https://tietkiemnangluong.com.vn/

2. Sử dụng điều hòa và tủ lạnh đúng cách:
Trong các hộ gia đình, Nên chọn mua máy điều hòa có công suất phù hợp diện tích sử dụng gia đình, lựa chọn sản phẩm có nhãn dán năng lượng. Ưu tiên sử dụng sản phẩm sử dụng công nghệ Inverter. Lắp đặt máy ở nơi trung tâm phòng và chọn hướng tránh ánh nắng trực tiếp. Sử dụng điều hòa cùng với quạt gió để làm mát cả phòng nhanh hơn. Vệ sinh hệ thống lọc bụi của máy định kỳ. Không nên tắt/mở điều hòa nhiều lần, nhiệt độ phòng thích hợp là từ 25-28 độ C. Nên tắt máy điều hòa từ 30-60 phút trước khi ra khỏi phòng.

 
Vệ sinh máy điều hòa thường xuyên giúp tiết kiệm điện hiệu quả

Đối với tủ lạnh không nên đóng mở tủ nhiều lần hoặc mở tủ quá lâu, không để thức ăn còn nóng vào tủ lạnh. Không nên cho nhiều thức ăn vào tủ lạnh khiến cho máy phải hoạt động với công suất cao để làm lạnh hết các thực phẩm bên trong tủ, vì vậy tiêu tốn thêm năng lượng so với bình thường. Nên sắp xếp các loại thực phẩm trong tủ gọn gàng, hợp lý và có khe hở để khí lạnh lưu thông. Kiểm tra các ron cao su còn độ bám dính tốt.

3. Tắt nguồn toàn bộ thiết bị điện khi không sử dụng
Để tiết kiệm điện, người dùng nên tắt rút nguồn các thiết bị điện như đèn chiếu sáng, máy tính, tivi, quạt máy, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy nước nóng… khi không sử dụng và không nên để máy ở chế độ “chờ”. Các thiết bị sạc điện như máy tính xách tay, điện thoại, pin dự phòng…nên rút phích cắm sau khi sạc đầy đồng thời giảm nguy cơ gây cháy nổ.

4. Sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện
Trong gia đình, nhà xưởng nên ưu tiên sử dụng các nguồn sáng tự nhiên, sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng, đèn năng lượng mặt trời hoặc đèn LED có thể tiết kiệm khoảng 75% năng lượng và có tuổi thọ lâu hơn gấp 25 lần so với đèn sợi đốt thông thường. Lắp các bóng đèn cảm ứng tự động tại các lối đi, hành lang, nhà vệ sinh… Lắp CB hẹn giờ cho các thiết bị như đèn chiếu sáng ngoài trời, bảng led điện tử…

 
Sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện

5. Các thiết bị điện dân dụng khác:
Đối với thiết bị điện dân dụng, cần vệ sinh, kiểm tra định kỳ. Hạn chế sử dụng các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng như: máy giặt, bếp điện, bàn ủi điện trong các khung giờ cao điểm (18h - 22h) hằng ngày. Kiểm tra toàn bộ hệ thống dây điện trong gia đình, xử lý ngay các mối nối để tránh phát nhiệt làm tổn thất điện năng, đồng thời có nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Kiều Anh – NĐCT

  • 12/04/2023 07:45
  • Nguồn EVN.GENCO2