Hội thảo góp ý về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Ngày 5/11/2019 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.

Hội thảo Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được EVN tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản số 4256/BCT-ĐTĐL ngày 14/6/2019 về việc giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thuê tư vấn xây dựng Đề án và tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của đại diện các Bộ ngành, các hiệp hội, Viện nghiên cứu, cơ quan báo chí, khách hàng sử dụng điện về nội dung Đề án.

Tham dự buổi Hội thảo có ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và một số chuyên gia kinh tế phản biện.

Hội thảo được EVN tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Công Thương

Đề xuất giảm số bậc thang giá điện sinh hoạt

Báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án cho hay, để thực hiện Đề án, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kinh nghiệm định giá điện của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan và các nước phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Úc. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam. Cụ thể, biểu giá bậc thang tăng theo mức tiêu dùng lũy tiến vẫn được sử dụng phổ biến đối với hộ sinh hoạt; các hộ tiêu thụ phải trả đầy đủ các chi phí của hệ thống điện; giá điện của các nước cũng luôn được điều chỉnh để đảm bảo phản ánh đúng chi phí cung ứng điện khi giá các nhiên liệu đầu vào thay đổi,…

Tư vấn cũng đã phân tích tổng quan sản lượng/doanh thu/giá bán điện từ năm 2016-2018. Qua đó cho thấy, giá điện chỉ tương đương giá thành bình quân; tổng doanh thu chỉ tương đương tổng chi phí. Chính vì vậy, việc cân bằng tài chính cho ngành Điện không đảm bảo, không có nguồn lực để phát triển hệ thống điện.

Tại Hội thảo, Tư vấn cũng đã đưa ra các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho 4 hộ sử dụng điện: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, với hộ sinh hoạt, Đề án đưa ra 3 phương án gồm: Cơ cấu biểu giá bậc thang 5 bậc, 4 bậc và 3 bậc. Ở mỗi phương án, Tư vấn đã phân tích, đánh giá tác động cụ thể đối với các hộ tiêu dùng.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi trình bày Đề án

Cũng theo đơn vị tư vấn, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN sẽ giảm nhẹ. Trong đó, phương án 5 bậc phù hợp với các đặc thù sử dụng điện của Việt Nam hiện nay cũng như mức thu nhập của từng nhóm đối tượng.

Tư vấn cũng đề xuất nên luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện bằng các văn bản pháp lý của các cấp có thẩm quyền, công khai chu kì điều chỉnh giá. Thời điểm điều chỉnh nên lựa chọn theo mùa, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ đề xuất điều chỉnh là 1/3 và 1/9 hàng năm. Bên cạnh đó, có phương án điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.

Nên luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia kinh tế đánh giá cao kết quả của Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; đặc biệt là các đề xuất như: Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc thang…

GS.VS.TSKH Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam chia sẻ, ông rất tâm đắc với đề xuất cần phải Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện. Thị trường thay đổi hằng ngày. Do đó, giá điện cũng cần phải có quy luật thay đổi để tiệm cận được với thị trường. Hiện nay, ở Thái Lan, cũng đã quy định điều chỉnh giá điện 3 lần/năm. Việc tính toán mức giá điều chỉnh thực hiện theo biến đổi theo tỉ giá, nguyên liệu đầu vào,…

GS.VS.TSKH Trần Đình Long đánh giá cao đề xuất Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện trong Đề án

GS.VS.TSKH Trần Đình Long cũng kiến nghi, việc tính giá điện bậc thang không chỉ gắn với sự công bằng của xã hội mà cần phải gắn với việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà. “Tác động của biểu giá bán lẻ đối với sự phát triển điện mặt trời mái nhà là rất rõ rệt. Cụ thể, nếu quy định bậc thang cuối ở mức rất cao, khi các hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ cắt được chi phí giá điện ở bậc thang này. Cùng với đó là hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Khung giờ cao điểm chiều từ 13-16h, đây là khung giờ mà điện mặt trời phát được tốt nhất”.

Giảng viên cao cấp Trần Văn Bình - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, điện là sản phẩm đặc biệt, là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, các hộ gia đình. Bất kì một sự thay đổi nào của giá điện cũng ảnh hưởng đến toàn xã hội. Do đó, cần phải làm rõ để xã hội hiểu về ngành Điện, hiểu về cơ cấu hình thành nên giá điện.

Ông Trần Văn Bình cho rằng tính toán giá điện cần phải tính đến mức phí khuyến khích năng lượng tái tạo

“Điện được sản xuất từ nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau. Khi nguồn nhiên liệu đầu vào tăng, thì giá điện cũng phải tăng. Trước đây, khi chúng ta khai thác than ở độ sâu 10m, chi phí sẽ khác với việc hiện nay khai thác ở độ sâu 100 m. Than là nhiên liệu dầu vào của ngành Điện, than tăng, điện cũng phải tăng…”, ông Trần Văn Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, ông Trần Văn Bình cho rằng, đặc thù của ngành Điện là giá thành biến động giữa các năm. Ví dụ, khi mưa nhiều, huy động thủy điện cao thì giá điện sẽ giảm và ngược lại. Tuy nhiên, những năm qua, thời gian điều chỉnh giá điện thưa (khoảng 2 năm/lần), nên mỗi lần điều chỉnh thường gây “sốc” cho xã hội. Do đó, nên luật hóa quy định điều chỉnh giá điện 2 lần/năm.

Cũng theo ông Trần Văn Bình, việc tính toán giá điện cũng cần phải tính đến mức phí khuyến khích năng lượng tái tạo. Thời gian qua, điện mặt trời tạo nên cơn sốt, bởi Chính phủ khuyến khích với mức giá mua điện 9,5 cents (hơn 2.000 đồng/kWh); trong khi đó, giá bán điện trung bình chỉ khoảng 1.700 đồng/kWh. Nếu đứng ở góc độ kinh doanh, EVN càng mua càng lỗ. Do đó, việc khuyến khích năng lượng tái tạo nhưng cần phải có cơ chế, không thể bắt ngành Điện gánh.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, việc xây dựng giá điện cần phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí cho người sử dụng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dùng điện, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện,… góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội đối với việc điều hành giá điện của Nhà nước.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng sử dụng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện

“Tôi đồng tình với quan điểm của Đề án là buộc người tiêu dùng phải trả đúng chi phí họ gây ra cho hệ thống điện, đồng thời góp phần làm san phẳng đồ thị phụ tải giúp ngành Điện hoạt động hiệu quả hơn. Sử dụng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên…). Điều này cần được nhấn mạnh hơn nữa, mới giải đáp được những quan điểm phê phán cách định giá điện hiện nay là giá điện đang đi ngược với nguyên tắc của cơ chế thị trường “lẽ ra càng mua nhiều thì giá càng rẻ, nhưng điện càng mua nhiều càng đắt”, và cũng chính điều này mới làm rõ cho công luận hiểu vì sao lại không quy định giá điện sinh hoạt đồng giá như nhiều ý kiến đặt ra.

Ông Ngô Trí Long cho rằng việc EVN thuê tư vấn thực hiện đã đảm bảo sự khách quan

TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, EVN chỉ là đơn vị thực hiện giá điện, tuy nhiên, khi có biến động về giá điện thì EVN lại chịu tác động từ dư luận. Do đó, việc EVN thuê tư vấn thực hiện đã đảm bảo được sự khách quan. Cũng theo ông Ngô Trí Long, xây dựng cơ cấu biểu giá điện bán lẻ dựa trên giá bình quân, do đó, cần phải xem xét giá điện giá điện bình quân đã hợp lý chưa và cần có giá điện bình quân cho từng đối tượng.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, lâu nay, chúng ta vẫn bị động trong việc điều chỉnh giá điện, dù đã có quy định. Do đó, giá điện cần phải luật hóa và bắt buộc cơ quan nhà nước cũng như EVN phải tuân thủ. "Tôi đồng ý với cách tiếp cận 6 tháng thì điều chỉnh giá và khi điều chỉnh phải công bố rõ ràng. Dù đến thời điểm đó, giá điện không biến động cũng phải công bố để dư luận nắm rõ".

Ông Trần Đình Thiên cho rằng cần phải đưa chi phí môi trường vào giá điện

Cũng theo ông Trần Đình Thiên, giá điện cũng cần phải đảm bảo được sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Cần đưa chi phí môi trường vào giá điện và không nên khuyến khích các ngành sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng như sắt, thép, xi măng….

“Giá điện không phải do EVN quyết, nhưng EVN lại phải gánh dư luận mỗi lần điều chỉnh giá. Trong khi đó, hiện trong cơ cấu nguồn, EVN chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại là của các nhà đầu tư bên ngoài”, ông Trần Đình Thiên cho biết thêm.

TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, phải rõ cho công luận thấy rằng, trong giá mua điện hiện nay chưa có chi phí về môi trường, chi phí mua tài nguyên. Chi phí hiện nay mới là tổng chi phí phát sinh của EVN, chưa phải tổng chi phí phát sinh của xã hội. 

Ngoài ra, cũng cần phải tách bạch chi phí công ích với chi phí sản xuất kinh doanh điện. Bởi hiện nay, EVN đã thực hiện được rất tốt, rất nhiều các nhiệm vụ công ích, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải đưa chi phí môi trường vào giá điện

TS. Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, trước đây chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá, tuy nhiên đã đến lúc cần phải điều chỉnh. Giá điện dành cho sản xuất thấp là để khuyến khích đầu tư nhưng hậu quả là các công nghệ lạc hậu tràn vào Việt Nam. Đây là những hộ tiêu thụ điện rất lớn nhưng không chịu đổi mới công nghệ, do giá điện còn thấp. Đó là chưa kể, hiện việc đầu tư cho ngành Điện cũng rất “teo tóp”, bởi vì đầu tư vào ngành Điện lỗ, do không đảm bảo giá thành. Đó là lí do vì sao các dự án điện lớn đều buộc các đơn vị như EVN, PVN phải đầu tư. Nhưng đầu tư không có lãi.

TS. Lê Hồng Tịnh cho rằng cần cần mạnh dạn đề xuất thực hiện Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện

“Giá điện tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội nên rất nhạy cảm. Chúng ta sắp tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, do đó, giá điện cần phải đảm bảo được lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích cho người ta đầu tư. Cần phải có chính sách tốt, để thu hút đầu tư vào ngành Điện”, ông Tịnh nhấn mạnh.

Về việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, ông Tịnh cho rằng, nên mạnh dạn đề xuất thực hiện bởi điều chỉnh giá có thể tăng, có thể giảm, tùy thuộc vào đầu vào…

Sau buổi Hội thảo, đơn vị tư vấn xây dựng nội dung Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia phản biện và các ý kiến khác tại Hội thảo để hoàn thiện, tiến tới trình báo cáo Bộ Công Thương xem xét.

  • 06/11/2019 07:46
  • Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam