EVN triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2023

Đề nghị đối tác tăng cấp than, nhường khí cho phát điện; kiểm soát tính khả dụng các tổ máy nhiệt điện, củng cố lưới phân phối, đẩy mạnh việc tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải DR… Hàng loạt biện pháp cấp bách đã và đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các đơn vị thành viên triển khai không kể đêm ngày để đáp ứng nhu cầu điện mùa khô 2023 trong tình hình các nguồn điện gặp rất nhiều khó khăn.

Nỗ lực tìm giải pháp tăng lượng than

Thời gian vừa qua, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Đến cuối tháng 4, sản lượng điện quy đổi còn lại trong các hồ thủy điện toàn hệ thống thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt và thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí…

Tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,06 tỷ kWh (chiếm 46,53% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống). Tuy nhiên, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế vận hành. Để giải quyết vấn đề, tại buổi làm việc giữa các lãnh đạo cấp cao của EVN với TKV, Tổng công ty Đông Bắc vào ngày 9/5 vừa qua, EVN đề nghị TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký kết, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để bổ sung lượng than cấp cho sản xuất điện theo nhu cầu huy động của hệ thống các tháng sắp tới. Một trong số đó, EVN đề nghị TKV, Đông Bắc giảm than cấp cho các hộ phụ tải khác để tăng lượng than cấp cho sản xuất điện trong quý II; các hộ phụ tải khác sẽ được cấp than bù trong các tháng cuối năm. 

Tiếp đó, ngày 19/5, EVN đã có văn bản gửi Chủ đầu tư Dự án NMNĐ BOT Duyên Hải 2 là Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (JVL) và Tổng thầu EPC dự án là China Huadian Engineering về việc vay lô than 100.000 tấn của NMNĐ Duyên Hải 2. Số than này được EVN vay để sử dụng cho NMNĐ Duyên Hải 3 (thuộc Tổng công ty Phát điện 1) để sản xuất điện, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong tình hình cấp bách hiện nay.

NMNĐ Ô Môn 1 sử dụng nhiên liệu dầu để phát điện, đáp ứng yêu cầu cao của hệ thống điện. Ảnh: M.Lương

Đề nghị nhường khí cho sản xuất điện

Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW. Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi như thời gian qua, lượng nước về các hồ thủy điện và tình hình cung ứng nhiên liệu than/dầu/khí cho các nhà máy điện không được cải thiện, hệ thống thống điện sẽ rơi vào tình huống nguy cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Để có nguồn khí phục vụ sản xuất điện, ngày 16/5 mới đây, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đề xuất nhường khí cho sản xuất điện.

Thực tế, nguồn khí Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ trên 21 triệu m3/ngày. Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.

Trước tình hình cấp bách nêu trên, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6). Trong đó, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.

Video: EVN nỗ lực đảm bảo điện trong bối cảnh thuỷ điện "khát nước". Nguồn: Kênh Youtube Điện lực Việt Nam - EVNnews

Bổ sung nguồn điện

EVN đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sông Lô 7, NMTĐ Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống. Tại khu vực phía Nam, thời gian qua các nhà máy nhiệt điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí đắt đỏ) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và phát lên lưới sản lượng lớn.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất mức giá tạm thời tuân thủ theo quy định của Chính phủ. Theo văn bản của Bộ Công Thương ngày 18/5/2023, EVN và chủ đầu tư một số nhà máy điện chuyển tiếp như Nam Bình 1, Viên An, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Hiệp Thạch, Hướng Hiệp 1 thỏa thuận, thống nhất giá theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở để các dự án này kịp thời vận hành phát điện lên lưới điện.

Cùng với đó, EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ các công trình tăng cường năng lực truyền tải Bắc - Trung; các công trình đấu nối và giải toả nguồn thuỷ điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên; các công trình tăng thêm khả năng truyền tải, nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.

Các nhà máy thủy điện (NMTĐ) Lào gồm NMTĐ Nậm Kông 2 (66MW) và NMTĐ Nậm Kông 3 (54MW) - đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước đây - đã đóng điện hoà lưới thành công. Ngày 15/5/2023, cả 2 nhà máy đã hoàn thành hòa lưới điện và đang thực hiện các hạng mục thử nghiệm trên lưới điện Việt Nam. Dự kiến cả 2 nhà máy này sẽ vận hành thương mại trong tháng 5/2023, bổ sung nguồn điện cho Việt Nam trong mùa nắng nóng.

Bên cạnh đó, EVN cũng vừa có văn bản báo cáo Bộ Công Thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới (zero export) để triển khai thực hiện, giảm bớt khó khăn về cung cấp điện. Tại Quy hoạch điện VIII cũng nêu rõ: ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tăng thêm 2.600MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện

Khi nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các hộ gia đình dùng thiết bị làm mát nhiều, đặc biệt là thiết bị điều hòa, sẽ làm công suất sử dụng tăng đột biến nên có thể gây quá tải cục bộ tại khu vực đó. Hằng năm, Điện lực đều rà soát để cải tạo và nâng công suất trước mùa nắng nóng, tuy nhiên vẫn có thể có một số khu vực xảy ra hiện tượng này. Nếu xảy ra sự cố, Điện lực đều ưu tiên cao nhất để cung cấp điện trở lại, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý vận hành, san tải hệ thống, thay thế trạm biến áp công suất cao hơn để cung cấp điện ổn định.

Thực tế, để đảm bảo cung ứng, sử dụng điện hiệu quả, chỉ nỗ lực từ phía EVN là chưa đủ mà rất cần sự chung tay từ khách hàng sử dụng điện. EVN cũng đã lập phương án thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), đẩy mạnh thực hiện DR tự nguyện phi thương mại trong các tháng 5, 6, 7, 8 trên cơ sở phân bổ công suất khả dụng của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Các công ty Điện lực có kế hoạch cung cấp điện từng tháng, đặc biệt là trong các tháng 5, 6, 7, 8 và thông báo trước cho các khách hàng lớn biết để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất.

Tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện tới từng người dân. Ảnh: ĐVCC

Đến ngày 19/5, toàn Tổng công ty Điện lực miền Nam có 6.521 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm đã đăng ký tham gia chương trình DR. Còn với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tính tới giữa tháng 5, cũng đã có hơn 3.700 doanh nghiệp phía Bắc cam kết tiết kiệm điện. Các doanh nghiệp này đã ký thỏa thuận với Điện lực về thực hiện tiết kiệm điện trong các thời điểm cao điểm của hệ thống điện, điều chỉnh hợp lý điều hòa nhiệt độ, hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện có công suất cao lớn…

Trong bối cảnh tình hình cấp điện mùa nắng nóng còn rất khó khăn, vừa qua, EVN cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố kiến nghị chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện. Đồng thời, lãnh đạo EVN cho biết, toàn tập đoàn sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. 

  • 22/05/2023 03:03
  • Nguồn EVN