EVN là điển hình thành công trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Với tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt hơn 91,54% đến cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được ghi nhận là điển hình thành công trong triển khai, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Tại Hội thảo quốc gia thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số diễn ra ngày 4/12, tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích. Người dân, doanh nghiệp có thêm kênh giao dịch tiện ích, thuận lợi. Các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian,…

Vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử càng được thể hiện rõ trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 và phòng, chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm (thứ 2, từ phải sang) tham dự phiên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm của EVN trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Cũng tại hội thảo này, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dành nhiều đánh giá tích cực cho những nỗ lực của EVN trong thúc đẩy thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Cụ thể, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành tiêu chuẩn cơ sở về kỹ thuật QR Code, EVN đã nhanh chóng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật này và áp dụng trên hoá đơn tiền điện điện tử, giúp khách hàng dễ dàng sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt .

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng ghi nhận nỗ lực của EVN trong việc tham gia phát triển hệ sinh thái thanh toán số. EVN đã chia sẻ dữ liệu tiền điện và dữ liệu chấm xoá nợ với các ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian,…

Với hệ sinh thái thanh toán số, chỉ với 1 thiết bị có kết nối mạng, người tiêu dùng dễ dàng thao tác, thực hiện nhiều dịch vụ khác nhau mà không cần trực tiếp đến nơi giao dịch. Đồng thời, qua hệ sinh thái thanh toán số, lịch sử các giao dịch của khách hàng cũng được lưu trữ, bảo mật.

“Hiện nay, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 91,5%. Đây là con số rất ấn tượng. Thực tế, nếu ai đã sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện qua ngân hàng thì sẽ không còn muốn quay lại thu tiền điện bằng tiền mặt như trước đây”, ông Dũng chia sẻ.

EVN được coi là điển hình thành công về ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong hoạt động SXKD của các ngành kinh tế tại Việt Nam.

Từ năm 2019, Tập đoàn đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu về số khách hàng thanh toán tiền điện theo hình thức không dùng tiền mặt được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, những kết quả EVN đạt được là 1 lộ trình triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ của Tập đoàn, cùng với sự thay đổi quan trọng về cơ chế chính sách, hạ tầng thanh toán của Việt Nam theo định hướng nền kinh tế số.

Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về in, phát hành, sử dụng hóa đơn, trong đó cho phép sử dụng hình thức hóa đơn điện tử. Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BTC về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, năm 2012 EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm và đến năm 2015 là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành việc sử dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ 100% khách hàng trên quy mô toàn quốc. Qua đó, hiện đại hóa, thay đổi mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh của EVN và góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử và giao dịch điện tử giữa EVN và khách hàng.

Trong các năm  qua, EVN đã tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung. Tập đoàn thực hiện mở rộng kết nối, hợp tác thu tiền điện với tất cả các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Dịch vụ thanh toán tiền điện được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

EVN cũng đã triển khai cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tương đương cấp độ 4 và qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. “Hiện nay, yêu cầu về các dịch vụ điện chiếm tới 77% trong tổng số toàn bộ dịch vụ được các Bộ, ngành, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia” – ông Võ Quang Lâm cho hay.

Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, Tập đoàn đã nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo hướng số hóa toàn bộ các nghiệp vụ, kể cả công tác khảo sát ngoài hiện trường. Đồng thời, thiết lập hệ thống chăm sóc khách hàng đa kênh. Tập đoàn giao chỉ tiêu cụ thể từng năm cho các đơn vị, bộ phận trong việc vận động khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động khách hàng chuyển đổi từ hình thức thu tại nhà sang thu tiền điện tại điểm thu, qua ngân hàng, ví điện tử, các cổng thanh toán,…

Một số con số đáng chú ý về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt của EVN:

- Số thu tiền điện của Tập đoàn năm 2019 tương đương 1/4 tổng thu ngân sách nhà nước, trong khi gần như không còn thu ngân viên điện lực.

- Các Tổng công ty Điện lực thuộc EVN đã hợp tác với trên 30 Ngân hàng, 10 Tổ chức trung gian thanh toán và gần 10 nghìn tổ chức, cá nhân dịch vụ bán lẻ điện năng.

- Tỷ lệ thu của các Ngân hàng, Tổ chức trung gian thanh toán chiếm 74,44% về số hóa đơn và 93,68% về số tiền điện phải thu trong toàn EVN. 

 

Link gốc

  • 07/12/2020 01:16
  • Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam