EVN giải thích các vấn đề dư luận quan tâm đến ngành Điện thời gian gần đây

Chiều ngày 16/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối DNTW đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư tưởng và dư luận xã hội quý II/2019. Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối DNTW chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Trịnh Mai Phương - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông EVN đã thông tin tới Hội nghị 3 vấn đề “nóng” dư luận quan tâm đến ngành Điện trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối DNTW chủ trì Hội nghị.

Hệ thống điện gặp nhiều thách thức

Trước vấn đề đảm bảo cung cấp điện dài hạn phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ông Trịnh Mai Phương cho biết: Hiện nay hệ thống điện Quốc gia đang vận hành căng thẳng, ngày 21/6/2019, hệ thống điện đã đạt kỷ lục 38.000 MW cao hơn kỷ lục năm 2018 là 3.000 MW (cao hơn công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW), trong khi đó nhiều năm trở lại đây Việt Nam chưa thể khởi công dự án điện lớn nào.

Trong khi đó, từ năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 thời tiết đang rơi vào tình trạng khô hạn, thủy điện gặp khó khăn, nhiều hồ thủy điện đang cạn kiệt và dần về mực nước chết. Cùng với đó, nguồn than cho một số nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến cung cấp nguồn điện cho hệ thống.

“Trước kia hệ thống điện Quốc gia có dự phòng nên nếu một số nhà máy điện không đảm bảo vận hành thì hệ thống điện vẫn có thể bù đắp được nhưng hiện nay không có dự phòng, nên nếu nhà máy điện lớn nào không đảm bảo phát điện sẽ ảnh hưởng đến hệ thống điện Quốc gia, buộc phải tiết giảm phụ tải”, ông Trịnh Mai Phương cho biết.

Ông Trịnh Mai Phương - Trưởng ban Truyền thông EVN trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Ông Phương cho biết thêm: Đối với nguồn thủy điện hiện nay của Việt Nam đã khai thác gần như cạn kiệt, nguồn than cung cấp cho phát điện cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn điện mới gặp thách thức không nhỏ. Chính vì thế nhiều thời điểm hệ thống điện Quốc gia phải huy động nguồn nhiệt điện dầu với giá thành từ 3.000 - 5000 đồng/kWh. Theo tính toán, từ nay đến hết năm 2019, EVN phải huy động hơn 2 tỷ kWh điện chạy dầu.

Hiện nay, nhiều nhà máy điện có công suất lớn (ngoài EVN) trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đang chậm tiến độ nên chắc chắn việc cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia trong những năm tới sẽ còn nhiều thách thức.

Điện mặt trời phát triển ồ ạt, lưới điện quá tải

Trước sự quan tâm của dư luận về phát triển điện mặt trời, ông Trịnh Mai Phương cho biết: Trong lúc hệ thống điện Quốc gia gặp khó khăn về nguồn điện, việc thêm nguồn điện mặt trời vào là rất quý. Tính cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện Quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2

Trong khi nguồn công suất tại chỗ rất lớn thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Theo tính toán, sự phát triển nóng này đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí trong thời gian ngắn hơn. Có dự án cách đây 2 tháng là bãi đất trống, hiện đã đóng điện thành công. Trong khi đó, để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV mất khoảng 3 - 5 năm. Do đó, song song với nỗ lực tối đa của EVN, để triển khai nhanh nhất có thể các dự án giải tỏa công suất các nhà máy NLTT đang vận hành, EVN mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền các địa phương và các chủ đầu tư.

Tuy nhiên, nếu tình trạng quá tải kéo dài thì tất cả các bên đều bị thiệt hại. EVN/A0 cũng mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ NLTT, bởi giá điện NLTT dù có đắt (2.086 đồng/kWh), nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu (3.00 - 5.000 đồng/kWh).

“EVN xác định việc giải tỏa công suất các dự án NLTT là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, Tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện. Đồng thời, lãnh đạo EVN cũng đã làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đẩy nhanh công tác GPMB cho các dự án”, ông Phương nhấn mạnh. 

Hóa đơn tiền điện tăng cao do đâu?

Trong tháng 4 và tháng 5, dư luận xã hội phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao. Vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo trước Quốc hội và Bộ Công Thương, EVN giải thích thỏa đáng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính phủ đã yêu cầu thanh tra thực hiện giá điện, hiện nay đoàn thanh tra đang tiếp tục làm việc ở các đơn vị của EVN. Sau khi có kết quả, đoàn thanh tra sẽ công bố và EVN sẽ cung cấp thông tin tới người dân vấn đề này.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Trịnh Mai Phương cho biết: Vừa qua trên mạng lại tiếp tục có một số tài khoản phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao. Những trương hợp phản ánh, EVN đều yêu cầu kiểm tra ngay và lập biên bản làm việc. Qua giải thích những hộ gia đình đều hiểu cụ thể vì sao hóa đơn tiền điện tăng cao, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng kéo dài, thời gian này các cháu nhỏ nghỉ hè nên thời gian dùng điều hòa cũng nhiều hơn.

 Trước những giải thích cụ thể của đại diện EVN, các báo cáo viên, cộng tác viên của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối DNTW tham dự Hội nghị đều hiểu rõ và hết sức chia sẻ với những khó khăn của ngành Điện.

  • 17/07/2019 04:24
  • Theo trang tin nghành Điện