Dấu ấn nổi bật của Viettel trong năm 2021

Năm 2021, vượt qua những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội từ đại dịch Covid-19, Viettel đã hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD), là doanh nghiệp có kết quả hoạt động tốt nhất trong ngành, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Tổng doanh thu đạt 274 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%; lợi nhuận đạt 40,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,2%. Nộp ngân sách gần 32 nghìn tỷ đồng.

Viettel tiếp tục giữ vững vị trí nhà mạng số 1 Việt Nam, đứng đầu về giá trị thương hiệu, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh tại các thị trường nước ngoài có sự phát triển vượt bậc, lợi nhuận tăng trưởng 42%, các thị trường đều tăng thị phần, trong đó 5 thị trường giữ vị trí số 1. Mytel xuất sắc trở thành nhà mạng số 1 tại Myanmar. Viettel đã thoái vốn thành công tại Công ty Vĩnh Sơn, thu về gần 1.000 tỷ đồng. Kinh doanh bán lẻ tăng trưởng tốt, chuỗi siêu thị Viettel Store tăng trưởng gấp 3 lần bình quân thị trường.

1. Hoàn thành nghiên cứu, thiết kế và phát triển hệ sinh thái thiết bị mạng công nghệ 5G

Năm 2021, Tổng Công ty Công nghệ cao (VHT) đã triển khai thử nghiệm mạng 5G hoàn chỉnh gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng vô tuyến trên mạng lưới của Viettel, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái hạ tầng viễn thông 5G. Viettel trở thành nhà mạng duy nhất trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công mạng 5G, phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

2. Giữ vững ngôi vị số 1 về bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Hoa Kỳ

Năm 2021, Viettel có thêm 5 bằng sáng chế (BSC) mới được bảo hộ độc quyền (BHĐQ) tại Mỹ, nâng tổng số BSC được BHĐQ tại quốc gia này lên con số 9. Đặc biệt, nhiều tác giả của những sáng chế này thuộc thế hệ 9X. Số lượng BSC được cấp BHĐQ tại Mỹ của Viettel trong năm 2021 bằng số lượng của 4 năm trước cộng lại. Viettel giữ vững vị thế doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ liên tục từ năm 2017. BSC được BHĐQ tại Mỹ được coi là giấy thông hành và cũng là tấm khiên bảo vệ cho các doanh nghiệp khi muốn bước ra thế giới. Những sáng chế được Mỹ bảo hộ sẽ giúp Viettel tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, giúp các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư và cổ đông có cơ sở đánh giá trình độ chuyên môn và năng lực công nghệ của Viettel.

3. Các giải pháp nền tảng y tế được ứng dụng và hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19

Nền tảng tiêm chủng Covid-19 quốc gia đã có 31 triệu người tải App, quản lý 20.000 điểm tiêm chủng, hơn 88 triệu dữ liệu người dùng, 130 triệu mũi tiêm, giúp Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth có khả năng phủ 100% các trung tâm y tế quận, huyện, phục vụ khám chữa bệnh kịp thời cho các bệnh nhân Covid-19.

Viettel Solutions phối hợp cùng TCT Công trình Viettel thiết lập hàng nghìn điểm cầu truyền hình phục vụ công tác điều hành chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đến từng xã/phường. Triển khai tích hợp gần 10.000 camera giám sát tại hàng trăm điểm cách ly. Các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống Covid-19 đem lại niềm tin rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân khi Viettel tham gia giải quyết những bài toán lớn của đất nước.

4. Trợ lý ảo CyberBot được xếp hạng xuất sắc

Trợ lý ảo CyberBot do Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) phát triển được xếp hạng 5 sao duy nhất và được đánh giá là hệ thống xử lý giọng nói tiếng Việt tốt nhất hiện nay tại Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021. Với năng lực thực hiện đến 1 triệu cuộc gọi tự động/ngày, Cyberbot đã cung cấp tới 7 doanh nghiệp lớn và 17 UBND tỉnh/thành phố.

Trong năm 2021, Viettel là nhà mạng đầu tiên ứng dụng Cyberbot hỗ trợ phòng, chống Covid-19 qua tổng đài ảo. Trung bình mỗi ngày hệ thống đã thực hiện khoảng 1,4 triệu cuộc gọi để nhắc nhở người dân vùng dịch cài đặt ứng dụng Bluezone, nhắc lịch tiêm, hỏi thăm sức khỏe sau tiêm, nhắc bệnh nhân F0 uống thuốc đúng giờ…

5. Mô hình thành phố thông minh của Viettel được vinh danh là hiệu quả và sáng tạo nhất WCA 2021

Mô hình thành phố thông minh do TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS) phát triển được vinh danh là hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới tại Giải thưởng World Communication Awards - WCA 2021. Hiện tại, 30 tỉnh, thành phố đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel trong việc ứng dụng công nghệ xây dựng thành phố thông minh.

Mô hình của Viettel là giải pháp toàn diện với 14 trung tâm thành phần, có thể "may đo" theo nhu cầu, đặc điểm của từng tỉnh, thành phố, giúp tối ưu nguồn lực địa phương, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự hài lòng của người dân. Với chiến thắng tại WCA 2021, Viettel là doanh nghiệp Việt được xướng tên bên cạnh các ông lớn trong làng công nghệ và viễn thông thế giới như Orange, Swisscom, Airtel, Ericsson, PCCW Global…

6. Chiến thắng tại cuộc thi Pwn2Own 2021

Hai chuyên gia đến từ Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) là Phạm Văn Khánh và Đào Trọng Nghĩa đã giành chiến thắng tại cuộc thi tìm kiếm lỗ hổng phần mềm uy tín nhất thế giới Pwn2Own 2021 tổ chức tại Vancouver (Canada). Năm 2021 là năm thứ hai VCS có đội thi tham dự và đoạt giải tại Pwn2Own và đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt tại cuộc thi này. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khác của VCS tiếp tục được vinh danh trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới như Bug Crowd, Oracle, Microsoft…

7. Chính thức kinh doanh hệ sinh thái tài chính số Viettel Money

Ngày 1/12/2021, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) chính thức kinh doanh dịch vụ mobile money. Vượt trội so với các nhà mạng khác, Viettel đồng thời cho ra mắt hệ sinh thái tài chính số với 300 tiện ích phục vụ từ những dịch vụ cơ bản như chuyển tiền, mua bán cho đến các dịch vụ tài chính đặc thù như vay, gửi tiết kiệm, đầu tư số... Mọi khách hàng ở bất kỳ đâu và với mọi dòng điện thoại đều có thể sử dụng dịch vụ Viettel Money mà không cần tải ứng dụng hoặc kết nối Internet.

8. Các giải pháp chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản trị tại doanh nghiệp

Đến cuối năm 2021, 90% quy trình quản trị Viettel đã được số hóa thành công giúp nâng cao toàn diện năng lực quản trị. Áp dụng công nghệ robot tự động hóa (RPA - Robotic Process Automation) trong 6 quy trình kế toán giúp tiết kiệm 13.538 giờ làm việc/năm. Nền tảng dashboard điều hành SXKD giúp lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị giám sát kết quả SXKD theo thời gian thực.

TCT Mạng lưới Viettel triển khai 8 hệ thống tự động hóa công tác quản lý tài nguyên hạ tầng thông minh, tự động tối ưu mạng lưới trên phạm vi toàn cầu. Dự án Thông minh hóa Viettel - V.I Project với các giải pháp quản trị toàn diện nguồn lực doanh nghiệp, cũng đang được thúc đẩy triển khai trong Tập đoàn.

9. Hybrid Connect - hạ tầng số kết nối mọi đám mây duy nhất Việt Nam

Tại Việt Nam, Viettel IDC là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ hạ tầng kết nối đám mây “lai” với tên gọi Viettel Hybrid Connect, là một dịch vụ mới để gia tăng năng lực cũng như hoàn thiện hệ sinh thái IaaS (Infrastructure as a Service - IaaS). Dịch vụ cho phép kết nối các dịch vụ Cloud của Viettel IDC đến các nhà cung cấp Cloud khác hoặc dịch vụ Cloud của Viettel IDC và các trung tâm dữ liệu của khách hàng thành hạ tầng chung của khách hàng, hỗ trợ kết nối đa dạng trên các công nghệ truyền dẫn khác nhau.

10. TV360 và quảng cáo số bùng nổ

TV360 của Viettel đạt 28 triệu khách hàng sau 1 năm hoạt động. Với hàng trăm kênh truyền hình, hàng nghìn phim có bản quyền và khả năng đồng nhất trải nghiệm của người xem trên tất cả các nền tảng, TV360 đem lại nguồn thu ước tính 567 tỷ đồng. Dịch vụ quảng cáo trên nền tảng số tại Viettel Media trong năm 2021 đạt doanh thu đạt 320 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với 2020. Trong đó, hoạt động phát triển nội dung và tài nguyên số trên các kênh mạng xã hội đem lại doanh thu tăng trưởng đột phá, gấp gần 4 lần so với năm 2020.

11. Thu phí không dừng ePass phát triển nhanh, đạt 1 triệu khách hàng

Dịch vụ thu phí không dừng ePass đạt 1 triệu khách hàng sau 11 tháng vận hành,  tương đương con số nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên phát triển trong 5 năm. Kết quả này cũng đã nâng tỷ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động tại Việt Nam từ 25% lên gần 50%. Đây cũng là bước khởi đầu phát triển giao thông thông minh trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của Viettel. Dịch vụ này  đã góp phần quan trọng trong việc phổ cập dịch vụ thu phí không dừng, giúp giảm ùn tắc giao thông, đem đến những hiệu quả to lớn, thúc đẩy hệ thống công nghệ giao thông của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

12. TCT Bưu chính Viettel chuyển dịch mô hình phân phối đa dịch vụ của Viettel

Năm 2021, TCT Bưu chính Viettel (VTPost) chính thức trở thành kênh phân phối sản phẩm tập trung cho các đơn vị trong Tập đoàn. Việc thay đổi mô hình tổ chức theo định hướng mới giúp VTPost tối ưu nguồn lực sẵn có, nâng cao hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời phân rõ được trách nhiệm đối với kết quả từng kênh hướng đến khách hàng.

VVH

  • 11/02/2022 08:04
  • TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM