Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam họp trực tuyến rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2

Ngày 2/8, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải – Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc về công tác ứng phó với bão số 2 – tên quốc tế SINLAKU.

Các hồ thủy điện đang có dung tích phòng lũ lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc, 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo khi đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 2/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Thanh Hóa-Nghệ An.

Tại cuộc họp, ông Phạm Hồng Long – Trưởng Ban An toàn EVN cho biết: Chuẩn bị ứng phó với bão, Tập đoàn đã ban hành 2 Công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và tham dự các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Theo ông Long, hiện nay tổng dung tích phòng lũ so với mức nước dâng bình thường của các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ là 12,6 tỷ m3 (cụ thể hồ Sơn La: 6 tỷ m3, Lai Châu: 0,8 tỷ m3; Hoà Bình: 3,2 tỷ m3; Bản Chát: 0,8 tỷ m3; Tuyên Quang: 1,4 tỷ m3; Thác Bà: 1,7 tỷ m3); khu vực Bắc Trung Bộ là 1,36 tỷ m3. Tính đến 9h sáng nay mức nước hồ Hòa Bình là 100,7m, gần mức nước trước lũ là 0,3m; lưu lượng về hồ 3.500m3/s, trong đó 2.000m3/s từ Sơn La. Đối với các hồ chứa Sơn La, Lai Châu hiện nay chỉ cao hơn mực nước chết 1-2m.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chủ trì họp trực tuyến phòng chống bão số 2

 

Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải yêu cầu các công ty thủy điện cần tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả đặc biệt đối với các hồ chứa không còn hoặc dung tích phòng lũ thấp. Tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu. Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.

“Mặc dù đang có dung tích phòng lũ lớn nhưng các nhà máy không được phép chủ quan, lơ là mà cần nghiêm túc thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Đối với hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La, thẩm quyền đóng, xả cửa xả thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nên 2 nhà máy cần cung cấp số liệu thường xuyên, liên tục cho Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo điều hành kịp thời”, ông Ngô Sơn Hải nhấn mạnh.

Đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 2. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (địa chỉ web www.kttv.gov.vn) để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời. Cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp.

Triển khai, rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại đơn vị, địa phương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; đảm bảo cung cấp điện an toàn, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình điện lực. Chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai gây ra.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời và tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ.

Các Tổng công ty Điện lực tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, sớm khôi phục điện cho các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn. Phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới; Tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

“Hiện nay dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt khu vực miền Trung, vì vậy nếu có thiên tai xảy ra, tác động lớn đến lưới điện, các tổng công ty cần xây dựng phương án vừa đảm bảo khắc phục sự cố lưới điện nhanh nhất nhưng cũng phải đảm bảo an toàn phòng, tránh lây lan dịch bệnh ở khu vực cách ly”, ông Ngô Sơn Hải yêu cầu.

Phó Tổng giám đốc EVN cũng yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia theo dõi sát diễn biến của thiên tai, nhanh chóng chỉ huy khắc phục sự cố trên hệ thống điện, khai thác hiệu quả các nhà máy thuỷ điện.

Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ điều hành, cập nhật thường xuyên và đầy đủ diễn biến của thiên tai và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn trên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn.

Trung tâm Thông tin Điện lực thường xuyên cập nhật thông tin, đưa tin bài, hình ảnh về công tác chỉ đạo điều hành, công tác chuẩn bị phòng tránh, ứng phó và quá trình khắc phục hậu quả thiên tai. Các đơn vị cần cập nhật và cung cấp thông tin đầy đủ trước, trong và sau bão về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Tập đoàn, chủ động cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông để thấy được những cố gắng, nỗ lực của ngành trong khắc phục hậu quả mưa bão gây ra.

Link gốc

  • 03/08/2020 09:46
  • Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam