Thủy điện An Khê – Ka Nak: Hòa nhịp, chuyển mình trên hành trình chuyển đổi số

Hòa nhịp trên hành trình chuyển đổi số, Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak (AKKN) đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ ở các lĩnh vực hoạt động, tạo tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng doanh nghiệp số vào năm 2025.

Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak chuyển mình trên hành trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong vận hành sản xuất
Hiện nay, AKKN đã áp dụng linh hoạt các phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào vận hành, khai thác, giúp Công ty quản lý kỹ thuật một cách hiệu quả, khoa học như: Phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS); Phần mềm quản lý nhân lực (HRMS); Hệ thống quản lý thông tin lệnh điều độ giữa cấp điều độ có quyền điều khiển với nhà máy điện (DIM); Hệ thống DCS; Hệ thống SCADA; Hệ thống cảnh báo lũ từ xa bằng điện thoại. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác sản xuất và nâng cao độ tin cậy vận hành các tổ máy.

Trong đó, thông qua phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS), Công ty có thể khai thác các thông tin như đặc tính kỹ thuật, thông số vận hành của thiết bị, vật tư, thông tin về an toàn khi thực hiện thao tác trên thiết bị (gồm nhận diện các mối nguy, biện pháp đảm bảo an toàn, tài liệu đính kèm). Mặt khác có thể khai thác các thông tin về quá trình vận hành của thiết bị, tạo ra sự linh hoạt trong quản lý, khai thác cho nhân viên vận hành hay quản lý về truy xuất thông số vận hành của thiết bị trong quá khứ thay cho việc truy tìm trên bản ghi giấy; thực hiện nhật ký vận hành điện tử; quản lý phiếu thao tác, phiếu công tác; cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hồ chứa ...

 
AKKN áp dụng linh hoạt phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS)

Chuyển đổi số trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng
Nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện PMIS, AKKN đã xây dựng phương án “Sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM - Reliability Centered Maintenance)”. Việc lập hồ sơ bảo dưỡng, sửa chữa theo RCM giúp hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá, ra quyết định công việc, lập hồ sơ bảo dưỡng, sửa chữa một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian trong các năm tiếp theo.

Trong năm 2022, Công ty áp dụng phương pháp RCM trên các hạng mục là đại tu Tổ máy H1, duy tu bảo dưỡng Tổ máy H2 - Nhà máy Thủy điện Ka Nak; Trung tu Tổ máy H1, duy tu bảo dưỡng Tổ máy H2, Trạm phân phối - Nhà máy Thủy điện An Khê và các thiết bị liên quan khác. Kết quả, công tác sửa chữa lớn tại Nhà máy Thủy điện An Khê sớm hơn tiến độ 02 ngày, Nhà máy Thủy điện Ka Nak sớm hơn tiến độ 01 ngày. Kết thúc mỗi đợt sửa chữa, các Tổ máy và hệ thống thiết bị hoạt động tin cậy, ổn định, vận hành an toàn, các thông số kỹ thuật đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0).

Tự động hóa, chuyển đổi số trong công tác lệnh điều độ vận hành
Nhà máy Thủy điện An Khê – Ka Nak đã được trang bị và vận hành Hệ thống phần mềm quản lý lệnh điều độ điện tử (DIM). Hệ thống này được kết nối trực tiếp đến A0 để thao tác nhận và thực hiện lệnh điều độ hoàn toàn trên máy tính theo thời gian thực, thay thế cho lệnh điều độ bằng điện thoại hotline đến Trưởng ca như trước đây. Các dữ liệu về thời gian bắt đầu, thời gian nhận lệnh, thời gian thực hiện, công suất yêu cầu và công suất thực hiện được lưu trữ để làm cơ sở dữ liệu phục vụ tính toán, thanh toán trong thị trường điện. Việc đưa hệ thống DIM vào vận hành không những rút ngắn thời gian, công sức của các điều độ viên từ A0 đến các đơn vị phát điện mà còn giải quyết được bài toán khả thi về tăng độ mịn chu kỳ điều độ từ 60 phút xuống còn 30 phút áp dụng từ đầu năm 2022 tại các nhà máy điện về việc cập nhật thông tin tổ máy.

Đầu năm 2022, A0 đã nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý lệnh điều độ DIM với nhiều chức năng như: Form báo cáo thông tin thủy văn nhà máy điện khi có yêu cầu từ A0; Lệnh DIM AGC (Automatic Generation Control) từ A0. Khi nhận lệnh DIM AGC, Trưởng ca thực hiện nhận lệnh DIM và giám sát tổ máy đáp ứng theo giá trị công suất ra lệnh và “setpoint” gửi từ hệ thống AGC. Sau khi tổ máy đạt công suất ra lệnh, Trưởng ca hoàn thành lệnh DIM và kiểm tra đáp ứng công suất tổ máy… Qua đó hoàn toàn thay đổi cách ra lệnh điều độ truyền thống bằng lời nói qua điện thoại như trước, giảm thời gian ra lệnh, lịch sử lệnh điều độ được lưu đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu tự động hóa trong công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Chuyển đổi số thực sự đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty góp phần tiết kiệm nhân lực, thời gian, nâng cao năng suất lao động. Trong thời gian tới Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak sẽ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng và triển khai mạnh mẽ giải pháp số hóa vào vận hành sản xuất, đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhà máy Thủy điện An Khê và Nhà máy Ka Nak thuộc bậc thang trên cùng của hệ thống Thủy điện sông Ba có tổng công suất lắp đặt các nhà máy là 173 MW. Tính đến ngày 8/9/2022, Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak đã sản xuất được 577,092 triệu kWh điện, hoàn thành 100% kế hoạch năm do Tổng công ty Phát điện 2 giao, chính thức về đích trước 112 ngày. Dự kiến đến ngày 31/12/2022, Thủy điện An Khê – Ka Nak sẽ sản xuất hơn 722 triệu kWh, vượt 25% kế hoạch được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Thu Hoài – Ngọc Anh

  • 15/11/2022 08:08
  • Nguồn EVN.GENCO2