Sử dụng điện một cách hợp lý trong cao điểm nắng nóng

Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi một số vấn đề về việc sử dụng điện hợp lý.

 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngày 07/05/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025, trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện.
 
Thời gian này đang là thời gian cao điểm nắng nóng ở khu vực miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao, nguy cơ sự cố lưới điện do quá tải cục bộ gây mất điện luôn là vấn đề đáng lo ngại.
 
PV: Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu – tại Chỉ thị số 20 - để có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm hằng năm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn từ bây giờ đến năm 2025. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền liên tục, rộng rãi để nhân dân biết và thực hiện tiết kiệm điện. Xin được hỏi ông, EVN đã triển khai các nhiệm vụ này như thế nào? 
 
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã và đang vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối; Sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp (than, khí, dầu); Giảm tổn thất điện năng qua các năm; Tuyên truyền các giải pháp về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình, cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ. 
 
PV: Cụ thể, trước nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao trong thời gian cao điểm nắng nóng, (ngay trong tháng 5 vừa qua - mặc dù vẫn còn nhiều ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động bởi dịch covid-19 song đã có ngày sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc đã cao hơn cả ngày tiêu thụ điện lớn nhất của năm 2019 và cũng là mức cao kỷ lục từ trước đến nay). Vậy EVN đã có giải pháp gì để đảm bảo đủ điện cũng như đảm bảo việc vận hành an toàn hệ thống điện ?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Chúng tôi đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo đủ điện cho phát triển nền kinh tế và sinh hoạt của người dân. Ở đây tôi muốn đề cập tới giải pháp dễ thực hiện nhất đó là “sử dụng điện một cách hợp lý”. 
 
Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là nguồn năng lượng đầu tiên, ai cũng có thể làm được. Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị cũng đã xác định “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội”. Chỉ cần chúng ta thay đổi hành vi, thói quen trong sử dụng điện thôi đã có thể giúp tiết kiệm được từ 5 – 10% điện năng tiệu thụ, ví dụ: đặt điều hòa ở nhiệt độ 26 độ C thay vì 24, 25 độ C, vẫn đảm bảo thoải mái và có thể tiết kiệm điện. 
 
PV: Được biết nhu cầu điện thì tăng cao, nhưng hạn hán cũng đang hết sức căng thẳng tại nhiều hồ thủy điện. EVN xác định như thế nào về tầm quan trọng việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của các hộ tiêu dùng điện?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Về cơ cấu nhu cầu sử dụng điện của cả nước năm 2019 chúng ta có 25,5 triệu hộ gia đình đang tiêu thụ 68,5 tỷ kWh, chiếm 33% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc, sau công nghiệp- xây dựng (55%). Đáng chú ý là mức độ tăng trưởng bình quân/năm trên 10%. Như vậy, mức độ tiêu thụ điện của toàn bộ hộ gia đình Việt Nam chỉ đứng sau mức tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp – xây dựng. 
 
Sử dụng điện hợp lý trong sinh hoạt hết sức quan trọng, mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ cần sử dụng điện một cách hợp lý có thể tiết kiệm được từ 3 – 5% điện năng tiêu thụ/năm. Các hộ gia đình chỉ cần tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì bình quân, mỗi một năm chúng ta có thể tiết kiệm được 700 triệu kWh (tương ứng 1.300 tỷ đồng). 
 
Chúng ta hãy tiết kiệm bằng cách thay đổi hành vi sử dụng điện như: tắt điện khi ra khỏi phòng, đặt điều hòa ở chế độ 26 độ C, sử dụng điều hòa kết hợp với quạt, sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao, dán nhãn ngôi sao năng lượng, v.v... 
 
PV: Thưa ông, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025 cũng nhấn mạnh đến việc lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cũng như hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời. Được biết, Quyết định số 13 của TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời - có hiệu lực từ ngày 22/5/2020 - giá bán điện mặt trời mái nhà với giá hơn 8,38 UScent/kWh cũng được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhiều hộ gia đình cho rằng họ mong muốn lắp đặt hệ thống này nhưng sợ khó bán điện cho EVN. Ông có thể cho biết cụ thể về cơ chế này, liệu có khó khăn gì không ? 
 
Ông Trần Viết Nguyên: Cơ chế mới theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình đầu tư lắp đặt ĐMTAM nối lưới. Hộ gia đình lắp đặt hệ thống ĐMTAM, đấu nối vào lưới điện của EVN. Hộ gia đình có thể vừa sử dụng ngay lượng điện tạo ra từ hệ thống, vừa bán được lượng điện dư cho EVN, có thể tiết kiệm tới hơn 50% hóa đơn tiền điện. 
 
Việc hộ gia đình đầu tư, lắp đặt và đấu nối vào lưới điện EVN không gặp khó khăn gì, chúng tôi cũng đang nỗ lực tuyên truyền đến khách hàng lợi ích của việc lắp đặt điện mới áp mái để khách hàng đầu tư lắp đặt. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc lắp đặt công tơ, nối lưới hệ thống điện mặt trời mái nhà, ký hợp đồng mua bán điện và thanh toán tiền điện cho khách hàng. 
 
PV: Cụ thể thì khi đầu tư điện mặt trời áp mái/ ĐMT mái nhà thì nhà đầu tư sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
 
Ông Trần Viết Nguyên: Nhà đầu tư sẽ được hưởng những quyền lợi như: Tiết kiệm điện và giảm chi phí tiền điện hàng tháng do sử dụng điện mặt trời vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao; Tăng thu nhập nhờ bán điện cho EVN với mức gia hấp dẫn (8,35 US cent/kWh) cho thời hạn dài (20 năm); Được nhận các hỗ trợ từ các nhà lắp đặt, ngân hàng như: vay vốn ưu đãi, giảm chi phí đầu tư ban đầu, giảm chi phí mua thiết bị, bảo hiểm hiệu suất tấm pin, miễn phí bảo trì, bảo dưỡng 5 – 10 năm...Không tốn diện tích đất do lắp trên mái nhà/công trình xây dựng có sẵn; Chống nóng hiệu quả cho nhà/công trình; Giảm khí phát thải nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường...
 
Cách sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách/ cho khả năng tiết kiệm điện nhất mà vẫn mát.
 
Đặt nhiệt độ trên 26 - 28 độ C.
 
Đặt chế độ hẹn giờ tự tắt/khởi động điều hòa (timer).
 
Sử dụng chung phòng.
 
Sử dụng thêm quạt trần/quạt bàn, kết hợp với điều hòa để làm thoáng không khí, mát phòng.  
 
Hạn chế nấu ăn trong phòng có điều hòa.   
 
Hạn chế/tránh ánh nắng mặt trời qua cửa sổ, làm tăng nhiệt độ phòng.   
 
Giữ phòng kín (đóng kín các cửa sổ, cửa ra vào, cửa kính, hạn chế không khí lọt ra ngoài…). 
 
Bảo dưỡng (vệ sinh) định kỳ 6 tháng/lần (vệ sinh/thay lưới lọc bụi điều hòa, nạp gas, …).  
Chọn công suất điều hòa phù hợp với diện tích phòng (9.000BTU cho phòng 9 -14m2; 12.000BTU cho phòng 15 – 20m2; 18.000BTU cho phòng trên 21m2…
 
Sử dụng điều hòa biến tần, hoặc dán nhãn tiết kiệm năng lượng. 

 

Link gốc

  • 16/06/2020 08:48
  • Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam