Làm chủ công nghệ trong ngành năng lượng

Ngành năng lượng được xác định là một trong các lĩnh vực cần phát triển sớm. Tuy nhiên, để lựa chọn, cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ hệ thống chính sách, sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Cơ hội lớn

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) - cho biết: Giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngành năng lượng vẫn còn những hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực chậm được nâng cao; nội địa hóa công nghệ, thiết bị còn hạn chế…

1132-anh-bai-hy-thyng-phao-neo-cho-dy-an-yiyn-myt-tryi-quynh-nga

Hệ thống phao neo cho dự án điện mặt trời

Theo một số chuyên gia, thực trạng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió trung bình chỉ ở mức 30% đối với dự án ngoài khơi và khoảng 40% với dự án trong bờ. Như vậy, khoảng 60% cơ hội tại các dự án điện gió vẫn đang thuộc về nhà thầu nước ngoài. Tương tự, với điện mặt trời, nhà thầu trong nước hiện mới chỉ cung cấp được phần khung kết cấu (cọc và khung đỡ), còn lại các thiết bị khác đều nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đức Hoàng dẫn chứng: Nhà thầu cơ khí Việt Nam đang có cơ hội lớn trong việc góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Ví dụ, một trụ điện gió ngoài khơi có trọng lượng khoảng 250 tấn như một tòa nhà, trong đó có cơ khí, điện, thủy lực, hệ thống máy lạnh… rất cần sự tham gia của các đối tác để hoàn thiện. Đây là cơ hội để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia vào dự án.

Gần đây, Việt Nam cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Hà Lan, Đan Mạch đến khảo sát, phát triển dự án năng lượng tái tạo. Tại các cuộc làm việc, nhà đầu tư bày tỏ mong muốn về khả năng cung ứng thiết bị, cũng như dịch vụ khi họ phát triển dự án.

Nâng cao năng lực

Về mặt công nghệ, năng lượng được xác định là một trong các lĩnh vực cần tập trung phát triển từ sớm, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng của Bộ KH&CN, cũng như nhiều chính sách, chương trình khác từ trung ương tới địa phương.

"Tuy nhiên, để có thể lựa chọn, làm chủ, cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ/thiết bị trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách, cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp và nhà đầu tư" - ông Nguyễn Đức Hoàng nhận định.

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã hợp tác, phối hợp với cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa những vướng mắc trong thực tiễn, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ.

Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định, đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, cũng như nghiên cứu giải pháp KH&CN, nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải, tiêu thụ điện năng.

Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, để có thể tiệm cận và tiến tới làm chủ công nghệ, thậm chí đi trước về công nghệ.

Link gốc

  • 02/12/2020 08:49
  • Theo congthuong.vn