Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam

Chiều ngày 19 tháng 7 năm 2019, tại TP Cà Mau, Ban Chỉ đạo TW về PCTT tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam. Chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử. Tham dự Hội nghị có khoảng 350 đại biểu đến từ các Bộ ngành và địa phương.

 

Chủ trì Hội nghị 

Hội nghị công tác phòng, chống thiên tai khu vực Miền Nam, nhằm triển khai nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị PCTT toàn quốc vào ngày 20/6 vừa qua; Hội nghị nhằm đánh giá công tác PCTT trong Khu vực (một khu vực với khoảng trên 30 triệu dân; có trung tâm kinh tế, chính trị, thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất cả nước, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trái cây,..song cũng chịu nhiều rủi ro, thách thức mới cho công tác PCTT),  cách thức phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, kết quả đã đạt được cũng như những thách thức, tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm, thời gian qua nhất là đợt lũ 2018. Cập nhật tình hình dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới,..Từ đó rà soát, xây dựng kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài một cách hiệu quả hơn cho công tác PCTT, nhất là về tổ chức bộ máy, quy chế làm việc của Ban chỉ huy các cấp, trang thiết bị, nguồn lực, chính sách, lực lượng xung kích,…

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị.

Năm 2018, tại khu vực Nam Bộ xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, trong đó gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn nhất là lũ đồng bằng sông Cửu Long, bão số 9;123 trận mưa đá, dông, lốc, sét (chiếm 55% số trận cả nước), 441 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển (tổng số có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km) làm 10 người chết và mất tích (chiếm 4% cả nước), bị thương 13 người, 320 nhà bị sập đổ, 1.196 nhà bị hư hại, tốc mái, 16.391 nhà bị ngập nước; thiệt hại ước tính khoảng 117,9 tỷ đồng (chiếm 0,55% cả nước).

Tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán… đã gây ra tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn Cà Mau, thiên tai, đặc biệt là giông, lốc xoáy, triều cường đã gây sạt lở đất ven sông, ven biển, đã làm chết 7 người, sập, hư hỏng 1.655 căn nhà; ngập, sập trên 2.400 ha lúa và hoa màu..., tổng thiệt hại về tài sản, ước tính trên 57 tỉ đồng.

Toàn cảnh Hội nghị

Cũng tại Hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho 9 tập thể, 13 cá nhân thuộc khu vực Miền Nam đã có thành tích xuất sắc và đột xuất trong công tác chỉ đạo ứng phó, thông tin, truyền thông và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018.

Hội nghị đã nghe các báo cáo, các bài tham luận của Văn phòng thường trực, cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là ý kiến của các địa phương, những ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu,… trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cần tập trung triển khai 7 vấn đề trong thời gian:

Một là Triển khai nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ theo thông báo số 247/TB-VPCP ngày 16/7/2019;

Hai là Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, trên tinh thần không để bị động bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào;

Ba là Thông tin tuyên truyền, đặc biệt kĩ năng cho cộng đồng, đề nghị các đài truyền hình địa phương phát các clip cảnh báo, cách thức, kĩ năng phòng chống thiên tai cho nhân dân xem, tận dụng triệt để các phương tiện đã có ví dụ như facebook trên nền tảng internet và các hạ tầng khác.

Bốn là Tập trung vào chất lượng dự báo và theo dõi cảnh báo. Các tỉnh nên có sự liên kết, phối hợp trong dự báo, cảnh báo với nhau và chỉ đạo xuống các cấp.

Phối hợp vận hành giữa hồ chứa và hồ thủy điện và thường xuyên kiểm tra, vận hành tránh trường hợp lúc cần thì không sử dụng được.

Năm là Tập trung nâng cao năng lực cho cơ quan tham mưu. Nhân lực, trang thiết bị phải tập trung. Kiện toàn ban chỉ đạo các tỉnh, các cấp. Phát triển đội xung kích các xã trên đà đang xây dựng tốt.

Sáu là Nguồn lực trong phòng chống và tái thiết rất khó khăn. Cần tận dụng các nguồn lực đã có. Đồng bằng sông Cứu Long có nguồn lực lớn nhất cả nước, chiếm 30%. Sửa đổi luật về quỹ PCTT.

Bảy là Đề nghị các tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo của chính phủ về PCTT theo các văn bản đã ban hành.

Trên thế giới Facebook là một trong những mạng xã hội lớn nhất và được sử dụng như một công cụ vô cùng hữu hiệu trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tại Việt Nam, Facebook là kênh truyền thông hữu hiệu và có thể tiếp cận người dân một cách nhanh chóng. Nhằm tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giúp người dân nhanh chóng cập nhật thông tin về cảnh báo, dự báo, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, sáng cùng ngày Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Facebook tổ chức tập huấn kỹ thuật hướng dẫn kỹ năng ứng dụng Facebook trong truyền thông phòng chống thiên tai cho các cán bộ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN  thuộc 19 tỉnh khu vực Miền Nam.

Đại diện Faceook Bà Shanti Alexander, Quản lý Quan hệ cộng đồng khu vực Châu Á Thái Bình Dương 

Sau Hội nghị, sáng ngày 20/7 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức lễ phát động chiến dịch trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

  • 22/07/2019 01:21
  • Theo BCĐ TW về PCTT