Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Ngày 25/9, hơn 700 đại biểu gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên, đại diện Bộ, ngành, doanh nghiệp đã tham gia Hội thảo Khoa học quốc gia với chủ đề “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” do Vụ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Bộ Công Thương, Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Thái Nguyên, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đồng tổ chức tại 2 điểm cầu Hà Nội và Thái Nguyên.

Đề xuất các chính sách phát triển KHCN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật công nghiệp - ông Trần Hoàng Long cho biết, Hội thảo có chủ đề tương đối rộng, nhằm đưa ra các giải pháp về khoa học, kỹ thuật hay các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội để hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu này có thể là các mục tiêu chung toàn cầu, có thể cho một khu vực, một quốc gia, một địa phương, hay có thể cho một lĩnh vực, một ngành nghề, một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó…

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật công nghiệp - Ông Trần Hoàng Long

Cũng tại hội thảo ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, hội thảo là cơ hội để các đơn vị tham mưu, giúp việc Bộ trưởng trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ ngành Công Thương được lắng nghe, hiểu rõ hơn các kết quả nghiên cứu, các nội dung thảo luận, trao đổi học thuật, cũng như các đề xuất về các chính sách phát triển KHCN, kinh tế - xã hội từ các diễn giả để xây dựng những định hướng hoạt động KHCN trong thời gian tới được phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn. Đồng thời, hội thảo giúp các diễn giả, các nhà khoa học sẽ hiểu rõ hơn về các hoạt động KHCN ngành Công Thương thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới.

Ông Trần Việt Hòa cho biết thêm, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương thời gian qua đã có những bước điều chỉnh trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện. Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội chính là sự khẳng định về vai trò quan trọng của việc áp dụng, cách tiếp cận KHCN và đổi mới sáng tạo phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành Công Thương.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

Trong thời gian qua, hoạt động KHCN ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực. Tiêu biểu là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018. 

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ KHCN nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất đã được áp dụng. Nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, hoạt động KHCN ngành Công Thương còn gặp nhiều thách thức như năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp, tỷ lệ tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh của doanh nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, hệ sinh thái về KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thiếu kết nối và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa tổ chức KHCN – Trường học – Doanh nghiệp, thiếu kết nối giữa tư vấn phát triển sản xuất công nghiệp và tư vấn chuyển đổi số,…

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN, sáng tạo khởi nghiệp đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, TS. Phạm Thị Thu Hoài, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học kinh tế, Kỹ thuật Công nghiệp cũng cho biết, nhà trường luôn lấy mục tiêu phát triển bền vững là nền tảng, chất lượng, hiệu quả là mục tiêu hướng tới. Theo đó, giải pháp về phát triển KHCN và Hợp tác quốc tế luôn được nhà trường chú trọng đẩy mạnh và hiện đang triển khai mạnh mẽ…

Trong giai đoạn 2022-2025, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp khẳng định, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hợp lý để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức; Chú trọng công tác chuyển giao công nghệ, từng bước tìm cách đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế…

Các mục tiêu phát triển KHCN của ngành Công Thương

Báo cáo tại hội thảo, bà Kiều Nguyễn Việt Hà –Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, chủ trương và mục tiêu hướng tới của Việt Nam đó là đến năm 2030 sẽ trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy KHCN là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó vấn đề đổi mới sáng tạo chính là nền tảng quan trọng, quyết định đến năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà –Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

Đối với ngành Công Thương, trong chương trình tái cơ cấu ngành Công Thương đã đề ra mục tiêu là đóng góp đưa đất nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, trong nhóm 3 quốc gia đứng đầu trong khu vực ASEAN; xếp thứ 2 khu vực ASEAN và trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đồng thời duy trì đóng góp vào GDP với tỷ trọng xấp xỉ 60%, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, có tính tự chủ để thực hiện công nghiệp hóa dựa trên các ngành công nghiệp nền tảng. Chú trọng phát triển công nghiệp xanh, đẩy mạnh xanh hóa công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra, trong định hướng hoạt động KHCN, Bộ Công Thương nêu rõ, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương và thực hiện mục tiêu quốc gia. Doanh nghiệp là trung tâm của KHCN và đổi mới sáng tạo; Nhà nước thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; Tập trung nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện, thực thi chính sách phát triển ngành; Nghiên cứu làm chủ một số công nghệ lõi, nền tảng; Phát triển KHCN dựa vào xây dựng, phát huy tiềm lực của các tổ chức KHCN ngành Công Thương…

Theo đại diện Vụ KHCN, Bộ Công Thương đã xây dựng các giải pháp cần thực hiện, đó là: Đổi mới các chính sách, cụ thể là khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp đầu tư KHCN; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; Thúc đẩy xây dựng và triển khai các chương trình KHCN trọng điểm gắn phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên, yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; Phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Theo đó, các chương trình KHCN ưu tiên trong lĩnh vực như năng lượng, cơ khí chế tạo; Chương trình KHCN gắn với phát triển theo chuỗi các sản phẩm: Dệt may, da giày, điện tử, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ… Mặt khác, tập trung triển khai mô hình kết nối Viện-trường-doanh nghiệp trong triển khai nhiệm vụ, dự án KHCN, tập trung vào ứng dụng chuyển giao tại doanh nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bà Kiều Nguyễn Việt Hà cho rằng, cần có chính sách/chương trình phù hợp cho các nhóm đối tượng ở trình độ phát triển, năng lực hấp thụ công nghệ khác nhau. Cụ thể, với nhóm đối tượng không có năng lực công nghệ, cần xây dựng một phần năng lực trong doanh nghiệp, từ đó khởi phát quá trình học hỏi và phát triển. Hay đối với doanh nghiệp công nghệ, việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. 

Trong khi đó, với nhóm đối tượng có năng lực công nghệ tối thiểu, bà Hà cho rằng, cần tăng cường sự quan tâm và nhu cầu đầu tư cho KHCN, cung cấp phương thức tăng cường năng lực nội bộ và kết nối thông tin bên ngoài cho nhóm đối tượng này. Còn đối với nhóm đối tượng có năng lực công nghệ, nên tăng cường khả năng tiếp cận các mạng lưới tri thức và các đơn vị cung cấp tri thức.

Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, cần phải đổi mới các chính sách, cơ chế khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó là giải pháp xây dựng và triển khai các chương trình KHCN trọng điểm gắn phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; Phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Cụ thể, triển khai mô hình kết nối Viện – Trường – Doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ, dự án KHCN và tập trung vào ứng dụng chuyển giao tại doanh nghiệp.

  • 29/09/2021 09:36
  • Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương