EVN Tích cực ứng dụng CMCN4.0 vào sản xuất, kinh doanh, vận hành

Chính phủ đang đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, chia sẻ và kết nối thông tin giữa các cấp. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một thành phần kinh tế trọng điểm, cũng không nằm ngoài lộ trình này.

EVN đang tích cực ứng dụng lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh, vận hành hệ thống điện.

EVN đã ban hành quyết định 290/QĐ-EVN về việc “Phê duyệt  Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”. Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp (DN) số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0) cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

EVN đã giao Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) thực hiện đề án “Xây dựng doanh nghiệp số”. Để trở thành DN số, EVN phải trải qua quá trình chuyển đổi số trên các mặt: công nghệ, quy trình và con người.

Theo đó, về chuyển đổi công nghệ, EVN đã và đang thực hiện: nâng cấp, triển khai các các hệ thống giám sát điều khiển phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), vận hành hệ thống điện như các hệ thống: SCADA/EMS, SCADA/DMS. Tổ chức nghiên cứu, triển khai giải pháp tích hợp và xây dựng dữ liệu dùng chung để chia sẻ trong Tập đoàn; tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc chuyển đổi số của EVN: hệ thống mạng đường truyền, hệ thống máy chủ phục vụ triển khai các giải pháp số. Nghiên cứu triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống CNTT của Tập đoàn. Xây dựng và triển khai các giải pháp CNTT phục vụ hoạt động quản lý, quản trị trong toàn Tập đoàn.

Chuyển đổi quy trình là một quá trình thường xuyên liên tục được Tập đoàn chủ trì thực hiện nhằm tối ưu hóa các hoạt động SXKD và vận hành. EVNICT đã và đang số hóa các quy trình được Tập đoàn phê duyệt thông qua các ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực: quản lý kỹ thuật, kinh doanh dịch vụ khách hàng, quản trị DN, quản lý đầu tư xây dựng.

Về quá trình chuyển đổi công nghệ, chín đề án EVNICT được giao thực hiện và dự án “Xây dựng kiến trúc tổng thể DN phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của EVN” chính là các đề án, đề tài, dự án thành phần phục vụ cho lộ trình chuyển đổi số của EVN.

Đặc biệt, một số đề án, đề tài, dự thành phần EVNICT đang tổ chức thực hiện là nền tảng cơ sở cho việc chuyển đổi số: quy hoạch tập trung và chuyển dịch hạ tầng CNTT của EVN lên môi trường điện toán đám mây; xây dựng kiến trúc tổng thể DN phù hợp lộ trình chuyển đổi số của EVN; nghiên cứu triển khai giải pháp tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung.

EVN giao EVNICT chủ trì xây dựng xây dựng mô hình DN số trong lĩnh vực điện lực và lộ trình chuyển đổi số cho Tập đoàn với nội dung: nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp luận xây dựng mô hình DN số trong lĩnh vực điện lực và lộ trình chuyển đổi số cho EVN.

Xây dựng và phê duyệt đề cương, dự toán phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn thực hiện nhiệm vụ. Đánh giá, phê duyệt, tiếp nhận và tổ chức thực hiện kết quả tư vấn. Xác định dữ liệu là thành phần quan trọng trong chuyển đổi số, EVNICT đã nghiên cứu triển khai các giải pháp tổ chức dữ liệu dùng chung trong EVN.

EVNICT đang tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn đánh mã cho các đối tượng dùng chung trong Tập đoàn. Hoàn thành triển khai giải pháp báo cáo thông minh cho công tác kinh doanh, EVNICT đang tiếp tục mở rộng cho các phần mềm dùng chung khác.

EVN là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đồng thời là đơn vị duy nhất tính tới nay không phải là cơ quan cung cấp dịch vụ công, nhưng đã hoàn thành dịch vụ trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất; đặc biệt, là một trong những đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép được góp mặt trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngay từ giai đoạn đầu.

Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, với EVN, hành trình chuyển đổi số được bắt đầu rất sớm, cách đây khoảng 20 năm, với bước đột phá đầu tiên trong lĩnh vực văn phòng điện tử.

EVN đã nhanh chóng đưa các ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực chủ yếu. Trong bối cảnh hiện nay, Tập đoàn đã đặt ra yêu cầu, phải sử dụng công nghệ tốt nhất để việc ứng dụng trở nên đơn giản, thuận tiện, bất cứ người lao động ở vị trí công việc nào cũng có thể sử dụng phần mềm hiệu quả.

Sự vào cuộc của EVN là rất nhất quán và đánh giá CMCN 4.0 là nhiệm vụ quan trọng để EVN sớm trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Việt Nam áp dụng công nghệ CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD, do đó sức ép đối với EVNICT là rất lớn bởi công ty là đơn vị trụ cột, tiên phong, làm nền tảng trong việc cụ thể hóa các công việc liên quan CMCN 4.0

Thời gian qua, EVNICT và các đơn vị liên quan trong Tập đoàn đã rất quan tâm nguồn nhân lực CNTT cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các phần mềm dùng chung của EVN và các đơn vị trực thuộc EVN đã và đang do EVNICT xây dựng và phát triển, đến nay các phần mềm CMIS, VNHES, PMIS, HRMS, Đầu tư xây dựng, e.office,… đã hoạt động ổn định, hiệu quả, đem giải thưởng uy tín về cho EVN.

Điều đó khẳng định nguồn lực CNTT của EVN có đủ khả năng đảm đương các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao. EVN đã xây dựng chiến lược và định hướng phát triển CNTT giai đoạn 2020-2025 gắn liền các dự án/đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN4.0 vào hoạt động SXKD của EVN” bao gồm xây dựng kiến trúc CNTT, hạ tầng, an ninh mạng, kiến trúc ứng dụng, tích hợp ứng dụng,… các ứng dụng đều áp dụng công nghệ hiện đại sát nhu cầu của EVN. Đến nay, hầu hết các Đề án/dự án thuộc CMCN 4.0 đã được phê duyệt chủ trương thực hiện và đã chuyển sang giai đoạn triển khai.

Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, HĐTV EVN đã thông qua định hướng kế hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2019 - 2025.

Mục tiêu chung được Tập đoàn đặt ra là, đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN4.0, xây dựng và phát triển hệ thống CNTT của EVN hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều hành SXKD, quản trị DN, vận hành thị trường điện, điều hành/vận hành hệ thống điện.

Cũng đến năm 2025, hệ thống CNTT của EVN trở thành “hệ sinh thái số”, trong đó, nhất thiết phải thống nhất mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT phù hợp lộ trình chuyển đổi số của EVN.

Mục tiêu là rất lớn, nhưng rào cản cũng không ít. Nhận rõ được các yếu tố này, trong giai đoạn tới, EVN sẽ tập trung ứng dụng triệt để và hiệu quả công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big data), Blockchain, trục tích hợp dịch vụ ESB, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phân tích dữ liệu báo cáo thông minh (BI) và các tiêu chuẩn quốc tế... vào các lĩnh vực hoạt động.

Ứng dụng các mô hình và các giải pháp tổng thể cho việc chuyển đổi số của Tập đoàn; phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, thiết lập nền tảng hạ tầng internet vạn vật (IoT) dùng chung…

EVN sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung dựa trên các phần mềm lõi của Tập đoàn; hoàn thiện văn phòng điện tử, ứng dụng công nghệ đo đếm thông minh; phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, tạo ra nội lực đủ mạnh, thực hiện cuộc cách mạng số trong Tập đoàn.

Link gốc

  • 29/09/2020 09:01
  • Theo Nhân dân