Điện giúp thay đổi mô hình sản xuất

5 năm trở lại đây, xã Long Sơn nói riêng, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh nói chung đã thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, diện mạo của xã đặc biệt khó khăn đã thật sự thay da, đổi thịt.

Lưới điện 3 pha được kéo phủ kín các khu vực nuôi tôm.

Theo quy hoạch, nguồn vốn để phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là 121 tỷ đồng để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng: điện, đường, thủy lợi...

Hệ thống điện trung thế, hạ thế thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản Cánh đồng năng ở xã Long Sơn có quy mô 13,45 km đường dây trung thế; 21,66 km đường dây hạ thế; 10 trạm biến áp 3x50 kVA và nâng cấp các trạm biến áp 1 pha lên 3 pha với tổng dung lượng 2.700 kVA với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng được thi công hoàn thành vào tháng 12/2016.

Qua thời gian triển khai dự án nuôi thủy sản tại vùng quy hoạch này đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Nguyễn Văn Triều - Nông dân ấp La Bang, xã Long Sơn cho biết đây là vùng mặn nên chỉ sản xuất được 01 vụ lúa trong năm, nhưng từ khi triển khai thực hiện dự án Cánh đồng năng, nhất là lưới điện được nâng cấp lên 3 pha, nên người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi tôm. Khi có điện lưới quốc gia, tiết kiệm được trên 30% chi phí so với sử dụng dầu Diesel, hiệu quả tăng khá rõ rệt, vụ tôm nuôi vừa qua, gia đình ông lãi gần 500 triệu đồng.
 
Ngoài nghề truyền thống trồng lúa và cây màu, nuôi trồng thủy sản là một trong những nghề kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống điện, thủy lợi đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản là rất cần thiết, góp phần tăng thu nhập nâng cao cuộc sống của người dân, đồng thời tạo được bước đột phá trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng Ban Nhân dân ấp La Bang cho biết thêm: Đây là vùng đất gò cao, lâu nay sản xuất kém hiệu quả. Sản xuất truyền thống, đất đai phân tán nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng thấp, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân còn nhiều khó khăn, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Để thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế thủy sản, vùng nuôi tôm công nghiệp được xem là một điểm nhấn và  nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Toàn ấp có khoảng 336 hộ dân, trong đó có hơn 260 hộ nuôi tôm, diện tích canh tác trên 210 ha. Trước đây chưa có điện người dân sử dụng dầu chạy moter và hầu hết nuôi tôm theo mô hình thả lan, khi công trình điện này đưa vào sử dụng tháng 12/2016, các hộ dân chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, vụ vừa qua có 01 hộ lãi cả tỷ đồng, từ 200 đến 500 triệu đồng có 10 hộ, 50 đến 100 triệu đồng rất nhiều hộ.

Quy hoạch và đầu tư hệ thống điện, đường và thủy lợi phục vụ sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá cho con tôm và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó Cánh đồng năng thuộc xã Long Sơn là một trong những điểm sáng về nuôi tôm công nghiệp của huyện Cầu Ngang. Và khi các chính sách của Đảng, Nhà nước đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin của ngừơi dân vào đường lối, chủ trương của Đảng. Người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp.

  • 19/04/2017 08:19
  • http://icon.com.vn