Đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa thủy điện trước diễn biến phức tạp của bão số 4

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại cuộc họp nhanh công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4 đang ở biển Đông. Cuộc họp diễn ra sáng ngày 18/8, tại Hà Nội.

 
 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp.
 
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2020 và có tên quốc tế là Higos.
 
Hồi 7 giờ sáng nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
 
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 19/8, tâm bão trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Đến 7 giờ ngày 20/8, tâm bão trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
 
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Dù không đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta nhưng dự báo hoàn lưu bão số 4 có thể gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ từ 20-23/8.
 

Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương phát biểu tại cuộc họp.
 
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho biết: Để chủ động ứng phó với bão số 4, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, các nhà máy thủy điện xây dựng các kịch bản nhằm ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa nếu mưa bão ảnh hưởng đến nước ta. Đồng thời chỉ đạo các nhà máy thủy điện nghiêm túc vận hành đúng quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hạ du. 
 
Hiện các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà dưới mực nước cho phép từ 0,78m - 6,64m (Sơn La: 0,78m, Hòa Bình: 6,64m, Tuyên Quang: 2,51m, Thác Bà: 3,50m); tổng dung tích còn lại đến mực nước đón lũ là 2,1 tỷ m3, đến mực nước dâng bình thường là 10,1 tỷ m3.
 
Khu vực Bắc Bộ có 51 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn; khu vực Bắc Trung Bộ có 03 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn; khu vực Tây Nguyên có 13 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn; khu vực Đông Nam Bộ có 01 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn.
 
Phó Tổng giám đốc EVN kiến nghị, hiện là thời điểm chuyển quy trình vận hành hồ chứa thủy điện từ thời kỳ lũ chính vụ sang thời kỳ lũ kết thúc sớm (sau ngày 21/8). Xuất phát từ kinh nghiệm vận hành cũng như thực tiễn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai xem xét hết sức linh hoạt và chi tiết, để cho phép hồ Sơn La vận hành trữ nước ở cao trình trên 197,3m trong thời kỳ lũ chính vụ. Bởi hồ Sơn La là công trình có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa phát điện, vừa phục vụ tưới tiêu vào mùa khô ở các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc bộ.
 
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hiện nay đang là mùa lũ chính vụ và sau lũ chính vụ là lũ muộn. Chính vì vậy đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ; thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm trên biển để tàu thuyền, phương tiện vận tải không đi vào và chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; theo dõi, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Bộ Công Thương, EVN chỉ đạo đảm bảo an toàn đối với vận hành các hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện. Đồng thời tranh thủ đảm bảo tích được nhiều nước nhất có thể để phục vụ cho phát điện, sản xuất. Đây là bài toán rất lớn, Bộ NN&PTNT sẽ họp với các cơ quan chức năng để tính toán, đảm bảo tối ưu hồ chứa.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
 
Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

  • 19/08/2020 08:09
  • Theo trang tin nghành Điện