Chi khủng cho điện gió trên biển

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, năng lực sản xuất của điện gió trên biển có thể tăng 15 lần vào năm 2040, giúp khử carbon cho cả nền kinh tế thế giới.

 
Một công trình điện gió ngoài khơi Scotland.
 
Với chi phí sản xuất hiện giảm và những tiến bộ công nghệ đang gia tăng sức mạnh cho những turbine phát điện, tiềm năng điện gió ngày càng được chú ý và trở thành trụ cột của chương trình chuyển đổi năng lượng sạch. Thị trường điện gió đã tăng gần 30% mỗi năm, từ năm 2010 đến 2018. Trong 5 năm tới, 150 trang trại điện gió mới sẽ được hình thành.
 
IEA cho biết, châu Âu tiên phong của lĩnh vực này (trang trại điện gió đầu tiên được khánh thành ở Đan Mạch vào năm 1991; Đức và Anh hiện là những nhà sản xuất điện gió hàng đầu thế giới). Tại EU, các công viên điện gió hiện cung cấp công suất gần 20GW, dự kiến sẽ tăng lên 130GW vào năm 2040 và dự kiến đạt tới 180GW. Khi đó, điện gió ngoài khơi sẽ trở thành nguồn điện chính cho cựu lục địa.
 
Scotland đang khuyến khích các công ty xây dựng thế hệ trang trại gió ngoài khơi mới trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh hoàn toàn của nước này. Cơ hội đầu tư trị giá 9 tỷ EUR mang tên ScotWind, là một phần trong kế hoạch phục hồi của nước này sau đại dịch Covid-19, khiến GDP Scotland giảm 33%.
 
Dự án ScotWind là lần đầu tiên vùng biển Scotland sẽ được cho thuê để xây các trang trại gió ngoài khơi trong khoảng 10 năm. Nếu tất cả diễn ra theo kế hoạch, các trang trại gió có thể cung cấp năng lượng cho mọi hộ gia đình Scotland.
 
Chính phủ Scotland đặt mục tiêu trở thành quốc gia không khí thải CO2 vào năm 2045 và dự án ScotWind sẽ là công cụ để đạt được mục tiêu này. Ước tính, các trang trại gió ngoài biển có thể giảm hơn 6 triệu tấn CO2/năm.

  • 18/06/2020 09:02
  • Theo: SGGP