Cần nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền an toàn điện

Mặc dù công tác tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân được ngành điện hết sức quan tâm với nhiều biện pháp tích cực nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Điều này khiến chúng ta không khỏi phải suy ngẫm, cần làm gì để hoạt động này được đổi mới, mang lại thay đổi trong suy nghĩ, ý thức của người sử dụng điện?

Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm an toàn do thiếu kiến thức về an toàn điện (ảnh minh họa)

Ngành điện được xem là một ngành nghề nguy hiểm, đặc biệt lưới điện cao thế với nhiều mối lo thường trực. Nhưng cũng chính vì tiếp xúc hằng ngày, mỗi nhân viên đều phải nắm vững quy trình an toàn điện và được trang bị công cụ, dụng cụ… nhằm đảm bảo an toàn lao động và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Cùng với đó, mỗi người đều tự ý thức, đặt an toàn lên trên hết, bởi hơn ai hết họ biết rằng điều đó đem lại niềm vui và sự bình yên cho chính bản thân cũng như gia đình của mình.
 
Ngoài đảm bảo điều kiện làm việc của CBCNV, an toàn điện trong nhân dân cũng là một trách nhiệm nặng nề của ngành điện. Lưới điện đã phủ rộng, sống chung với điện tiềm ẩn nhiều nguyên nhân gây cháy nổ, thậm chí là nguy hiểm tính mạng con người. Mật độ lưới điện càng dày thì xác suất tai nạn càng cao. Vì vậy, ngành điện luôn quan tâm tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng tránh khác nhau bằng các hoạt động như: Thường xuyên thông báo trên báo, đài phát thanh - truyền hình, đài Truyền thanh các huyện, thành phố, phát tờ rơi, qua hội nghị khách hàng hằng năm hoặc qua gắn kết các dịch vụ giao tiếp khách hàng, đến từng cụm dân cư... Hay ngay cả hợp đồng mua bán điện cũng nhấn mạnh những hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện cũng như cảnh báo những vấn đề an toàn khi sử dụng điện.
 
Với những nỗ lực đó, có thể thấy ngành điện luôn ý thức rất cao về trách nhiệm trong công tác này. Tuy nhiên, liệu rằng nó có mang lại hiệu quả như mong đợi hay còn bỏ sót đối tượng nào nữa không? Bởi thực tế, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp cảnh người dân sửa nhà dựng dàn giáo vi phạm hành lang lưới điện cao thế. Thậm chí có người còn dùng sào để chống đường dây cao thế ra xa dàn giáo. Rồi không ít những vụ tai nạn điện từ các vụ lắp đặt bảng quảng cáo, đèn đường bị phóng điện... Những điều đó xuất phát từ việc người dân vẫn chưa có hiểu biết đúng mức, đặc biệt là an toàn điện với lưới điện cao thế. Nhìn lại những gì đã làm, phải chăng cần thay đổi trong công tác tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân?
 
Quả thật ngành điện đã làm rất nhiều trong công tác đảm bảo an toàn điện trong nhân dân, nhưng nhiều phương pháp thực hiện đến nay đã không còn phù hợp. Chẳng hạn như biện pháp phát tờ rơi, rất khó để nội dung tuyên truyền thực sự đến được với người dân, vì nhiều người có nhận được tờ rơi nhưng cũng không đọc, không tiếp cận, tìm hiểu thông tin. Trong khi đó, những bản tin tuyên truyền điện hơi cứng nhắc, khô khan trên sóng phát thanh khó để truyền tải được thông điệp cho người nghe. Chúng ta có những hình ảnh sinh động về tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân, tuy nhiên số lượng chưa nhiều bởi chi phí in ấn quá lớn.
 
Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta có rất nhiều cách để gửi thông tin đến từng người dân về an toàn điện. Mạng xã hội là công cụ dễ dàng nhất để nhiều người tiếp cận. Nhưng làm thế nào để  thu hút được người dân xem và nắm thông tin? Nhìn vào những vụ tai nạn giao thông gần đây, các video clip về các vụ việc này luôn có vài triệu đến chục triệu lược xem và chia sẻ. Họ xem nó để biết, rút ra kinh nghiệm cho bản thân khi tham gia giao thông. Nên chăng chúng ta có thể áp dụng điều này bằng cách chọn lọc video, hình ảnh về tai nạn điện để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội và lồng ghép thông điệp muốn gửi đến người dân.

Bên cạnh đó, các chi phí từ việc in ấn và phát tờ rơi trước đây có thể dùng cho các công cụ quảng cáo của Facebook, Google... nhằm phổ biến rộng hơn nội dung cần truyền tải trên mạng xã hội về an toàn điện trong nhân dân. Bên cạnh việc tuyên truyền về an toàn điện cũng cần tập trung vào việc đổi mới nội dung để người dân nắm được những kiến thức cơ bản về lưới điện cao thế nhằm nhận biết, phòng ngừa tai nạn nhanh chóng và hiệu quả nhất.
 
Trên đây là một vài quan điểm cá nhân về việc thay đổi phương thức tuyên truyền về an toàn điện, mong rằng trong thời gian đến, chúng ta sẽ có phương thức cải tiến công tác an toàn điện để không còn tai nạn điện nào đáng tiếc xảy ra.

 


 

  • 30/01/2019 09:23
  • Theo: EVNCPC