Bình Phước: Nhiều gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã bắt đầu lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời trong sinh hoạt gia đình. 
 

 Thi công lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà ở thị xã Bình Long - Ảnh: Thanh Mảng
 
Có một dãy phòng trọ cho thuê nên mỗi tháng, hoá đơn tiền điện luôn là con số chi phí không nhỏ đối với anh Lê Văn Thuận, ở ấp 3, xã Tiến Thành, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Do đó, sau khi tìm hiểu, anh Thuận quyết định lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để vừa sử dụng cho sinh hoạt gia đình vừa có nguồn điện ổn định cho dãy trọ. Vào những ngày nắng, điện năng thu được từ hệ thống đều vượt mức sử dụng của gia đình.
 
Anh Lê Văn Thuận, xã Tiến Thành chia sẻ, trước mắt tôi lắp năng lượng mặt trời để phục vụ cho phòng trọ, thứ 2 là có bán ra cho điện lực để thu về hàng tháng cho gia đình.
    
Theo các hộ dân, sau khi lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, họ hoàn toàn có thể giám sát được mức điện thu vào từ hệ thống cũng như mức điện sử dụng hàng ngày của gia đình vào bất kì lúc nào chỉ bằng một chiếc điện thoại di động thông minh. Thế nên, dù chi phí lắp đặt ban đầu khá cao nhưng xét về mặt lợi ích lâu dài, nhiều người dân bắt đầu tin tưởng và lựa chọn nguồn năng lượng sạch này.
 
Chị Đào Thị Thu Hà, phường Tân Đồng, cho biết, thứ nhất nó là nguồn năng lượng sạch, thứ 2 là giảm chi phí cho người tiêu dùng, thứ 3 nữa là mình bán cho điện lực thì họ trả lại phần chi phí đấy thì mình đầu tư vào thì mình phải thu lại sau.
 
Để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời dùng trong sinh hoạt hộ gia đình, trung bình một hộ dân phải mất khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này có thể hoàn lại trong vòng 5, 6 năm nhờ tiết kiệm được chi phí điện hàng tháng và bán lại điện năng dư cho điện lực. Theo đó, điện lực sẽ lắp đặt cho khách hàng công tơ điện 2 chiều để khách hàng có thể sử dụng điện của lưới điện quốc gia và bán lại điện khi cần thiết.
 
Theo anh Nguyễn Minh Sang, nhân viên Công ty Điện lực Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, khi sử dụng điện của ngành điện thì công tơ sẽ hiển thị số chiều giao tức là của ngành điện bán điện cho khách hàng mua điện và sử dụng chiều nhận tức là điện năng lượng mặt trời phát ra lưới điện phần dư thì công tơ 2 chiều sẽ ghi vào biểu giá của chiều nhận” + “Điện lực hàng tháng có ghi nhận lại chiều nhận để mà thanh toán tiền lại cho khách hàng với số lượng điện người ta phát dư ra lên lưới điện với số tiền theo quy định”.
    
Hiện toàn tỉnh Bình Phước có trên 100 khách hàng đang sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Con số này dù đang tăng qua các năm nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của tỉnh. Do đó, ngành điện cho biết sẽ hết sức hỗ trợ và tạo điều kiện về công tác lắp đặt để người dân tiếp cận với nguồn năng lượng sạch này trong thời gian tới.
 
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, Bình Phước đang tích cực phát triển dự án điện mặt trời Lộc Ninh với quy mô 800MW. Để phục vụ dự án, từ cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn (Lộc Ninh), Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện vào hệ thống lưới điện quốc gia có tổng chiều dài đường dây 30km và tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đặt vấn đề với Sở Công Thương về việc đầu tư phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà các bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh để phục vụ kinh doanh.

  • 27/08/2019 09:37
  • Theo: ANTV