Hội thảo APEC về đối tác công - tư cho phát triển năng lượng mặt trời

Trong 2 ngày 1 – 2/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức “Hội thảo APEC về đối tác công - tư cho phát triển năng lượng mặt trời”.

 
 

Nhiều chuyên gia cho rằng, PPP là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng hạ tầng cho phát triển năng lượng mặt trời.

Hội thảo là cơ hội cho đại diện các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng cường hiểu biết về áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển năng lượng mặt trời.
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ, hiện nay, nhu cầu về sử dụng năng lượng đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và kinh doanh cũng như của các hộ gia đình. Trong khi nhu cầu tiêu dùng năng lượng của nhân loại là vô hạn thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên lại hữu hạn và khả năng tái sinh của chúng đòi hỏi thời gian rất dài, có khi lên tới hàng triệu năm. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường khai thác, tận dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời là nguồn thay thế tiềm năng, sẽ góp phần bổ sung nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng cho sự vận hành của nền kinh tế, duy trì sự ổn định, tạo nền tảng cho tăng trưởng tại các nền kinh tế thành viên APEC.
 
Mục tiêu kỳ vọng của APEC trong lĩnh vực năng lượng là hướng tới: tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hỗn họp năng lượng trong APEC, kể cả trong sản xuất điện vào năm 2030; giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong APEC so với năm 2005 vào năm 2035.
 
Theo đó, những năm gần đây, APEC đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác sôi nổi, thiết thực và hiệu quả nhằm thúc đẩy các cơ chế đầu tư thông thoáng, minh bạch, từ đó thu hút nguồn lực sẵn có từ khu vực tư nhân cho phát triển năng lượng mặt trời.
 
Theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), công suất thủy điện năm 2016 lớn hơn gần 3,5 lần so với năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc mở rộng khai thác trong tương lai bị hạn chế do những giới hạn về diện tích đất và yêu cầu địa hình. Ngược lại, khả năng mở rộng, giảm giá thành pin mặt trời và nhiệt mặt trời sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh trong tương lai. Ít nhất, 2/3 nền kinh tế APEC có hơn 2.000 giờ nắng mỗi năm. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú này có thể được khai thác thông qua lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà.
 
Tuy nhiên, tại các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam, năng lượng mặt trời lại là lĩnh vực tương đối mới và chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng cung năng lượng của nền kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do đa số nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngoài hạn chế về nguồn tài chính đều có chung đặc điểm là hạn chế về vốn, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, khoa học quản lý cũng như công nghệ tụt hậu... Thực tế này đặt ra nhiều thách thức cho các thành viên APEC đang phát triển quy hoạch năng lượng mặt trời.
 
Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, hình thức đầu tư PPP đang là một xu thế tất yếu. PPP được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng hạ tầng cho phát triển năng lượng mặt trời thông qua khai thác, tận dụng nguồn lực xã hội hóa và sự hợp tác của nhà nước. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, giúp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước.
 
Bà Mai cho biết, với ý nghĩa đó, hội thảo này là đóng góp của Chính phủ Việt Nam vào nỗ lực chung của khu vực APEC hướng tới phát huy hơn nữa lợi thế và tiềm năng trong việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong phát triển năng lượng mặt trời. Với sự tham gia của các học giả, nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội trong cũng như ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo sẽ thảo luận và đưa ra những sáng kiến, khuyến nghị nhằm tối đa hóa hiệu quả trong hợp tác chính sách thông qua xác định các rào cản đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo.
 
“Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC gồm Nhóm chuyên gia APEC về công nghệ năng lượng mới và tái tạo (EGNRET) cùng Nhóm công tác APEC về năng lượng (EWG) nhằm sớm biến định hướng, chính sách thành hiện thực”, bà Mai nói.

  • 05/08/2019 09:26
  • Theo: Năng lượng Sạch VN