Tìm hướng đi mới cho năng lượng hạt nhân

Khoảng 6.500 chuyên gia, kỹ sư năng lượng hạt nhân, các chuyên gia tài chính, các nhà bảo vệ môi trường... từ 25 quốc gia đã có mặt ở Moscow, Nga cuối tháng 6 vừa qua để bàn về hướng đi mới cho năng lượng hạt nhân.

Tập đoàn năng lượng nguyên tử ROSATOM bắt đầu chào bán các dự án thủy điện mini và phong điện nhằm "xanh" hóa các dự án mà tập đoàn cung cấp. Ảnh:TL
 
Đầu tư điện hạt nhân đang chậm lại
 
Kirill Komarov, Phó tổng giám đốc phát triển và kinh doanh quốc tế của ROSATOM, tập đoàn năng lượng của Nga hiện đang tham gia vào 64 dự án điện hạt nhân tại 30 quốc gia thừa nhận tại Diễn đàn Năng lượng quốc tế về điện hạt nhân lần thứ 9 tại Moscow rằng đầu tư vào điện hạt nhân đang chậm lại tại nhiều nước.
 
Tuy nhiên, ông Komarov cho rằng không phải vì thế mà năng lượng hạt nhân không tiếp tục phát triển. Bằng chứng là nguồn năng lượng này hiện chiếm 18,5% tại Nga, khoảng 10% ở châu Âu (tính đến hết năm 2016) và được dự báo sẽ chiếm hơn 10% tổng nguồn cung năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030.
 
Sự phát triển một cách rất chậm của nguồn cung năng lượng này xuất phát từ nhiều yếu tố, ví dụ như tổng vốn đầu tư cho mỗi dự án rất lớn, lên đến vài tỉ đô la/dự án, cần hơn 10 năm là nhanh nhất có thể từ khi lập dự án cho đến khi chính thức bắt đầu đầu tư xây dựng và cần 25-40 năm mới hoàn vốn. Nhưng dường như những khó khăn vẫn luôn được xếp sau sự quan tâm về mức độ an toàn cho các dự án, nhất là sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản cách đây 2 năm.
 
Điện hạt nhân - năng lượng xanh là chủ đề mà các quốc gia phát triển điện hạt nhân, các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực hạt nhân buộc phải lựa chọn, nhưng điện hạt nhân sẽ “xanh” theo cách nào là câu hỏi mà hàng triệu người trên thế giới quan tâm đặt ra.
 
Phát biểu tại cuộc hội thảo bàn tròn có chủ đề “An toàn cho điện hạt nhân” trong khuôn khổ diễn đàn nói trên, Vladimir Glachev, Ủy viên Hội đồng môi trường tối cao thuộc Ủy ban Duma quốc gia về tài nguyên, môi trường và sinh thái nói, điều quan trọng nhất hiện nay mà khoa học hạt nhân hướng đến là thay đổi thành phần chất thải hạt nhân, xử lý chất thải hạt nhân - vốn là điều mà các quốc gia e ngại nhất khi đầu tư vào các dự án này. Công nghệ hiện nay mà ROSATOM và nhiều nhà cung cấp khác đang tập trung đầu tư là các lò phản ứng hạt nhân cho phép giải quyết nhanh chất thải phóng xạ, chuyển từ xử lý tập trung sang xử lý phân tán để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Các chu trình xử lý chất thải hiện nay đã và đang dần đa dạng hơn, khép kín hơn để giảm thiểu và xử lý kín nhất.
 
Năng lượng hạt nhân đã phải đổi mới không ngừng, chịu những thách thức tự thân không ngừng để tiếp tục duy trì sự tồn tại và phát triển an toàn trong tồng sơ đồ điện năng của thế giới - nơi mà các loại hình điện năng khác nhau đều cạnh tranh rất dữ dội để tồn tại.
 
Tại Việt Nam, sau hai dự án điện hạt nhân tạm ngừng xây dựng theo quyết định của Quốc hội cuối năm 2016, Chính phủ Nga và Việt Nam mới đây đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân. Trung tâm này sẽ hướng đến việc thúc đẩy ứng dụng rộng rãi kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, y tế, nông nghiệp và các lĩnh vực dân sinh quan trọng khác. Năng lượng hạt nhân đã chuyển mình theo những cách đó.
 
Và những cánh tay nối dài
 
Với chừng ấy dự án điện hạt nhân trong tay cho hiện tại và tương lai, nhưng từ cách đây 9 năm, ROSATOM đã mua lại một công ty chế tạo tua-bin hàng đầu của Hungary rồi phát triển thành công ty Ganz EEM - nay là công ty con của AtomEnergoMash (chi nhánh phụ trách kỹ thuật của ROSATOM). Tổng số tiền đầu tư vào đây khoảng 2,32 triệu euro để nghiên cứu và phát triển dự án các nhà máy thủy điện nhỏ.
 
Khác hẳn các dự án thủy điện nhỏ mà ở Việt Nam hiện nay đang có là dù nhỏ đến đâu cũng phải xây đập, xây nhà máy, nhà máy thủy điện nhỏ của Ganz đơn giản và tiết kiệm chi phí, có thể sử dụng ở những vùng rất sâu, rất xa, nơi mà thậm chí việc xây dựng một nhà máy thủy điện nhỏ thông thường cũng cực kỳ khó khăn. Các dự án thủy điện nhỏ của Ganz không cần xây đập mà là mỗi “nhà máy” là một tua-bin và một bộ thiết bị phụ trợ được lắp đặt trong một thùng chứa dạng container, giúp tiết kiệm nhiều thời gian dẫn và chi phí xây dựng, dễ dàng lắp đặt. Chỉ cần một cột nước có chiều cao 60m, thậm chí đặt tại cửa thải của các cơ sở xử lý nước, thủy điện nhỏ là có thể lắp đặt nhanh 1 “nhà máy” thủy điện cơ động. Nhà máy này hoàn toàn có thể vận hành và điều khiển từ xa qua điện thoại di động hay Internet. Công suất mỗi nhà máy từ 0,6 MW đến 2 MW, mà mỗi MW có thể cung cấp điện cho 150 gia đình.
 
Theo ước tính của AtomEnergoMash, chi phí sản xuất của nhà máy thủy điện mini khoảng 0,06 đô la Mỹ/kWh tính trên tuổi thọ trung bình của nhà máy là 30 năm. Đây cũng là một dạng năng lượng không carbon và năng lượng sạch, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.
 
Đơn hàng đầu tiên đặt nhà máy thủy điện mini đến từ Công ty Năng lượng quốc tế Georgia. Theo hợp đồng được ký kết, Công ty Năng lượng quốc tế của Georgia sẽ mua một nhà máy thí điểm dự kiến được lắp đặt vào cuối năm.
 
Tập đoàn ROSATOM cũng đang đàm phán vận chuyển các nhà máy thủy điện mini đến Armenia, Indonesia, Kazakhstan, Uzbekistan, châu Mỹ Latin, châu Phi và các quốc gia khác.
 
ROSATOM đồng thời đã tính đến các dự án điện gió. Thông tin từ nơi này cho biết, một chi nhánh của ROSATOM là OTEK đã ký kết hợp tác với Công ty sản xuất tua-bin gió Lagerwey (Hà Lan) về đầu tư dự án điện gió.
 
Phó tổng giám đốc tập đoàn ROSATOM, Kirill Komarov cho biết mục tiêu của tập đoàn không chỉ xây dựng các trang trại điện gió, mà còn phát triển hệ thống quản lý, đào tạo nhân lực, nội địa hóa sản xuất, phát triển hệ thống chứng nhận, hệ thống nghiên cứu và phát triển...
 
Theo kế hoạch, đến năm 2024, công suất phát điện gió do ROSATOM lắp đặt có thể sẽ đạt tới 3,6 GWh, với doanh thu hàng năm khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ.
 
Như thế, nền tảng của việc ổn định nguồn cung năng lượng trong tương lai vẫn dựa trên các công nghệ carbon thấp như điện hạt nhân và các dạng kết hợp năng lượng tái tạo. Nên việc quyết định đa dạng hóa thị trường trong lĩnh vực năng lượng carbon thấp là hướng đi của các tập đoàn sản xuất và chuyển giao công nghệ hạt nhân.

  • 25/07/2017 08:38
  • http://icon.com.vn