Quản lý mã nguồn - Thay đổi nhỏ, hiệu quả lớn

Trong quá trình phát triển chương trình phần mềm, sau một thời gian mã nguồn chương trình sẽ ngày càng nhiều, rất khó để lập trình viên có thể kiểm soát được các chức năng đã thực hiện, cũng như quản lý tất cả mã nguồn đã viết ra. Đặc biệt đối với nhóm lập trình thì việc chia sẻ mã nguồn, quản lý công việc giữa các thành viên trong nhóm càng trở nên cấp thiết nhằm không bị chồng chéo công việc cũng như tăng tốc thực hiện dự án.

 

Quản lý mã nguồn - Thay đổi nhỏ, hiệu quả lớn
Ảnh minh họa
 
Chính vì thế, việc áp dụng hệ thống quản lý phiên bản mã nguồn sẽ giúp giải quyết tất cả các vấn đề trên, giúp các thành viên trong dự án quản lý công việc, quản lý mã nguồn một cách hiệu quả.

Hệ thống quản lý phiên bản mã nguồn - Version Control System (VCS) là một hệ thống được sử dụng trong việc phát triển phần mềm, giúp lưu trữ và ghi nhận sự thay đổi của các tập tin, mã nguồn theo thời gian, nhờ đó hệ thống có thể theo dõi việc cập nhật sửa đổi mã nguồn của các thành viên trong suốt quá trình làm dự án.
 
Mô hình hoạt động
 
Mô hình tập trung (Centralized version control - CVC)
 
Điển hình của hệ thống quản lý phiên bản mã nguồn sử dụng mô hình tập trung là SVN (Subversion).
 
Mô hình sử dụng kiến trúc Client-Server. Server đóng vai trò là một kho dữ liệu (Repository) duy nhất lưu trữ tất cả các tập tin, mã nguồn, thay đổi… Các client sẽ kết nối đến server để lấy phiên bản mới nhất của mã nguồn về máy (check out) và cập nhật tất cả các thay đổi lên server (commit).
 
Mô hình tập trung
Mô hình tập trung CVC
 
Mô hình phân tán (Distributed version control - DVC)
 
Điển hình của hệ thống quản lý phiên bản mã nguồn sử dụng mô hình phân tán là Git.
 
Khi client lấy mã nguồn phiên bản mới nhất (clone) từ server về máy thì hệ thống sẽ sao chép luôn cả kho mã nguồn (repository), vì thế máy client lúc này sẽ đóng vai trò là kho mã nguồn (repository), mỗi kho con sẽ đồng bộ các thay đổi đến kho trên server chính. Ưu điểm của mô hình này là sự linh hoạt trong việc cập nhật lại mã nguồn trên server, client không cần lúc nào cũng phải duy trì kết nối đến server.
 
Mô hình phân tán DVC
 
Lợi ích của hệ thống quản lý mã nguồn
 
Lưu trữ mã nguồn tập trung
 
Lợi ích chính của hệ thống quản lý mã nguồn là tạo ra môi trường lưu trữ tập tin, mã nguồn. Tuy nhiên không như cách lưu trữ truyền thống, hệ thống quản lý mã nguồn sẽ lưu trữ tập trung và giải quyết được các vấn đề dư thừa dữ liệu cũng như tìm kiếm nội dung lưu trữ.
 
Lưu trữ mã nguồn truyền thống
 
Như ở ví dụ trên mã nguồn chương trình được lưu trữ trong nhiều tập tin nén khác nhau. Số lượng, dung lượng tập tin lưu trữ sẽ tăng trưởng theo thời gian thực hiện dự án.
 
Việc lưu trữ truyền thống như ví dụ trên sẽ làm dữ liệu trở nên dư thừa, tốn dung lượng lưu trữ cùng một tập tin giống nhau nhiều lần. Nhiều phiên bản khác nhau được đặt tên không theo qui cách cũng sẽ gây nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, xác định phiên bản, và không thể xác định được có thay đổi gì trong mã nguồn.
 
Tạo môi trường làm việc nhóm
 
Kho mã nguồn chia sẻ
 
Hệ thống quản lý mã nguồn sẽ tạo ra môi trường làm việc tập trung cho các thành viên tham gia dự án. Với cách làm truyền thống, mỗi người trong dự án làm việc độc lập lập, phải sao chép một bộ mã nguồn, phải thường xuyên liên hệ thông báo cho nhau mình đang chỉnh sửa phần nào trong mã nguồn, rất dễ xảy ra nhầm lẫn, sai sót, chỉnh sửa trùng hoặc xóa phần chỉnh sửa của nhau.
 
Hệ thống quản lý mã nguồn sẽ khắc phục tất cả các vấn đề tồn tại với cách làm truyền thống; tạo ra môi trường để mọi thành viên trong nhóm có thể tương tác, phối hợp với nhau, tránh việc thực hiện công việc trùng lặp, chồng chéo lẫn nhau. Người quản lý có thể quản lý mã nguồn, điều hành, tổng hợp công việc của nhóm. Lập trình viên tham gia các nhóm làm dự án có thể quản lý mã nguồn của mình, chia sẻ cũng như tiếp nhận mã nguồn từ đồng nghiệp.
 
Lưu vết các thay đổi trong mã nguồn
 
Lưu vết các thay đổi
 
Không chỉ lưu trữ tập tin, mã nguồn, hệ thống còn cho phép lưu trữ các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án. Các thay đổi được lưu lại không chỉ là tạo mới, xóa tập tin mà còn nội dung bị thay đổi trong tập tin mã nguồn.
 
Mỗi lần có các thay đổi trong mã nguồn dự án, hệ thống quản lý mã nguồn sẽ cung cấp thông tin về mục đích thay đổi, phần nào của mã nguồn bị thay đổi, người cập nhật… Các lần thay đổi sẽ được lưu trữ trong suốt quá trình làm dự án, cho phép quay ngược lại phiên bản trước đó nếu có phát sinh lỗi hoặc các vấn đề không mong muốn trong mã nguồn.
 
Có được một kho dữ liệu lịch sử, lưu vết các lần thay đổi trong mã nguồn sẽ giúp người quản lý theo dõi tiến trình làm dự án, giúp lập trình viên dễ tiếp cận, dễ tìm hiểu về mã nguồn khi được giao thực hiện dự án. Tất cả lịch sử thay đổi đều cố thể được đưa vào Hệ thống quản lý dự án như DevOps, JIRA… để quản lý tiến độ dự án cũng như thực hiện các phân tích khác.
 
Trên đây là một số nội dung cơ bản về hệ thống quản lý phiên bản mã nguồn. Hai hệ thống quản lý phiên bản mã nguồn phổ biến nhất hiện nay là Git và SVN, mỗi hệ thống đều có những ưu khuyết điểm riêng, tùy thuộc nhu cầu mà lập trình viên có thể lựa chọn để áp dụng cho dự án mình đang làm
 
 
 

 

  • 01/02/2019 08:17
  • Theo: EVNCPC