Nội địa hóa cơ khí thủy công thủy điện Lai Châu

Sau hơn 5 năm khởi công và xây dựng (từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2016), công trình thủy điện Lai Châu đã được khánh thành, chính thức vận hành phát điện 3 tổ máy với tổng công suất 1.200MW, cho ra sản lượng điện trung bình năm là 4.670,8 triệu KWh.


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia với quy mô đặc biệt. Đây là một dự án kinh tế lớn, một công trình tổng lực, tập hợp nhiều đơn vị, nhà thầu có năng lực, chuyên môn trong và ngoài nước cùng tham gia.
 
Theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 7-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu”, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) đã được phân công tham gia dự án với phần việc thiết kế chế tạo cơ khí thủy công thủy điện Lai Châu.
 
Cơ khí thủy công chiếm tỷ trọng đến 30% giá trị thiết bị trong các nhà máy thủy điện. Trước đây, cơ khí thủy công phải nhập từ nước ngoài về nên rất bị động, tốn kém về tài chính và thời gian. Khi xây dựng thủy điện Hòa Bình năm 1979, nước ta phải nhập đồng bộ 100% thiết bị cơ khí thủy công từ Liên Xô (trước đây) và khi xây dựng thủy điện Sơn La năm 2005, ngành thủy điện nước ta cũng phải nhập từ 50-70% thiết bị cơ khí thủy công. Tuy nhiên, khi xây dựng thủy điện Lai Châu, đội ngũ kỹ sư của Việt Nam đã chế tạo được 95% thiết bị cơ khí thủy công, còn khoảng 5% là nhập xi lanh thủy lực của các hãng nước ngoài để phục vụ nâng hạ các cửa van.
 
Trong công tác thiết kế chế tạo cơ khí thủy công thủy điện Lai Châu, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đề ra mục tiêu: “Chủ động thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ và hệ thống điều khiển thiết bị đồng bộ cơ khí thủy công”. Với nhiệm vụ chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ, viện đã áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến chuyên ngành của các nước như Liên Xô, Liên bang Nga, U-crai-na, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam. Việc lựa chọn vật liệu để chế tạo cơ khí thủy công với tiêu chí hàng đầu là: Cường độ chịu uốn, xoắn, kéo, nén, tính dễ uốn dập, cắt gọt, tính hàn, chịu được sự mài mòn của nước và của khí quyển, có tính chất chậm ô-xi hóa trong môi trường nước và không khí. Đối với việc chế tạo hệ thống điều khiển thiết bị đồng bộ cũng được áp dụng những tiêu chuẩn tiên tiến chuyên ngành của các nước và những tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam.
 
Các thiết bị cơ khí thủy công được xây dựng ngầm trong thân đập tại những vị trí như: Cống dẫn dòng (bờ phải); cửa nhận nước (bờ trái); đập tràn xả sâu; xả mặt (bờ phải) và cửa xả hạ lưu tại hạ lưu nhà máy. Tại các vị trí xây lắp cơ khí thủy công đều có hệ thống điều khiển thiết bị đồng bộ đóng, mở, nâng, hạ cửa van.
 
Trong quá trình nghiên cứu và thiết kế, các kỹ sư của viện đã cân nhắc, tính toán, lựa chọn công nghệ tối ưu nhất cho việc chế tạo, lắp ráp tại nhà máy, vận chuyển lắp ráp tại công trường, nghiệm thu và đưa vào vận hành ổn định các hạng mục thiết bị. Đến nay, các hạng mục cơ khí thủy công thủy điện Lai Châu do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế và chế tạo với một khối lượng hàng chục nghìn tấn đã được vận chuyển lên công trường lắp đặt, nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác.
 
Ngoài việc đã làm chủ công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ cơ khí thủy công, điểm nổi bật là viện đã chế tạo thành công hệ thống điều khiển thiết bị đồng bộ có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Điều này đã đem lại giá trị gia tăng cho dự án, đồng thời khẳng định Việt Nam đã nội địa hóa hoàn toàn trong việc thiết kế, chế tạo cơ khí thủy công thủy điện Lai Châu.
 
ĐOÀN MINH NGHĨA (chuyên gia cơ khí thủy công, Viện Nghiên cứu Cơ khí)

  • 26/12/2016 09:04
  • http://icon.com.vn