Hiện thực hóa điện rác!

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm thứ cấp tại các địa phương. Vì vậy, trong Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt đến 2025, tầm nhìn 2050, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 30%. Để đạt mục tiêu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.

 

 

Hoạt động tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu của thế giới trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp thu hồi năng lượng, được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Âu, Nhật Bản trong nhiều năm qua. Thế giới đang chuyển mình sang nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng đó. Đốt rác phát điện nằm trong chu trình nền kinh tế tuần hoàn. Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.

Thời gian qua, một số địa phương đã định hướng chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác phát điện. Điển hình, tại TP Cần Thơ, Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB đi vào hoạt động từ tháng 11-2018 với công suất hiện tại đạt 350 tấn/ngày đêm. Chung xu thế này, nhiều địa phương cũng tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện như: Đồng Nai, Hà Nội, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chi phí đầu tư cho một nhà máy đốt rác phát điện là khá lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Vì vậy, để phát triển điện rác, cần có những chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án đốt rác phát điện tại các địa phương.

Về vấn đề này, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh, sửa đổi nhiều cơ chế chính sách như: phân công lại chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, điều chỉnh quy định về phí và giá xử lý rác thải sinh hoạt, ưu tiên mua điện với giá phù hợp, giúp nhà đầu tư thu hồi vốn trong vòng 5-7 năm. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền trong nhân dân thực hiện sâu rộng chương trình phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ, quá trình xử lý đạt hiệu quả… Với những bước đi đúng đắn, tin tưởng rằng Việt Nam sớm hiện thực hóa điện rác, giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt…

  • 22/11/2019 09:46
  • Theo: Báo Cần Thơ