Ghi tên Việt Nam vào bản đồ sản xuất MBA trên thế giới

Ngành điện Việt Nam đã chế tạo thành công MBA 500 kV-150 mVA đầu tiên của khu vực Đông Nam Á & ứng dụng hàng ngàn sáng kiến cải tiến kĩ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học làm lợi cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Thành công lớn nhất của ngành điện trong phong trào phát huy sáng kiến, áp dụng nghiên cứu khoa học vào trong sản xuất là đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ sản xuất máy biến áp (MBA) thế giới.

Suốt từ năm 1954 đến năm 1994, Việt Nam là nước hoàn toàn nhập khẩu MBA từ nước ngoài. Ngày đó, mỗi lần cháy một MBA là phải đợi nửa năm đến cả năm mới có MBA thay thế. Mỗi MBA nhập khẩu, nhà nước phải chi 5 tỷ đồng. Đề tài nghiên cứu chế tạo MBA 110 kV-25000 kVA được bắt đầu triển khai vào năm 1992, đến năm 1995, ngành điện đã chế tạo thành công chiếc MBA 110 kV đầu tiên. Thiết kế thành công này lập tức trở thành đối trọng, kéo giá máy nhập khẩu từ 5 tỷ đồng xuống còn 3,6 tỷ đồng, làm lợi cho nhà nước 80 tỷ đồng mỗi năm.

Sau 8 năm, ngành điện Việt Nam lại tiến thêm một bước trong công nghệ chế tạo MBA khi chế tạo thành công MBA 220 kV - 125 MVA và sửa chữ được MBA 220kV-250 MVA. Thành công này được đánh giá bước tiến vượt bậc của ngành Cơ khí điện lực Việt Nam trong khẳng định nội lực, hạn chế sử dụng hàng nhập ngoại và thuê chuyên gia sửa chữa tư vấn nước ngoài.

Năm 2006, công trình “Nghiên cứu thiết kế, sửa chữa phục hồi máy biến thế cấp điện áp 500 kV” của Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh đã rút ngắn tiến độ sửa chữa phục hồi nhanh gấp 3 lần và hạ giá thành bằng 1/4 lần so với thuê nước ngoài, góp phần đảm bảo cung cấp điện, mở ra hướng nghiên cứu sản xuất máy biến áp 500 kV trong nước.

Ngày 7/10/2010 vừa qua, Hà Nội vừa tổ chức gắn biển chiếc MBA 500 kV -150MVA đầu tiên của Việt Nam. MBA 500 kV  “made in Việt Nam” không chỉ đảm bảo chất lượng tương đương máy nhập khẩu, giá thành thấp hơn 25-30% mà còn ép các đối tác tham gia đấu thầu phải hạ giá đấu thầu, góp phần tiết kiệm cho ngân sách và giảm nhập siêu, đồng thời tạo thế chủ động về MBA cho ngành điện Việt Nam.

Ứng dụng hàng ngàn sáng kiến khoa học vào trong sản xuất

Bên cạnh ngành Cơ khí chế tạo điện, CBCNV Điện lực Việt Nam cũng đóng góp hàng ngàn sáng kiến thiết thực phục vụ sản xuất.

Công trình “Nghiên cứu thiết kế cải tạo hệ thống xả các lò hơi số 5 và số 6 của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại để giảm thời gian khởi động tiết kiệm dầu đốt lò và các chi phí khác”, góp phần rút ngắn thời gian hoàn thành khởi động và mang tải từ 36- 48 giờ xuống còn 15 giờ, giảm tiêu hao nhiên liệu và các chi phí khác với giá trị làm lợi trung bình 30 tỷ đồng/năm, đồng thời huy động nhanh tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống quốc gia.

Công trình “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả làm việc của hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhà máy nhiệt điện Phả Lại” đã đề xuất giải pháp cải thiện, nâng cao độ bền, tuổi thọ và hiệu quả làm việc của hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhà máy, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương. Đối với công trình “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo “Thiết bị thử nghiệm bộ giám sát hoạt động của các chống sét van ZnO loại không khe hở” phục vụ trong công tác thí nghiệm các chông sét van cao áp tại nhà máy điện và trạm biến áp (Trung tâm Thí nghiệm điện - Tổng công ty Điện lực miền Trung), với giá thành hạ, tiết kiệm nhân công và thời gian kiểm tra thử nghiệm giám sát sét, góp phần giảm thiểu thời gian cắt điện, nâng cao khả năng cung cấp điện trong hệ thống.

Trong giai đoạn từ năm 2003 - 2008, ngành điện đã ghi nhận 8653 sáng kiến cùng 226 đề tài nghiên cứu khoa học. 165 người thuộc EVN đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Tháng 7/2008, 14/100 công nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" của EVN đã vinh dự nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh

  • 21/09/2011 10:42
  • Theo: Vietnamnet.vn