EVNSPC: Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn lưới điện mùa mưa bão

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với tinh thần chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nên trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số sự cố về điện do mưa bão gây ra trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) quản lý giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong điều kiện thời tiết được đánh giá là khắc nghiệt, thất thường.


Công nhân PC An Giang gia cố trụ điện mùa lũ.
 
Theo thống kê 9 tháng đầu năm nay khu vực miền Nam đã xảy ra 53 sự cố về điện từ mưa bão, lốc xoáy. Dù có nhiều giải pháp, nhưng mưa bão đến hàng năm với diễn biến thất thường,  khó lường trước được. 
 
Nguyên nhân trực tiếp khi mưa bão gây ra sự cố điện là do cây xanh ngã đổ vào lưới điện chiếm phần lớn. Tiếp theo đó là do mái tôn từ nhà dân bay vướng vào lưới điện và các bảng quảng cáo khi có gió lốc mạnh bị ngã đổ vào đường dây điện. 
 
Nhiều người dân ở khu vực 5 phường gồm: Đông Xuyên, Mỹ Hoà, Mỹ Phước, Mỹ Quý và Mỹ Thạnh thuộc thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang vẫn còn sợ khi nhớ về trận giông lốc hồi giữa tháng 6 năm nay làm tốc mái tôn 200 ngôi nhà khu vực này, và làm cây ngã đổ vào đường dây trung hạ áp làm 2 cột điện bị gãy, ngã khiến điện mất nhiều giờ, giao thông khu vực Mỹ Hoà thành phố Long Xuyên tê liệt. May mắn không có thiệt hại về người.
 
Cũng trong thời gian này, giông lốc làm hư hại 630 nhà dân và trường học trên địa bàn tỉnh An Giang,  tôn bay vướng vào lưới điện và cây ngã đổ vào lưới điện trung thế thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũng làm gãy đổ cột điện khiến điện bị mất trên diện rộng.  2 sự cố do lốc xoáy này được đánh giá là gây thiệt hại nặng nề nhất từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang.
 
Ông Dương Hóc Chiêu – Phó Giám đốc PC An Giang cho biết: “Ngay sau sự cố xảy ra, PC An Giang đã chỉ đạo lực lượng xung kích xử lý ngay nhằm tái lập điện cho người dân trong thời gian sớm nhất và phối hợp với đội tìm kiếm cứu nạn địa phương dọn dẹp hiện trường. ”
 
Không riêng An Giang, trong tháng 6 vừa qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng xảy ra trận lốc xoáy lớn làm gãy đổ 12 trụ điện đường dây 110kV tuyến Cà Mau – Giá Rai.
 
Còn tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An trận lốc xoáy cách đây hơn nửa tháng đã làm gãy 2 trụ và nghiêng 5 trụ điện trung thế, hư hỏng lưới điện trung áp gây mất điện tại 2 thị trấn là Hiệp Hòa và Hậu Nghĩa. Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn thành phố Tân An, tỉnh Long An, nơi tập trung đông dân cư sinh sống, sản xuất kinh doanh, mỗi lần có lốc xoáy lớn đều có cây đổ ngã vào lưới điện làm mất điện trên diện rộng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc PC Long An cho biết: “Ngay từ đầu năm chúng tôi cũng kiểm tra và khắc phục các khiếm khuyết tại những khu vực xung yếu, các vị trí trụ gần kênh rạch để giảm dần sự cố do mưa bão. Ngoài ra chúng tôi tập trung vào khu vực hay xảy ra sự cố để phát quang hành lang.”
 
Để khắc phục tình trạng này, EVN SPC xác định cần có nhiều giải pháp dài hạn và ngắn hạn.  Ngay từ đầu năm EVN SPC đã chỉ đạo 21 đơn vị thành viên thực hiện công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai. Trước tiên là củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và lực lượng xung kích, tiếp theo là lập phương án và diễn tập kịch bản phòng chống thiên tai chi tiết, cụ thể theo phù hợp đặc điểm của từng đơn vị. Chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ, vật tư, nguồn điện dự phòng kịp thời ứng phó khi có sự cố.
 
Sau khi các đơn vị Điện lực địa phương chuẩn bị về nhân lực, vật lực và tổng kiểm tra lưới điện để khắc phục các khiếm khuyết trên lưới điện, trước và trong mùa mưa bão EVN SPC yêu cầu các đơn vị này xử lý ngay đối với các vị trí có nguy cơ gây ra sự cố và tai nạn cho người dân. Đồng thời kiểm tra và nâng cao độ võng đối với các vị trí vượt sông, vượt đường giao thông, đường dây đi qua vùng lũ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi qua vùng lũ. Thường xuyên phát quang và dọn dẹp hành lang lưới điện, vận động người dân sinh sống dọc theo lưới điện chặt tỉa cây xanh, chằng néo mái tôn, di dời ăng ten tivi có nguy cơ gãy đổ để đảm bảo an toàn lưới điện.
 
Anh Đặng Phước Thiện ngụ tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Ngành điện hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả hàng tuần và tuyên truyền trên báo đài  nên bà con nơi đây cũng làm theo hướng dẫn của ngành điện, phát quang cây cối để không vướng dây điện.”
 
Nhờ chuẩn bị kỹ càng nhiều phương án, thực hiện kiểm tra thường xuyên công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai và diễn tập các phương án phòng chống thiên tại, tìm kiếm cứu nạn nên khi có sự cố điện thì cũng được khắc phục nhanh, khôi phục hoạt động cung cấp điện tại những khu vực bị ảnh hưởng, giảm thiểu thiệt hại cho các đơn vị sản xuất kinh doanh bị gián đoạn vì mất điện. 
 
Ông Mai Văn Lập - Văn phòng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết: “Trong thời gian qua sự phối hợp tốt, ngành điện đã cung cấp điện đạt yêu cầu cho nông nghiệp. Khi có sự cố, người dân gọi điện thoại đường dây nóng trong khu vực Long Xuyên thì trong khoảng từ 5 đến 10 phút là có nhân viên điện lực đến sửa chữa dù giữa đêm khuya.”
 
Hiện đang trong cao điểm mùa mưa bão nên EVN SPC đang khẩn trương chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Đồng thời ngành điện cũng khuyến cáo người dân nhất là trong vùng lũ kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình, cần lắp đặt hệ thống điện riêng biệt để dể dàng cắt điện khi bị sự cố. Tuyệt đối không đi lại khi nước ngập vào nhà vì có nguy cơ rò rỉ điện, không bám vào cột điện bị ngập nước để đề phòng điện rò trong nước gây tai nạn. 

  • 12/10/2016 01:15
  • http://icon.com.vn