EVN lên phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ban hành chỉ thị về công tác PCTT&TKCN năm 2020.

 
 
 
EVN yêu cầu các NMTĐ phải vận hành an toàn, hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hạ du. Ảnh minh họa.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Tập đoàn yêu cầu các Công ty thủy điện rà soát, triển khai thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Nghị định số 114/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, trong đó lưu ý công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập trước mùa mưa lũ, cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
 
Kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ hàng năm; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các chủ đập, hồ chứa nước có liên quan thực hiện vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; đặc biệt là khi vận hành xả lũ. Rà soát cập nhật quy chế phối hợp với địa phương, với các đơn vị liên quan. Chủ động phổ biến Phương án phòng chống thiên tai với các cơ quan chức năng. 
 
Chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong công tác điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ/ đơn hồ.
Lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.Chuẩn bị kịch bản xả lũ thiết kế của hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tính toán xả lũ phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.
 
Đối với các các Công ty/Nhà máy Nhiệt điện, EVN yêu cầu thực hiện kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị; hệ thống chống sét và tiếp đất; kho chứa và hệ thống vận chuyển nhiên liệu; hệ thống thải, chứa tro xỉ; hệ thống bơm làm mát trước mùa mưa lũ đảm bảo vận hành an toàn và đảm bảo môi trường.
 
Tổng hợp danh mục vật tư, thiết bị, dụng cụ, phương tiện, thuốc, lương thực thiết yếu phục vụ công tác PCTT&TKCN. Xây dựng phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, phương án dự phòng nhiên liệu đảm bảo cho sản xuất khi có thiên tai xảy ra.Chủ động làm việc với các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan tại địa phương và cơ quan thông tin đại chúng trong công tác phối hợp PCTT&TKCN.
 
Tập đoàn yêu cầu các Tổng công ty Điện lực kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, ...), đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa lũ. Tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng chống thiên tai, lưu ý tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống xử lý đối các trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực. Chỉ đạo các đơn vị thành viên lập các đội xung kích, sẵn sàng huy động tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai khi Ban Chỉ huy các cấp có yêu cầu, bao gồm: danh sách các thành viên, các phương tiện, dụng cụ. Đánh giá lại nguy cơ ngập úng của các trạm biến áp 110kV, 220kV, xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, chi tiết đối với từng trạm.Khi có bão đổ bộ, cần tổ chức tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực. Tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.
 
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cần tăng cường các giải pháp nhằm vận hành an toàn các đường dây 220kV, 500kV, đặc biệt là đường dây 500kV Bắc - Nam. Chỉ đạo giải quyết các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về an toàn điện trong mùa mưa lũ cho nhân dân. Rà soát các vật tư dự phòng, lập các phương án vận chuyển dự phòng. Tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng chống thiên tai, lưu ý tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống đối với trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực. Đánh giá lại nguy cơ ngập úng của các trạm biến áp 220kV, 500kV, xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, chi tiết đối với từng trạm.
 
Khi có bão đổ bộ, cần tổ chức tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực.Kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện thuộc phạm vi quản lý trước mùa mưa lũ hàng năm.Tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để sự cố kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.

  • 03/04/2020 07:48
  • Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam