Từ Sơn La tới Lai Châu: Đầu ngọn sóng - Phần VII: Có thực mới vực được đạo

Một ngày, tôi đi từ Sìn Hồ đến Mường Tè, với xe của Hoàng Nghĩa Hùng. Hùng là lái xe văn phòng Ban A, từ Hà Nội lên. Hùng thâm thấp, chắc như cua gạch, hay cười, đầu tóc ngắn.


Tác giả Nguyễn Văn Thọ (người đứng ngoài cùng bên phải), nhà thơ Trần Đăng Khoa (người đứng thứ ba, từ bên phải sang) cùng đồn biên phòng Kalang và ông Hoàng Trọng Nam - Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La - Lai Châu tại Kẻng Mỏ. Ảnh: Đắc Cường
 
Đường đang mở rộng, tựa như đường Trường Sơn thuở nào, nhiều đoạn vô cùng chênh vênh. Nhiều cua, lắm vực quá. Nhưng rõ ràng, Hùng chạy rất tốt, tỏ ra đầy kinh nghiệm chạy đường núi. Hóa ra, hắn không phải nằm dí ở Hà Nội. Sếp hắn, Chánh văn phòng Lực, bảo: Hùng thuộc đường Tây Bắc như đi trên Hà Nội, bao năm lính Ban A, từng quần thảo nát mấy tỉnh Tây Bắc. Lại đêm sau, từ Sìn Hồ về tận xã Nậm Hàng, Lai Châu. Qua Mường Tè, đường đang hoàn thiện, ở nhiều đoạn, xe trước chạy mù bụi chả thấy đường đâu. Đèn pha bật sáng mà tầm nhìn chỉ chục mét. Hùng toàn bám tà-luy dương. Tôi, với kinh nghiệm bao năm ở lính, lại hơn 20 năm lái xe bên châu Âu, công nhận, tay lái này cứng. Bảo ngay với đạo diễn Nguyễn Thước: Đi núi, lắm dốc, cua, khi tầm nhìn ngắn, bám ta-luy dương là cách đi an toàn nhất.
 
Lại nhớ, năm 1972, tôi được lệnh một đêm cùng lái xe đi lấy đạn 37 ở đầu đường 20. Đang chạy qua trọng điểm, có chiếc C130 bay ngang, thả một chùm pháo sáng. Đường sáng quắc như ban ngày. Bất chợt có gió thổi mạnh, tất cả đám dù treo pháo sáng trôi qua ngọn núi, núi che hết ánh sáng pháo dù, làm tất cả trước mặt bỗng đen thui. Thế là quáng. Lái xe đang bám ta-luy dương, bất ngờ có cái cây bị bom đổ ngang đường từ trận địch bắn cối xăm cách đó vài phút. Thế là rầm một cái, xe Gat 69 của chúng tôi đâm sầm vào cây và lật ngang. Tôi lấy báng súng đập vỡ kính, hai đứa trèo ra. May mà bám ta-luy dương, nên lúc đổ xe cách xa vực nửa mét. Lăn tòm xuống vực, chết là chắc.
 
Những người lái xe đưa đón kỹ sư, cán bộ, chuyên gia nước ngoài đi làm, tung tẩy trên mọi nẻo đường trong quá trình 20 năm nay, đều có trình độ tay lái rất khá và một kỷ luật rất cao. Họ không khi nào uống một giọt rượu trước khi ngồi vào ghế lái. Có một câu chuyện bất ngờ, lên Sơn La, tôi gặp lại người lái xe cho Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - Lai Châu, lại là lái xe đoàn xe Tổng công ty Muối - nơi tôi làm việc xưa. Cường bây giờ đã là tổ trưởng cánh lái xe ở Nhà máy Sơn La. Hỏi, vì sao bao nhiêu năm lưu lạc, sau ngày Đoàn xe Muối giải thể, anh lại trụ ở đây lâu thế? Cường thản nhiên bảo: “Người ta đi làm ăn cốt trông cậy ở đồng lương anh ạ. Ở đây ổn định, không phải lo lắng để mánh mung gì, nhàn cái tâm. Vả lại, cái quan trọng nhất là tình người”.
 
Tình người. Hai từ giản đơn như thế, không chỉ là những động tác chăm sóc của Nam Trọc với Cường từ giấc ngủ bù tới miếng ăn trong suốt năm ngày rong ruổi. Cái tình người ở công trình từ Sơn La tới Lai Châu này biểu hiện rất cụ thể ở việc chăm sóc đời sống của bao con người trên cái miền xa lắc hẻo lánh này.
 
Tôi đã đi nhiều trên các công trường Nam, Bắc, nhưng có lẽ không thấy nơi nào lo lắng tới miếng ăn giấc ngủ của người lao động chu đáo như Tập đoàn EVN và lãnh đạo Ban A thủy điện. Xác định không để mọi người xa nhà, xa vợ con, phải sống tạm bợ, phải lo cho họ được sống như ở nhà! Trừ những tháng ban đầu khai phá, còn bao năm nay, người lao động công trường đã có một cuộc sống thực tốt.
 
Đó là cả một vài khu ở khang trang rộng rãi rất đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và vui chơi giải trí nằm lọt giữa khu núi rừng luôn vang vọng về tiếng chim hót, tiếng thú. Hoạt động của Chi đoàn Thanh niên Hồ Chí Minh tại đây nhờ thế cũng thêm màu sắc phong phú. Có sân chơi bóng rổ, tennis. Có nơi tập thể thao, thể hình và xà đơn, xà kép rèn luyện thân thể. Những buổi chiều sau giờ làm việc, ở đây nghe rõ tiếng la hét náo nhiệt của cánh thanh niên và trung niên. Tiếng bóng chắc bịch, bộp phát ra từ sân quần vợt, phá tan không gian im lặng của nơi rừng rú quạnh hiu, nơi mà trước khi thủy điện tới, quanh năm không tìm đâu một bóng người.
 
Do đặc tính công việc, thủy điện phải tổ chức ba ca và Ban A đã lo cho anh chị em trên công trường đủ ngày ba bữa. Ai bám công trường có xe mang cơm tận nơi. Đêm trực có ăn dặm. Nhà ăn tập thể ở đây sức chứa tới gần 200 người. Buổi sớm nào cũng thế, tôi xuống bếp để ăn sáng, thưởng thức những món ăn chẳng kém gì quán xá thủ đô: Bún, phở, mì, xôi. Những bữa trưa và tối luôn luôn trên bàn ăn là 5 món nóng hôi hổi và ít khi lặp lại. Ăn cơm tập thể, mà có cả món nem chạo, canh cua đặc như ở bữa ăn gia đình thì lạ quá! Tôi đã từng tấm tắc, món giả cầy, cá sông Đà tươi sốt cà chua của nhà bếp các bạn không thua kém bất cứ nhà hàng nổi tiếng nào ở Hà Nội, thậm chí còn đậm đà hơn.
 
Người ta khoe với tôi rằng, nơi đây, Thủ tướng và các lãnh đạo cao cấp nhà nước khi đáo thăm, kiểm tra công trường, đều dùng cơm, ăn, nghỉ tại đây. Suốt 20 năm tần tảo, không một trường hợp ngộ độc thức ăn xảy ra. Họ có quyền tự hào về công việc bình dị của họ, bởi thực chất, vùng núi xa hẻo này, để bảo đảm thực phẩm, lo cho ăn, ở, có khi tới vài trăm con người, Văn phòng Ban A phải rất cố gắng. Người ta đã kể với tôi rằng, trong những tháng ban đầu xây dựng, việc đi mua một con gà, một mớ rau ở nơi “khỉ ho cò gáy” này cũng rất khó khăn. Đã bao đời nay, người dân sở tại quá quen một đời sống tự cung tự cấp. Một đời sống hầu như phi thị trường. Chỉ trao đổi hàng hóa, gần như vật đổi vật.
 
Để có được như vậy, 27 con người trong văn phòng Ban A Lai Châu thực là “những chiến sĩ hậu cần” tháo vát. Mỗi người đều có một vị trí chuyên nghiệp như bảo vệ, thợ điện, lái xe, nhà bếp, văn thư… nhưng khi công việc cần thì đều vui vẻ chấp nhận sự làm việc kiêm nhiệm. Có lẽ chính vì thế, không hề tăng biên chế, vẫn bảo đảm chủ động món ăn, thức uống trong nhiều đợt mưa bão, họ cần cù tạo ra vườn rau rộng gần 1.000 mét, cung ứng một phần không nhỏ rau củ, quả sạch, nuôi cả đàn lợn và gà.
 
Người ta gắn bó với nhau trong một tập thể như người ruột thịt, tường hiểu từng nỗi buồn, vui của nhau mà chia sẻ. Đó cũng chỉ nói đủ cho hai chữ bình dị “Tình người” mà anh lái xe Cường đã nhắc.
 
Có một câu chuyện làm tôi rất ấn tượng, khi chứng kiến về họ trong chuyến đi này.
 
Phó văn phòng trực tiếp điều hành công việc ở tuyến đầu trên Nậm Hàng tên Hòa. Anh em đặt cho tên thân mật là Hòa Mỗ. Hắn có vẻ không thấy oai lắm, nên người trêu, gọi luôn Hòa là Chị Hoa Mơ. Ấy là cũng một con người của hành động. Văn phòng trăm công ngàn việc vặt, Chị Hoa Mơ suốt ngày đầu tắt mặt tối lo ăn, ở, lo văn thư, lo đám lái xe có khi đi hàng chục ngàn cây số mỗi tuần, “phải tuyệt đối an toàn”. Vốn trưởng thành ở nhiều công việc khác trên thủy điện, từ Ban A xây dựng Sơn La, nơi tỷ lệ vôi trong nước rất nhiều, Hòa Mỗ gần đây bị dính sỏi thận. Công việc ban ngày vô cùng tất bật “con mọn” làm anh tạm quên đi nỗi lo cá nhân, nhưng đêm về ai biết được Hoa Mơ nghĩ gì.
 
Đó là một đêm trăng đã lặn. Những đám mây đen nặng trĩu buồn bay thấp ngang qua khu nhà, che lấp cả mấy ngôi sao lẻ loi hiếm hoi đậu trên sườn núi xa xa. Gió heo heo thổi. Tận chín giờ tối, Phó giám đốc đốc chiến Ban A, Nam Béo nói với tôi: Đêm nay, đúng 11 giờ là cha mẹ, trời đất sinh ra cậu Hòa Mỗ đấy. Chúng tôi mò lên phòng Chị Hoa Mơ. Cửa phòng khép, đèn lờ mờ và Hòa Mỗ cô tịch nằm chéo ngoe trên giường, mặt buồn thiu. “Dậy, dậy đi! Sinh nhật sinh nhẽo gì mà chả bia bọt ăn nhậu gì. Định tiết kiệm mua ôtô hay sao?” Tôi trêu. Hòa Mỗ lồm cồm bò dậy, lúng túng đến bẽ bàng, rồi lấy vội kéo ghế, lấy tích rót ra ba cốc nước râu ngô đầy ăm ắp. “Chắc hắn đặt ở cửa hàng em Thái xinh đẹp ở gần đây”, tôi đoán. Nước ngô màu vàng buồn thế! Tôi lại trêu. Khi tôi vấn an hỏi thăm việc điều trị của Hòa thì Nam Béo ra ngoài hành lang bật máy gọi đi đâu đó. Chỉ vài phút sau, hành lang bỗng ồn ã, ầm ầm tiếng chân vội vã. Rồi cửa phòng bật mở. Cánh đoàn viên thanh niên do bí thư chi đoàn cầm đầu ùa vào. Cả tay Phúc Già vốn trầm ngâm ít nói. Rồi, bia ở đâu hai két quẳng ra trên sàn nhà. Rồi, thanh long bổ đỏ ối đầy hai đĩa và cả xoài vườn nhà của chi đoàn vừa chín cũng được gọt. Bia Hà Nội rót tràn các ly, bát.
 
Những người không phải anh em ruột thịt quây lấy Hòa Mỗ. Làm thành một vòng tròn khép kín trong cái phòng nhỏ. Òa lên tiếng hát của đám thanh niên vẫn hát mừng sinh nhật như các dịp tôi dự ở Hà Nội. Đêm thanh vắng, giữa rừng núi bao la cực yên tĩnh, tưởng như con người ta khi đau ốm, bệnh tật có thể chết trong cô quạnh, nếu không có tiếng người.
 
Thi công trên công trường Thủy điện Sơn La (năm 2005)
 
“Happy birthday to you!” Tiếng hát vang lên làm tôi nghẹn ngào. Làm Hòa Mỗ cũng bất ngờ nghẹn ngào. Và, vẫn bài ca cũ, Nam Béo bắt nhịp: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, xây nguồn tươi sáng! Ta nguyện đồng lòng kiến tô non sông…”
 
Khi viết những dòng này, tôi vẫn giữ nguyên được sự chia sẻ, cảm xúc đến rơi nước mắt, lúc tôi nhìn vào đôi mắt long lanh cảm động của hắn, nhân vật chính của đêm sinh nhật bất ngờ. Tôi cũng nhớ, ngay khi ấy tự hỏi, vợ anh, con anh ở Hà Nội, có biết giờ này, anh, người chồng và người cha của họ không hề cô độc không? Anh, đang trong tấm lòng của những người coi nhau là ruột thịt ở nơi xa thẳm này không?
 
Con người ta đói thì cần ăn, rét thì cần mặc. Mơ ước cuộc sống thật dư dả vật chất là đương nhiên, nhưng cuộc sống thật “vô tăm tích” nếu thiếu đi hai từ Tình Người, và chỉ ở trong những hoàn cảnh trớ trêu oái oăm nhất của đời sống làm người, ta mới thấm thía vài chữ tình người mà làm người. Nó cũng không khác gì những năm tháng biền biệt của chúng tôi trong cuộc chiến đằng đẵng. Không có đồng đội thì lũ chúng tôi biết sống ra sao? Tìm đâu ra sức mạnh để bên nhau sống chết mà làm nên những chiến thắng cho ngày trở về.
 
Tôi viết lại kỷ niệm này, cũng vui mừng báo tin vui với bạn đọc rằng, khi các bạn đọc xong câu chuyện trên hãy âm thầm chia vui cùng tôi và Hòa Mỗ. Hắn đã được các bác sĩ ở Hà Nội lấy ra viên sỏi bấy nay làm hắn buồn và đau đớn.
 
Cuộc đời vốn thế, ở hiền gặp lành. Bởi vì cái tay thâm thấp luôn tất tưởi ấy biết chăm lo cho tất cả. Cũng nhiều khi gay gắt vì tính chất công việc phục vụ như làm dâu đòi hỏi, nhưng khi kể về 26 nhân viên dưới quyền, anh - một con người của hành động, của công việc, thực lòng dành cho họ biết bao âu lo và thương ái. Có lẽ chính vì thế mà cánh Thắng Trọc, Dũng, Thành, Hùng…, các chị Hợp, Chinh, Xuyến, Nga, Thi, Loan và cháu Kim Dung trẻ trung xinh đẹp (lao động tốt, làm thơ hay), đã bao năm hy sinh, xa gia đình lên núi cao mạn ngược, gắn bó với thủy điện, kề vai đấu cật bên chỉ huy trực tiếp của họ là Phó Chánh văn phòng Ban A Lê Văn Hòa, hoàn thành hiệu quả công việc hậu cần mà Ban giao cho: “Có thực mới vực được đạo. Thực túc binh cường!”.

  • 23/08/2016 08:13
  • http://icon.com.vn