Tiết kiệm điện nên là quốc sách

Bài viết dưới đây nhằm giải thích hai vấn đề lớn mà bạn đọc quan tâm, đó là: tại sao ở Việt Nam, càng dùng nhiều điện càng phải trả giá cao (lũy tiến)?; Và tại sao phải tiết kiệm điện?

Khác với nhiều nước, trong hệ thống điện của Việt Nam chưa có thủy điện “tích năng” để người bán “lưu trữ” sản phẩm điện khi dư thừa. Ảnh: THÀNH HOA

Đặc trưng của sản phẩm điện
 
Trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, tính hiệu quả của quy mô (quy mô sản xuất lớn thì càng hiệu quả) cũng có, nhưng không thể hiện rõ nét như trong các lĩnh vực sản xuất vật chất khác.
 
Sản phẩm điện năng hoàn toàn không giống như các sản phẩm khác: không thể tồn kho; quá trình sản xuất và quá trình tiêu dùng xảy ra đồng thời; và người mua (tiêu dùng điện) có ảnh hưởng trực tiếp đến người bán (phát điện). Những ảnh hưởng này thường làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của bên bán.
 
Người bán không thể “giao sau” và người mua cũng không thể “mua trước”. Người mua không thể cam kết với người bán là mua đúng bao nhiêu công suất (tính bằng kWh) cho đúng một thời gian (tính bằng giờ) để người bán chuẩn bị “chân hàng” trước. Lượng tiêu thụ điện của người mua thay đổi cả về công suất và cả về thời gian. Nhu cầu luôn thay đổi này của người mua bắt người bán phải chuẩn bị “chân hàng” luôn phải lớn hơn hàng bày bán. Khi người mua muốn mua thêm (bật thêm bình đun nước nóng chẳng hạn), người bán phải huy động thêm ngay 2-3 kWh công suất phát đưa vào lưới. Tỷ lệ công suất dự phòng này của bên bán ở Việt Nam khá cao (vì người mua khá bất thường), tới 25-30%. Chi phí đầu tư để xây dựng nguồn điện dự phòng phải tăng thêm tương ứng.
 
Trường hợp ngược lại, khi người mua tắt bình đun nước nóng, thì người bán phải giảm sản phẩm điện trên lưới. Khác với nhiều nước, trong hệ thống điện của Việt Nam chưa có thủy điện “tích năng” để người bán “lưu trữ” sản phẩm điện khi dư thừa. Vì vậy, về nguyên tắc, người mua càng mua nhiều thì chi phí của người bán càng tăng.
 
Về mặt vĩ mô hay theo “cân bằng năng lượng tổng thể”, Việt Nam đang trong tình trạng cung còn nhỏ hơn cầu. Để giảm nhẹ sự khan hiếm (hay thiếu hụt), chỉ có thể tăng cung và/hoặc giảm cầu. Việc tăng cung và giảm cầu chỉ có thể thực hiện thông qua giá bán. Giá bán càng cao thì cung càng tăng và cầu càng giảm. Nền kinh tế Việt Nam không thể nằm ngoài quy luật này của thị trường.
 
Tiết kiệm điện nên là quốc sách
 
Trong hoàn cảnh nền kinh tế còn đang rất thiếu vốn để phát triển, việc tiết kiệm điện phải được coi là quốc sách

Trước hết, hiệu suất sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng ở Việt Nam còn quá thấp. Hiện nay, 1 kWh điện ở Việt Nam chỉ tạo ra được hơn 1 đô la Mỹ giá trị GDP, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của thế giới (2-3 đô la Mỹ). Việc sử dụng lãng phí và kém hiệu quả làm cho điện năng luôn trong tình trạng mất cân đối (khan hiếm) ở Việt Nam. Vì vậy, đối với những sản phẩm khan hiếm như điện năng, tiết kiệm phải được coi là “quốc sách”.
 
Trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới, người ta đã rút ra kết luận: “Đầu tư để tăng thêm 1 đơn vị năng lượng có chi phí cao hơn 2,5 lần so với đầu tư để tiết kiệm 1 đơn vị năng lượng”. Con số 2,5 lần này sẽ còn cao hơn nếu mức độ lãng phí trong sử dụng năng lượng cao và hiệu quả đầu tư các công trình năng lượng thấp (như đang diễn ra ở Việt Nam).
 
Dân số nước ta hiện khoảng 98 triệu người, sống trong khoảng 25 triệu hộ gia đình. Nếu mỗi hộ gia đình chỉ cần thay đổi thói quen (không cần đầu tư) để tắt bớt (tiết kiệm khi dùng) một bóng đèn 40W trong vòng hai giờ (ví dụ bật muộn hơn một giờ và tắt sớm hơn một giờ), chúng ta đã có thể tiết kiệm được lượng điện năng 2 triệu kWh/ngày hay 730 triệu kWh/năm. Để làm ra được 730 kWh/năm, ngành điện phải đầu tư nhà máy phát điện có công suất khoảng 110 MW. Nếu xây dựng nhà máy phát điện chạy bằng khí, vốn đầu tư sẽ khoảng 90 triệu đô la Mỹ, chạy bằng than thì khoảng 95 triệu đô la Mỹ, chạy bằng nước khoảng 150 triệu đô la Mỹ, chạy bằng gió/mặt trời khoảng 165 triệu đô la Mỹ. Với cơ cấu nguồn điện hiện nay của Việt Nam, vốn đầu tư bình quân gia quyền là 137 triệu đô la Mỹ (khoảng 27,27 triệu đồng/kW), tương đương với 3.000 tỉ đồng. Con số này không hề nhỏ!
 
Nếu mỗi hộ gia đình chỉ đầu tư 40.900 đồng để thay bóng đèn huỳnh quang T8 có công suất 36W bằng bóng đèn huỳnh quang T5 có công suất 28 W thì đã tiết kiệm được 160 kWh (trong vòng đời 20.000 giờ của bóng đèn). Tổng chi phí đầu tư cho tiết kiệm điện (mua bóng mới) là 1.022,5 tỉ đồng. Tổng lượng điện tiết kiệm được là 4 tỉ kWh điện. Để sản xuất được 4 tỉ kWh điện trong vòng 20.000 giờ, ngành điện phải đầu tư thêm 200 MWe công suất nhà máy phát điện. Tổng chi phí đầu tư để xây dựng nguồn điện mới hơn 5.454 tỉ đồng. Như vậy, đầu tư cho tiết kiệm điện rẻ hơn 5,3 lần so với đầu tư để sản xuất điện. Tổng số tiền đầu tư tiết kiệm được là 4.431,5 tỉ đồng.
 
Cả hai ví dụ trên cho thấy, hành động rất nhỏ trong thói quen sử dụng điện có ý nghĩa lớn trong khi rất dễ thực hiện (chỉ bằng việc tắt bớt một bóng đèn điện, hay lựa chọn loại bóng đèn tiết kiệm hơn). Đối với từng hộ gia đình, chi phí cơ hội của việc tiết kiệm điện cũng không hề nhỏ.
 
Hiện nay, trong cơ cấu tiêu dùng điện năng ở nước ta, tỷ trọng điện năng được sử dụng trong đời sống sinh hoạt của người dân (dân sinh) khá lớn. Dư địa tiết kiệm điện năng trong sinh hoạt còn rất lớn. Điều kiện kỹ thuật/công nghệ để thực hiện việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đang ngày càng được hoàn thiện và rất đa dạng (tủ lạnh nhiều cánh, máy điều hòa có biến tần, đèn chiếu sáng tự động, quạt hẹn giờ, thiết bị điện tử thông minh...).
 
Trong sản xuất công nghiệp, các công nghệ tiết kiệm điện nói riêng, và tiết kiệm năng lượng nói chung, cũng rất đa dạng, đã và đang được hoàn thiện và ngày càng được áp dụng rộng rãi, như khởi động mềm, biến tần, động cơ điện, máy bơm, máy nén khí hiệu suất cao; vòi phun cao áp, đánh lửa điện tử; tuabin hơi và tuabin khí có áp suất làm việc trên tới hạn, siêu tới hạn, trên siêu tới hạn; lò hơi đốt than siêu mịn...
 
Nhìn chung, trên thế giới, việc tiết kiệm điện được coi trọng hơn việc đầu tư tăng nguồn điện. Đối với mỗi nền kinh tế, việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện được đánh giá theo chỉ số (hệ số) về đàn hồi điện năng. Hệ số đàn hồi về điện năng là tỷ lệ giữa mức tăng trưởng về nhu cầu cung cấp điện năng và mức tăng trưởng của GDP. Hệ số này ở các nước kinh tế phát triển (G8, G20, OECD) thường nhỏ hơn 1. Ở Việt Nam, hệ số này luôn lớn hơn 1, tốc độ tăng trưởng của ngành điện luôn phải cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.
 

 

 

 

  • 29/01/2019 08:54
  • Theo: Kinh tế Sài Gòn Online