Giải pháp nào để Việt Nam phát triển điện mặt trời áp mái ?

Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó, điện mặt trời áp mái được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác có hiệu quả

 

Các công ty Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực TP HCM triển khai lắp đặt và tuyên truyền các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời trong mùa nắng nóng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Cụ thể, về điều kiện tự nhiên, bức xạ đo được tại khu vực miền Nam và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ lên tới 1.600kWh/m2/năm. Tại “Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2017 cho thấy, chỉ tính riêng tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM vào khoảng 6.300 MW.  Còn tại Hội thảo thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam được tổ chức hôm qua (27/2) tại Hà Nội, ông Trần Hồng Kỳ - cán bộ nghiên cứu về năng lượng của WB cho rằng, khoảng 30% mái nhà ở TP.HCM và Đà Nẵng có khả năng lắp đặt điện mặt trời áp mái cho hiệu quả. Về chính sách, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
 
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai Quyết định này, cả nước mới có khoảng 30MWp công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt đến từ 1.800 khách hàng (là các cơ quan công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…) đăng ký bán điện lên lưới, với sản lượng điện năng phát lên lưới chưa tới 4 triệu kWh. Đây là con số rất nhỏ so với tiềm năng vài triệu mái nhà có khả năng lắp đặt điện mặt trời áp mái. Vì sao chúng ta có tiềm năng, có cơ chế khuyến khích để phát triển mà điện mặt trời áp mái lại chưa được quan tâm? Giải pháp nào để Việt Nam phát triển điện mặt trời áp mái? 
 
Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng, có rất nhiều lợi ích mà điện mặt trời áp mái đem lại cho cả nhà nước và người tiêu dùng điện. Cụ thể, đối với nhà nước, lợi ích không chỉ là có được thêm một nguồn năng lương sạch với sản lượng khá cao - nếu được khuyến khích đầu tư, đồng nghĩa với việc giảm tối đa nguồn vốn ngân sách phải đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. 
 
Có tính toán chỉ ra rằng, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt điện mặt trời áp mái với công suất 10kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than mỗi năm do bớt đi nguồn điện phải sản xuất từ năng lượng hóa thạch. 
 
Về phía người tiêu dùng, dù là đầu tư nhỏ theo quy mô hộ gia đình hay là doanhh nghiệp - đầu tư với quy mô lớn hơn thì đều cho những lợi ích hết sức thiết thực. Giáo sư. Viện sĩ. TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam dẫn chứng, lợi ích từ điện mặt trời áp mái rất lớn. Đối với các hộ gia đình đơn lẻ, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách giá điện bậc thang mà hiện nay đang áp với các hộ tiêu thụ. Khi hộ gia đình lắp đặt thêm điện mặt trời áp mái thì sẽ giúp cắt bớt được phần đuôi – tức là những bậc thang cao, và như vậy giá điện trung bình mà các hộ phải trả sẽ thấp hơn rất nhiều. Còn đối với các doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ quan thì hiện nay chính sách giá điện đang áp dụng theo thời điểm sử dụng. Tức là nếu dùng nhiều vào giờ cao điểm thì giá điện phải trả cao hơn.  Trong khi điện mặt trời áp mái khả năng được huy động cao trùng với thời điểm doanh nghiệp phải huy động điện nhiều vào giờ cao điểm. Nếu chỉ tính vào khung giờ buổi sáng, lượng điện mặt trời áp mái có thể huy động được từ các nhà công cộng có thể đạt 25-30%, nếu tính thêm cả vào các giờ buổi trưa, cao điểm nắng thì lượng điện huy động có thể lên tới 60-65%. Nếu quy định về chênh lệch giá giữa giờ cao điểm và thấp điểm càng nhiều thì lợi ích đạt được càng lớn.
 
Việc lắp đặt điện mặt trời áp mái hiện nay khá dễ dàng do công nghệ khá phát triển và tương đối phổ biến. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư hiện nay khoảng 20-25 triệu đồng cho 1kWp điện mặt trời áp mái, theo các chuyên gia là còn cao đối với các hộ gia đình, dẫn đến các hộ dân chưa quan tâm. 
 
Bản thân người đứng đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân cũng trăn trở với nhiều câu hỏi lớn: Tại sao tiềm năng lớn nhưng nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm? Còn khó ở đâu? Cần những cơ chế gì nữa để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam. "Ngoài trở ngại về quy định thanh toán tiền bán điện của khách hàng lên lưới điện hiện chưa được giải quyết bởi thông tư của các bộ ngành thì điện mặt trời áp mái có cần chính sách ưu đãi về thuế thêm nữa không? Và chúng tôi cũng thật sự lo ngại rằng, nếu giá điện mặt trời áp mái mà không đủ ở mức người dân thấy được lợi ích rõ ràng thì rất khó để phát triển điện mặt trời áp mái trong thời gian tới như chúng ta đã chứng kiến trong 2 năm qua". Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân chia sẻ.
 
Theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), nguyên nhân đầu tiên khiến điện mặt trời áp mái chưa được quan tâm tại Việt Nam thời gian qua chính là thiếu thông tin. Do vậy, giải pháp quan trọng để thúc đẩy điện mặt trời áp mái phát triển trong thời gian tới chính là phải coi trọng truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt phải truyền thông tới từng hộ gia đình, từ khả năng đầu tư cũng như lợi ích đạt được của mô hình này. "Chúng tôi thấy rằng do các hộ gia đình chưa có hoặc có ít thông tin, thông tin chưa sáng tỏ dẫn đến người dân không hiểu được hiện nay Nhà nước đã có chính sách phát triển điện mặt trời áp mái. Do vậy, việc truyền thông đến cho người dân là vô cùng cần thiết"- bà Khanh cho biết.
 
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết, cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của điện mặt trời áp mái, sẽ hỗ trợ tối đa các yêu cầu về lắp đặt điện mặt trời áp mái của người dân và doanh nghiệp. Các thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Việc thanh toán tiền điện mua bán lên lưới cũng sẽ được thanh toán ngay khi có được Thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Đồng thời EVN sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư công tơ 2 chiều để đo lường sản lượng khách hàng sử dụng cũng như bán lên lưới.
 
Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện. Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt khoảng 1.000MW vào năm 2020, cùng với Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 08/01 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11 (ngày 11/4/2017) về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đã gửi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 xin ý kiến các bộ, ngành. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam trong thời gian tới.

  • 28/02/2019 10:19
  • Theo trang Tin nghành điện