Diện mạo nông thôn Quảng Ngãi đổi thay nhờ điện

Điện đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn các huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi.


Ảnh minh họa.
 
Phát huy hiệu quả của các nguồn vốn
 
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Phước Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013-2020 được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-UBND ngày 20/6/2014. Tổng mức đầu tư dự án: 806.043 triệu đồng, cấp điện cho 38.793 hộ dân nông thôn, miền núi, sau khi dự án này hoàn thành xấp xỉ 100% số hộ dân toàn tỉnh có điện. Tuy nhiên hiện nay nguồn vốn cho dự án rất khó khăn, năm 2016 vừa qua chúng tôi mới được phân bổ vốn ngân sách Trung ương là 20 tỷ đồng và năm 2017 là 13 tỷ đồng”.
 
Với nguồn vốn như vậy, năm 2016 Sở Công Thương đã đầu tư và hoàn thành công trình nghiệm thu, đóng điện cho hơn 400 hộ dân của 3 xã miền núi Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Giang của huyện Ba Tơ giúp người dân kịp thời có điện sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
 
Năm 2017 ngành Công Thương tiếp tục đầu tư cấp điện cho 800 hộ dân thuộc xã Ba Điện, Ba Tô của huyện Ba Tơ, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong quý II/2017.
 
Cùng với nguồn vốn của Trung ương theo Quyết định 2081 thì trong những năm vừa qua với sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phát triển mạnh mẽ. Thông qua Dự án Năng lượng nông thôn I, II, các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện của ngành… bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, ADB, KFW… lưới điện trung và hạ áp nông thôn không ngừng được phát triển đã góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn và góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thông qua đáp ứng tiêu chí số 4 về điện.
 
Đặc biệt, bằng nguồn vốn Chính phủ trong năm 2014, dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm 22kV xuyên biển đã được triển khai thực hiện đã góp phần vào phát triển kinh tế cho người dân huyện đảo cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ vững an ninh biển đảo và chủ quyền quốc gia.
 
Đổi thay nhờ điện
 
Nhờ đẩy mạnh các dự án đầu tư xây dựng và cải tạo lưới điện trung và hạ áp nông thôn, đến nay 184/184 xã, thị trấn của tỉnh Quảng Ngãi có điện (riêng xã đảo An Bình cấp điện bằng dầu diesel và pin mặt trời), tỷ lệ số hộ dân có điện trên toàn tỉnh đạt 98,65%, đảm bảo cung cấp đủ điện để phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn.
 
Điện lưới quốc gia về đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo kinh tế nông thôn, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuất. Tại làng chài Hải Tân của xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, khi điện lưới quốc gia được cải tạo, nâng cấp, người dân ở đây đã mua sắm nhiều đồ điện gia dụng, thiết bị điện trong gia đình. Ông Nguyễn Cư ở thôn Hải Tân cho biết: “Nguồn điện cung cấp ổn định, nhiều gia đình trong thôn đã đầu tư những thiết bị điện giải trí như: dàn karaoke, thiết bị nghe nhìn… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà con chúng tôi ai cũng an tâm khi thấy đường dây điện do ngành điện đầu tư thay thế dây trần bằng đường dây bọc cáp vặn xoắn đảm bảo an toàn”.
 
Còn như anh Nguyễn Đình Thi ở thôn Hải Tân cũng đầu tư mở rộng sản xuất đá lạnh từ 300 cây đá lên gần 1.000 cây đá lạnh/ngày. Anh Thi cho biết, kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất đá lạnh có từ lâu nhưng trước đây nguồn điện không ổn định nên đành chịu. “Ngay sau khi điện lực đầu tư cải tạo đường dây điện trung thế, tui đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mở rộng sản xuất”, anh Thi cho biết thêm.
 
Bà Nguyễn Thị Hà, tại xã Ba Giang của huyện Ba Tơ cho biết, người dân đã rất vui mừng được sử dụng điện lưới quốc gia vào đúng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nhiều hộ gia đình đã kịp mua sắm tivi, tủ lạnh… nhờ đó Tết năm nay vui hơn hẳn những năm trước.
 
Đánh giá về hiệu quả việc cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn, cũng theo ông Trần Phước Hiền: Các dự án lưới điện nông thôn sau khi hoàn thành đã góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện lưới điện nông thôn trong toàn tỉnh, làm thay đổi căn bản về chất lượng điện năng khu vực nông thôn, người dân được sử dụng điện lưới ổn định, an toàn, tổn thất điện năng giảm từ khoảng 30% xuống dưới 10%, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, mang lại bộ mặt mới cho nông thôn Quảng Ngãi.

  • 22/02/2017 10:04
  • http://icon.com.vn