Để điện mặt trời "cất cánh"

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về điện mặt trời. Tuy nhiên, những gì chúng ta có hiện nay chưa đủ để năng lượng mặt trời cất cánh.

Chi phí sản xuất điện mặt trời đang ngày càng hấp dẫn.
 
Nhiều chính sách ưu đãi cho điện mặt trời
 
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam sẽ tăng 11% mỗi năm, tương ứng với gần 20 tỷ kWh trong những năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung nào để đáp ứng cho lượng nhu cầu tăng thêm này vẫn đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.
 
Tại Việt Nam, các dự án nguồn thủy điện lớn đã được khai thác tối đa. Hơn nữa, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện cũng gây ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực dự án. Trong khi đó, nhiệt điện than phải đối mặt với áp lực rất lớn về môi trường: tổng lượng than cung cấp cho điện lên đến khoảng 30 triệu tấn, thải ra 10 triệu tấn tro. Mới đây, dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã tạm dừng.
 
Chính vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời đang được xác định trở thành hướng đi mới tại Việt Nam. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, mục tiêu phát triển điện mặt trời được đặt ra đạt khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW đến năm 2030.
 
Tháng 4.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam với nhiều nội dung hấp dẫn dành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
 
Theo quyết định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên được ủy quyền có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng sản xuất từ các dự án điện mặt trời. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện mặt trời cũng lên tới 20 năm.
 
Các dự án điện mặt trời cũng được miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định cho dự án. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và hưởng ưu đãi về đất đai như các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
 
Ngày 12/9/2017, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
 
Thông tư quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm. Quy định này đã mở ra cơ hội lớn đầu tư hấp dẫn và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Đầu tư dự án lớn còn nhiều rủi ro
 
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, Thông tư của Bộ Công Thương quy định rằng: bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 30-6-2019. Điều này có nghĩa là để được áp dụng giá bán ưu đãi, doanh nghiệp chỉ còn chưa đầy 2 năm để triển khai các dự án đầu tư, trong khi việc hoàn chỉnh hồ sơ, chờ cấp phép, giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian.
 
Thêm vào đó, các dự án điện mặt trời còn phải hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, dự án có quy mô dưới 50 MW phải do Bộ Công Thương phê duyệt và trên 50 MW phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Quyết định 11 chỉ có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 đến ngày 30-6-2019. Như vậy, các dự án triển khai sau 2019 sẽ có được cơ chế bán điện và ưu đãi thế nào? Đây cũng là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm.
 
Tại hội thảo The Solar Future Vietnam do tập đoàn SolarPlaza tổ chức ngày 30.11 vừa qua, bà Monika Bieri, chuyên gia của SERIS đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về điện mặt trời, chỉ sau Indonesia. Tuy nhiên, những gì chúng ta có hiện nay chưa đủ để năng lượng mặt trời trở thành “con gà đẻ trứng vàng”.
 
Đã nhiều năm làm về dầu khí, nhưng hiện nay ông Lê Việt Nga, giám đốc một doanh nghiệp ở Vũng Tàu, đang tìm hiểu để đầu tư triển khai một dự án điện mặt trời. Trao đổi bên lề hội thảo, ông Nga chia sẻ: “Dầu khí đang gặp nhiều khó khăn trong khi điện mặt trời lại đang có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, trước mắt tôi sẽ chỉ đầu tư thử nghiệm ở quy mô nhỏ nên không cần xin giấy phép của Bộ Công thương.”
 
Những trường hợp như ông Nga không phải là cá biệt. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Cường, Chuyên gia cao cấp Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, cũng đã nhận xét: “Thách thức lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính liên quan đến việc xin cấp phép xây dựng, bổ sung nguồn điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia và quy hoạch điện của từng địa phương trong việc triển khai các dự án.”
 
Đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư. Ông Oliver Massmann, Giám đốc điều hành Duane Morris Vietnam LLC đã có 20 năm làm việc tại Việt Nam. Theo ông, khung pháp lý, ưu đãi thuế và mức giá mua điện mặt trời 9,35 cents/kWh tương đối hấp dẫn nhưng việc thiếu thông tin và thiếu sự cam kết chặt chẽ từ chính phủ đến các địa phương đang khiến các doanh nghiệp ngại đầu tư lớn.
 
Đặc biệt, không có đủ thông tin dẫn đến nguy cơ phát sinh các chi phí ngoài kế hoạch. Theo thống kê đưa ra tại hội thảo The Solar Future Vietnam, có đến 75% các dự án lớn bị đội vốn.
 
Bởi vậy, những quy định thật cụ thể, chặt chẽ vẫn là điều các doanh nghiệp trông đợi. Ông Trần Anh Thái, Phó Tổng giám đốc - Công ty TNHH Hệ thống Kỹ thuật ứng dụng cho rằng: “Điều các nhà đầu tư cần nhất hiện nay là các quy định về luật lệ phải chặt chẽ hơn, bảo vệ được nhà đầu tư trong trường hợp phát sinh rủi ro”.
 
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ cần ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, như tiêu chuẩn tấm pin, bộ chuyển điện, giàn khung đỡ... nhằm ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng. Việc xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi không còn sử dụng cũng cần phải được đặt ra ngay từ bây giờ.
 
Pin mặt trời trong thành phố thông minh
 
Điện mặt trời lắp mái quy mô hộ gia đình là hướng phát triển đầy tiềm năng.
 
Với những điều kiện như hiện nay, vẫn cần những động thái tích cực hơn nữa từ tất cả các bên để biến Việt Nam trở thành “thiên đường điện mặt trời” trong mắt các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các cơ hội đầu tiên, chúng ta vẫn có những hướng phát triển tiềm năng khác.
 
Ông David Ngô, chủ tịch IP Group đặt vấn đề: “Với lượng chiếu sáng hàng năm rất lớn, tại sao chúng ta không phát triển điện mặt trời lắp mái dùng cho quy mô hộ gia đình, giúp từng nhà tiết kiệm được năng lượng? Từ đó, có thể phát triển lên dùng cho các trang trại và các quy mô lớn hơn".
 
Để làm được điều này, người dân cần phải thật sự cảm thấy thuyết phục về tính khả thi, sự hấp dẫn của năng lượng mặt trời. Theo ông David Ngô, điều này sẽ hoàn toàn khả thi nếu có chủ trương từ nhà nước và sự hỗ trợ của các ngân hàng.
 
Ngoài ra, sự phát triển điện mặt trời còn đem lại một cơ hội rất lớn khác. Điện mặt trời càng được sử dụng rộng rãi thì nhu cầu về inverter cũng tăng theo. Điều này mở ra hướng phát triển mới: inverter thông minh.
 
Phát triển phần mềm, ứng dụng cho thiết bị thông minh là xu hướng chung của thế giới và cũng là thế mạnh, cơ hội Việt Nam có thể khai thác. Kết hợp những yếu tố đó, các doanh nghiệp, startup Việt có thể nghiên cứu, phát triển inverter thông minh có khả năng tự động thay đổi góc để tối ưu hóa diện tích đón nắng cũng như điều khiển từ xa là gợi ý của ông David Ngô.

  • 06/12/2017 08:25
  • Icon.com.vn