Chủ động cấp điện trong mọi tình huống

Trong quý I - 2018, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã bảo đảm cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho các hoạt động văn hóa - xã hội, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Công nhân Trạm biến áp 220 kV Vật Cách (Hải Phòng) kiểm tra thiết bị máy biến áp 220 kV, bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho khu vực miền bắc.
 
Dự báo, nhu cầu điện trong mùa khô tăng mạnh so năm trước, cùng với đó là xu hướng thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, nhất là nguy cơ bão lũ, thiên tai có thể xảy ra nhiều, đòi hỏi EVN phải nỗ lực có các giải pháp hiệu quả.
 
Ðáp ứng nhu cầu tăng nhanh
 
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 48,96 tỷ kW giờ, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong quý I, sản lượng ngày lớn nhất đạt 612,6 triệu kW giờ, tăng 7,1%; công suất lớn nhất toàn hệ thống là 29.812 MW, tăng 10,1%. Trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng từ miền bắc vào miền trung và miền nam. Sản lượng truyền tải vào miền nam là 4,4 tỷ kW giờ (tương đương 19% nhu cầu điện miền nam), công suất truyền tải cao nhất trên giao diện miền bắc - miền trung là 1.980 MW và miền trung - miền nam 3.608 MW. Lũy kế quý I, sản lượng điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 42,2 tỷ kW giờ, tăng 10,49% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 10,6%.
 
Ðể bảo đảm cung ứng điện, công tác vận hành đã bám sát nhu cầu điện cả nước và tại các khu vực, huy động các loại nguồn điện phù hợp với tình hình thủy văn, khả năng cấp khí đồng thời cấp nước hạ du và sản xuất nông nghiệp. Các nhà máy nhiệt điện (NMNÐ), tua-bin khí, nhiệt điện than được khai thác cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải, trong đó các NMNÐ Vĩnh Tân 2, 4 và Duyên Hải 1, 3 huy động khoảng 5 tỷ kW giờ, góp phần quan trọng cung cấp điện cho miền nam. Các đơn vị của EVN đã nỗ lực trong việc điều hành, chỉ đạo thi công các công trình theo kế hoạch năm 2018, nhất là các công trình phục vụ cấp điện mùa khô.
 
Trong quý I, EVN và các đơn vị đã khởi công 28 công trình, hoàn thành 41 công trình lưới điện 110 - 500 kV; đã đóng điện các công trình quan trọng như nâng công suất Trạm biến áp (TBA) 500kV Tân Ðịnh, TBA 220kV Phù Mỹ, Phú Thọ; nâng công suất các TBA 220 kV Ðông Anh, Vũng Tàu, Ðức Hòa; các TBA 110 kV LG Display, Thép Việt Nhật, Tằng Loỏng 3...
 
Quý II hằng năm là thời gian cao điểm của mùa khô - thời điểm căng thẳng nhất trong năm toàn hệ thống, EVN đang nỗ lực bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 12,5% so cùng kỳ năm trước, nhất là trong các tháng 5 và 6, dự báo phụ tải của hệ thống có thể đạt bình quân tới 650 triệu kW giờ/ngày, công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể lên tới 34.300 MW. Các nguồn nhiệt điện than và tua-bin khí sẽ tiếp tục được khai thác cao, đồng thời khai thác các hồ chứa thủy điện theo biểu đồ điều tiết, bảo đảm cung cấp nước cho hạ du và vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện than. Trường hợp cần thiết, EVN sẵn sàng huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu để cung ứng điện. EVN đã chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tăng cường các công tác quản lý vận hành, bảo đảm hành lang tuyến đường dây để vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, phục vụ truyền tải cao liên tục trong mùa khô, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam.
 
EVN sẽ phải tập trung thi công, hoàn thành một số công trình như: Hoàn thành cấp Chứng chỉ vận hành thương mại tạm thời (PAC) cho tổ máy 1 dự án NMNÐ Vĩnh Tân 4 và bảo đảm cung cấp đủ than phục vụ phát điện thương mại cho các tổ máy; hoàn thành cấp PAC cho cả hai tổ máy dự án NMNÐ Thái Bình... Ðối với lưới điện truyền tải, tiếp tục nỗ lực tập trung triển khai các dự án cấp bách phục vụ cấp điện các tháng mùa khô và cả năm 2018, phấn đấu hoàn thành đóng điện đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây; phấn đấu mục tiêu khởi công trong quý II các dự án: đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Plây Cu 2, đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín, đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, TBA 500 kV Chơn Thành, lắp máy biến áp 2 TBA 500 kV Mỹ Tho.
 
Sẵn sàng ứng phó thiên tai
 
Lãnh đạo EVN cho biết, năm 2017 được ghi nhận kỷ lục về số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (20 cơn) đổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho ngành điện. Theo ước tính, chỉ riêng ba cơn bão số 2, 10 và 12 đã gây thiệt hại hơn 483 tỷ đồng. Cùng với đó mưa lũ về bất thường, cao nhất trong năm đổ về hồ thủy điện Hòa Bình với lưu lượng lên tới 16.500 m3/giây nhưng không phải mùa lũ, điều đó cho thấy sự bất thường và khó dự đoán của thời tiết. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, năm nay, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam sẽ tương đương, thậm chí nhiều hơn so trung bình nhiều năm. Chính vì vậy, việc chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai (PCTT), bão lũ là một nhiệm vụ hết sức cấp bách ngay từ bây giờ.
 
Các đơn vị trong toàn EVN phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án PCTT và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn hồ đập và công trình thủy điện, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão năm 2018. Các đơn vị quản lý lưới điện phải tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, TBA, nhất là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông. Xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị vật tư, nguồn lực bảo đảm an toàn cho người, thiết bị khi xảy ra bão, ngập úng, sẵn sàng khôi phục cấp điện trở lại và hỗ trợ các đơn vị khác khi bão, lụt, thiên tai xảy ra. Ðối với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện, EVN yêu cầu kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện đi-ê-den dự phòng, có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa. Rà soát phương án thông tin, liên lạc, bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống.
 
Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương liên quan kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng khả năng thoát lũ của công trình nhằm xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ. Kiểm tra, duy trì sự hoạt động tốt và liên tục của hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du đập khi vận hành, xả lũ hồ chứa và hệ thống ca-mê-ra giám sát tại thượng lưu, hạ lưu các hồ chứa, truyền hình ảnh về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và các Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn địa phương.

  • 12/04/2018 08:00
  • http://icon.com.vn